Nghị quyết 98 của Quốc hội “về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM”, trong đó có cho phép làm dự án BOT trên đường hiện hữu, BT trả chậm sẽ giúp “cởi trói” cho nhiều dự án hạ tầng trọng điểm trên địa bàn thành phố được sớm khởi động.

Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, nghị quyết 98 sẽ tháo gỡ một số dự án BT ký hợp đồng trước ngày Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực.

Đối với các dự án mới, thành phố đang lập đề xuất một số dự án BT thanh toán bằng tiền (trả chậm), BOT trên trục đường chính đô thị, đường trên cao như mở rộng quốc lộ 22, cầu đường Bình Tiên, quốc lộ 13…

Thành phố sẽ chủ động cân đối vốn để quyết định chủ trương đầu tư nhiều dự án hạ tầng quan trọng trên địa bàn như cầu đường Nguyễn Khoái, Thủ Thiêm 4, vành đai 2, vành đai 4, cầu Cần Giờ.

Với cơ chế mới, hi vọng trong thời gian tới, những dự án hạ tầng đang ngưng trệ sẽ được tái khởi công, những dự án mới cũng được đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Được phê duyệt quy hoạch từ năm 2007, khởi công xây dựng năm 2017 nhưng đến nay đoạn 3 của dự án đường Vành đai 2 từ nút giao Gò Dưa đến đường Phạm Văn Đồng vẫn dang dở.

Dự án có vốn đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú Bắc Ái (công ty Văn Phú Bắc Ái) làm nhà đầu tư, thực hiện theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao). Đại diện nhà đầu tư từng cho biết, đã sử dụng khoảng 1.400 tỉ đồng để thực hiện dự án. Do nhiều vướng mắc, đến nay dự án vẫn ngưng trệ, chưa xác định ngày thi công trở lại.

Hiện tại, nhiều hạng mục đã thi công của dự án bị bỏ hoang, sắt thép hoen gỉ, cỏ dại xâm lấn.

Với những thay đổi trong cơ chế mới, hi vọng sắp tới không chỉ riêng đoạn Gò Dưa – Phạm Văn Đồng, mà cả tuyến đường Vành đai 2 sẽ sớm được khép kín. Dự án này có tổng chiều dài 64km, được triển khai hơn 15 năm qua nhưng đến nay vẫn còn khoảng 14km còn chưa hoàn thành.

Dự án cầu, đường Nguyễn Khoái bắc qua kênh Tẻ nối các quận 7, 4 và quận 1 là dự án hạ tầng quan trọng khu vực trung tâm thành phố nhưng chưa thể triển khai suốt nhiều năm qua.

Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 2.800 tỉ đồng sẽ có vai trò quan trọng giúp kết nối khu Nam thành phố với trung tâm. Giảm tải cho các tuyến đường hiện hữu đang quá tải.

Cầu Thủ Thiêm 4 là một trong những hạ tầng được chờ đợi nhất. Dự án kết nối khu đô thị Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức) với quận 7 dự kiến trình HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp tới. Cây cầu có tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỉ đồng này có ý nghĩa lớn về kết nối giao thông, thúc đẩy kinh tế thành phố.

Cầu Thủ Thiêm 4 có chiều dài hơn 2km, rộng 28m với 6 làn xe, 2 lề bộ hành, vận tốc thiết kế 60km/h. Theo đề xuất của Sở GTVT TP.HCM, tổng mức đầu tư của dự án gần 5.000 tỉ đồng, thực hiện theo hình thức PPP, hợp đồng BOT.

Theo thiết kế, cầu có điểm đầu từ đoạn trước giao lộ cầu Tân Thuận 2 – Nguyễn Văn Linh, đi dọc theo đường Nguyễn Văn Linh, rẽ trái ở ngã tư Huỳnh Tấn Phát nối vào đường Lưu Trọng Lư (quận 7). Cầu tiếp tục cắt qua khu cảng Tân Thuận, vượt sông Sài Gòn nối đường Nguyễn Cơ Thạch (Khu đô thị Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức).

Cầu Thủ Thiêm 4 sau khi hoàn thành sẽ tạo hướng kết nối, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP. Thủ Đức qua khu vực phía Nam thành phố (quận 7, quận 8, Nhà Bè, Bình Chánh).

Là cửa ngõ kết nối TP.HCM với Bình Dương và các tỉnh Tây Nguyên, nhưng Quốc lộ 13 đoạn từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước hiện nay quá nhỏ hẹp. Lưu lượng giao thông lớn khiến cho tuyến đường này thường xuyên kẹt xe trầm trọng.

Dự án mở rộng Quốc lộ 13 đoạn từ chân cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước dài gần 5km đã được TP.HCM lên kế hoạch nhiều năm nhưng chưa thể triển khai.

UBND TP.HCM đưa dự án quan trọng này vào danh mục 34 dự án trọng điểm năm 2023. Dự kiến quốc lộ 13 được mở rộng từ 4 lên 8 làn xe với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng.

Dự án cầu Cần Giờ nhằm thay thế phà Bình Khánh kết nối trung tâm với huyện đảo duy nhất của thành phố.

Theo Sở GTVT TPHCM, cầu Cần Giờ có tổng mức đầu tư 9.982 tỉ đồng, được đầu tư theo hình thức theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Cầu Cần Giờ nối huyện Cần Giờ qua Nhà Bè vào trung tâm TP.HCM dài hơn 3,6 km với 6 làn xe.

Khi hoàn thành, cầu Cần Giờ giúp kết nối khu Nam TP.HCM với huyện Cần Giờ, đáp ứng nhu cầu giao thông trong khu vực. Qua đó, tạo điều kiện thúc đẩy và phát triển dự án khu lấn biển, khu đô thị du lịch biển Cần Giờ.

  • Dự án nghìn tỷ “trơ gan cùng tuế nguyệt”, thành nơi nuôi bò

    Dự án nghìn tỷ “trơ gan cùng tuế nguyệt”, thành nơi nuôi bò

    Cafeland - Được kỳ vọng là dự án hạ tầng trọng điểm, kết nối TP.HCM với vùng lân cận, tạo sức bật cho kinh tế - xã hội toàn vùng, nhưng đến hiện tại, đường Vành đai 2 (đoạn từ Gò Dưa đến Phạm Văn Đồng) đang trong tình trạng ngưng trệ, xuống cấp một số chi tiết, hạng mục. Và thậm chí, thành nơi nuôi gà, bò của người dân địa phương.

Nguyễn Văn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.