07/07/2023 1:22 PM
Chiều tối 6/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) Việt Nam về tình hình hoạt động của Hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp SME và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Chấp hành Hiệp hội SME Việt Nam. Ảnh: VGP

Hiệp hội SME là tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ, với trên 65.000 hội viên.

Theo Hiệp hội SME, thời gian qua do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và các tác động từ tình hình thế giới khác, đơn hàng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ sụt giảm, đầu ra khó khăn, chi phí nguyên, nhiên, vật liệu vẫn cao… ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp SME. Việc các doanh nghiệp SME khó khăn trong sản xuất, kinh doanh ảnh hưởng tới doanh thu của doanh nghiệp, đặc biệt ảnh hưởng tới việc làm, thu nhập của người lao động.

Tại buổi làm việc, Hiệp hội và các doanh nghiệp SME đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan xem xét chỉ đạo, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn tốt hơn; tiếp tục giảm lãi suất, nới lỏng điều kiện cho vay; xem xét thành lập quỹ, dùng đòn bẩy tín dụng hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp; cơ cấu lại các khoản nợ cho doanh nghiệp; có chính sách đào tạo quản trị doanh nghiệp; tạo điều kiện để các doanh nghiệp SME tham gia các chương trình, công trình, dự án có giá trị lớn… Qua đó, góp phần tháo gỡ khó khăn, giúp các doanh nghiệp SME phát triển.

Sau khi lắng nghe ý kiến của Hiệp hội SME, Thủ tướng cho biết, Chính phủ luôn lắng nghe, chia sẻ, nỗ lực để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, như thực hiện các chính sách gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, miễn giảm thuế, phí, lệ phí (với tổng quy mô khoảng 200.000 tỷ đồng theo các Nghị định số 12, 36, 41 của Chính phủ, giảm 2% thuế GTGT theo Nghị quyết của Quốc hội…); tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản (theo các Nghị định số 08, số 10 và Nghị quyết 33 của Chính phủ); đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nhanh, phát triển bền vững (Nghị quyết 58 của Chính phủ); đã thành lập 26 tổ công tác do các thành viên Chính phủ làm việc trực tiếp với tất cả các địa phương, đã xử lý 300/1.000 nghìn kiến nghị và đang tiếp tục xem xét, xử lý đối với trên 700 kiến nghị còn lại.

Thủ tướng nêu rõ, những giải pháp trên có thể chưa đáp ứng được hết các yêu cầu của sự phát triển và thời gian tới, cần phải cần cố gắng hơn nữa, quyết tâm hơn nữa, nỗ lực hơn nữa. Ông cho biết, một kết quả khảo sát 10.000 doanh nghiệp gần đây cho thấy 59,2% doanh nghiệp cho rằng khó khăn lớn nhất là về đơn hàng, 51,1% cho rằng khó khăn lớn nhất là về tiếp cận vốn; còn lại là những khó khăn trong đáp ứng thủ tục hành chính và quy định của pháp luật.

Làm rõ thêm một số vấn đề được nhiều ý kiến đề cập tại cuộc gặp, mà trước hết là những khó khăn trong tiếp cận vốn, lãi suất còn cao, Thủ tướng nêu rõ, ngành ngân hàng đã 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng dư nợ tín dụng, tăng khả năng tiếp cận tín dụng, nhưng cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa, triển khai các giải pháp mạnh mẽ hơn nữa, mang lại hiệu quả thiết thực hơn nữa, kịp thời hơn nữa.

Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm hai bên cần lắng nghe, chia sẻ nhiều hơn, tôn trọng, có trách nhiệm với nhau, cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên cơ sở quy định của pháp luật và phù hợp hoàn cảnh, tình hình. Đặc biệt, phải đặt mình vào địa vị của người khác; ngân hàng phải đặt mình vào vị trí các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đặt mình vào vị trí của các ngân hàng. Vừa qua, Thủ tướng đã chỉ đạo lập các cơ quan, các địa phương phải vào cuộc cùng ngân hàng và doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với từng lĩnh vực, thậm chí là từng dự án.

Thủ tướng đề nghị NHNN và các ngân hàng cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh điều kiện cho vay thuận lợi hơn, tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay; đồng thời, theo dõi việc triển khai Thông tư 02 về cơ cấu lại nợ và Thông tư 03 về mua lại trái phiếu doanh nghiệp để điều chỉnh kịp thời nếu cần thiết.

Liên quan các gói tín dụng ưu đãi, Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng thúc đẩy gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho lĩnh vực nhà ở xã hội, 10.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp gỗ và lâm sản.

Trường Anh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.