Hình minh họa
Bitexco sẽ bán vốn tại Saigon Glory - chủ dự án trên “đất vàng” TP.HCM cho ai?
Theo phương án đã được các bên thống nhất, Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco sẽ chuyển nhượng 100% vốn góp tại Công ty TNHH Saigon Glory cho Công ty TNHH Bất động sản Phương Đông Hà Nội.
Bitexco cho biết việc chuyển nhượng này không làm ảnh hưởng hay thay đổi bất lợi nào đến người sở hữu trái phiếu. Doanh nghiệp cũng cam kết thanh toán gốc và lãi 10 lô trái phiếu từ ngày 1/9 đến ngày 12/6/2025, và tiền lãi của kỳ thanh toán ngày 18/6/2025.
Đồng thời, bên nhận chuyển nhượng sẽ tiếp tục thanh toán tiền gốc của kỳ thanh toán ngày 18/6/2025 và gốc cộng lãi sau thời gian này. Sau giao dịch, Công ty TNHH Bất động sản Phương Đông Hà Nội sẽ tiếp tục thế chấp phần vốn góp tại Techcombank để đảm bảo nghĩa vụ trái phiếu.
Trường hợp sau 90 ngày phần vốn góp được ngân hàng giải chấp mà giao dịch chuyển nhượng chưa được hoàn tất, Bitexco sẽ thực hiện thế chấp lại phần vốn góp trong vòng 7 ngày. Công ty TNHH Bất động sản Phương Đông Hà Nội cam kết thanh toán tiền gốc và lãi trái phiếu như thỏa thuận chuyển nhượng phía trên.
Chính thức khánh thành cầu 500 tỷ nối Bình Dương - Đồng Nai
Cầu Bạch Đằng 2 được khởi công vào tháng 12/2021, có tổng chiều dài 2,8km, riêng phần cầu bắc qua sông Đồng Nai dài 410m, rộng 17m với 4 làn xe.
Tổng mức đầu tư cho dự án này là gần 491 tỉ đồng, từ ngân sách của hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. Dự án do Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư.
Cầu có chiều dài toàn tuyến gần 950m; trong đó phần cầu dài 401m, phần đường dẫn đầu cầu dài 545m. Trong đó, phần đường dẫn phía Bình Dương dài 289m; phần đường dẫn phía Đồng Nai dài 256m...
Trước đó, dự kiến cầu sẽ hoàn thành sau 450 ngày thi công. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, UBND tỉnh Bình Dương đã cho phép gia hạn thời gian thực hiện.
Việc xây dựng thêm cầu qua sông Đồng Nai trước hết tạo thuận lợi cho người dân 2 bờ, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa sẽ an toàn hơn so với đi lại bằng đò ngang như trước đây. Đồng thời, kết nối đường 747 (tỉnh Bình Dương) và đường 768 (tỉnh Đồng Nai), tạo thuận lợi cho hàng hóa, phương tiện từ các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ... lưu thông tới sân bay Long Thành và các cảng trong tương lai.
Thủ tướng yêu cầu đường Vành đai 4 qua địa bàn tỉnh Bắc Ninh phải hoàn thành vào năm 2025
Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia, đi qua 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh), kết nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai và Nội Bài - Hạ Long có chiều dài 112,8km với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 85,8 nghìn tỷ đồng. Dự án khởi công tháng 6/2023.
Trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Ninh có chiều dài tuyến theo lý trình cao tốc là 35,3km, trong đó 25,6km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối đường Vành đai 4 với đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Tổng mức đầu tư 5.274 tỷ đồng.
Dự án hoàn thành sẽ góp không nhỏ vào việc cải thiện giao thông và mở rộng không gian phát triển, đồng thời giúp nâng cao khả năng kết nối và lan tỏa tác động đến các vùng lân cận, thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội trong khu vực Vùng Thủ đô, Đồng bằng sông Hồng và Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Về công tác giải phóng mặt bằng, hiện nay, tỉnh đã bàn giao 364/374 ha, chiếm 97,2% tổng mặt bằng cho chủ đầu tư, còn 2,8% diện tích đất ở dự kiến bàn giao vào cuối tháng 11/2024. Lãnh đạo tỉnh đang quyết liệt chỉ đạo thực hiện hoàn thành 11 dự án tái định cư.
Đến năm 2050, doanh thu ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ đạt 100 tỷ USD/năm
Đây là những mục tiêu được đưa ra trong Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 vừa được Thủ tướng ban hành.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2050, Việt Nam trở thành quốc gia thuộc nhóm đi đầu trên thế giới về công nghiệp bán dẫn, điện tử; làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử. Ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam được định hướng phát triển theo lộ trình 3 giai đoạn với các mục tiêu cụ thể.
Trong giai đoạn 1 từ nay đến năm 2030, mục tiêu là tập trung thu hút đầu tư FDI có chọn lọc, hình thành ít nhất 100 doanh nghiệp thiết kế, 1 nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ và 10 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn; phát triển một số sản phẩm bán dẫn chuyên dụng trong một số ngành lĩnh vực.
Quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 25 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng đạt 10-15%. Quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 225 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt 10-15%.
-
Bất động sản 24h: Bà Rịa - Vũng Tàu công bố bảng giá đất mới
Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành bảng giá đất mới, có nơi lên đến 78 triệu đồng/m2; Đề xuất bổ sung nút giao gần 1.600 tỉ nối cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu với ĐT.911; Hà Nội khởi công cụm công nghiệp 1.000 tỷ, tạo việc làm 4.000 lao động... là những thông tin đáng chú ý trong 24h qua.