Theo thống kê sơ bộ tại Hà Nội, khoảng 10% số lượng nhà chung cư có "vấn đề" về quản lý. Mặc dù thời gian qua, số lượng các công ty quản lý, vận hành tòa nhà mọc lên như nấm sau mưa, nhưng tình trạng lộn xộn, tranh chấp, mất mỹ quan đô thị tại các khu chung cư vẫn liên tiếp xảy ra.
Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh, trông giữ xe ở khu chung cư Kim Văn - Kim Lũ (Hà Nội) diễn ra thường xuyên.
Tại khu chung cư CT6A, 6B và 6C (khu đô thị Xa La, quận Hà Ðông, TP Hà Nội), tình trạng các hộ dân lấn chiếm hè đường làm nơi kinh doanh buôn bán diễn ra khá phổ biến. Phần lớn các cửa hàng đều "sở hữu" toàn bộ diện tích vỉa hè, khiến người dân phải đi xuống lòng đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Chị Lê Hải Huyền, trú tại CT6A cho biết, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường diễn ra nhiều năm nay, khiến cảnh quan đô thị ngày càng nhem nhuốc, lộn xộn. Mặc dù người dân đã nhiều lần phản ánh, nhưng cơ quan chức năng và ban quản lý tòa nhà chỉ "dẹp" được vài ngày, xong đâu lại vào đấy.
Không chỉ vậy, mấy tòa nhà cao 30 đến 40 tầng, nhưng phía chủ đầu tư chỉ xây một tầng hầm làm nơi trông giữ xe đạp, xe máy khiến bãi xe luôn trong tình trạng quá tải. Do không có chỗ để ô-tô, hàng trăm chiếc xe phải đậu chung quanh các tòa nhà và chiếm gần hết đường đi nội bộ, cùng với các quán ăn, hộ kinh doanh rau củ quả, đồ gia dụng, khiến bộ mặt khu đô thị không khác gì cái chợ.
Tại khu chung cư Kim Văn - Kim Lũ (quận Hoàng Mai, Hà Nội), cả bốn tòa nhà 39 tầng phục vụ nhu cầu an cư của gần 3.000 hộ dân, nhưng không có khuôn viên, thảm cỏ dành cho người già, trẻ nhỏ vui chơi, tản bộ. Các hộ dân phải tự quyên góp tiền xây dựng khu vui chơi và diện tích được trưng dụng là vỉa hè đầu hồi tòa nhà CT12A, khu tiếp giáp đường vành đai 3 và đường đi nội bộ, nơi thường xuyên có hàng trăm lượt ô-tô, xe máy ra vào mỗi ngày, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Chị Nguyễn Thu Hương, trú tòa nhà CT12A cho biết, để tối đa hóa lợi nhuận, chủ đầu tư đã "tiết kiệm" đủ mọi thứ, không có quy hoạch sân chơi, ghế đá công viên. Ngoài ra, một chủ bãi xe còn bành trướng, cố tình lấn chiếm cả một quãng đường dài gần 1 km làm nơi trông giữ xe, cùng với các quán xá mọc lên tùm lum, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, khiến đoạn đường này thường xuyên ùn tắc, gây bức xúc đối với người dân.
Không chỉ đối với những chung cư "bình dân giá rẻ", nhiều người dân tại khu chung cư cao cấp ở khu đô thị Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) cũng bức xúc về việc mất tiền mua dịch vụ, nhưng được thụ hưởng không tương xứng. Anh Lê Việt Hùng, trú tại CT2A cho biết, với mức phí dịch vụ 5.000 đồng/m2, mỗi tháng nhà anh mất gần 600 nghìn đồng, chưa kể tiền điện, nước, mọi hỏng hóc phát sinh phải mất tiền riêng, thì giá trị thụ hưởng dịch vụ gần như bằng không. Bởi vì, hệ thống sảnh lan-can mặc dù được lau chùi mỗi sáng nhưng trưa, chiều đã dính đầy vết bẩn; một số vị trí trên tường đã bong tróc, mất vệ sinh; hệ thống xả rác chỉ còn một họng hoạt động, họng còn lại hỏng gần ba năm nay nhưng không được sửa chữa.
Mới đây, bà con ở tòa nhà khấp khởi vui mừng, khi họng rác này có người đến sửa chữa, nhưng kết quả thay vì sửa chữa, họ cho hàn "bịt chết" lại, để không tiếp tục sử dụng nữa. Ðiều đáng nói, việc xử lý mùi hôi thối của hệ thống xả rác không triệt để, khiến môi trường ô nhiễm. Anh Hùng bức xúc: Mỗi lần đi vứt rác như một cực hình, mùi hôi thối nồng nặc khiến tôi nôn khan không ít lần.
Qua tìm hiểu, một số chung cư do Tổng công ty HUD đầu tư trước thời điểm Luật Nhà ở có hiệu lực, không có quỹ bảo trì 2%, bước đầu cư dân ngộ nhận, hiểu sai lệch một số vấn đề về sở hữu, sử dụng chung, trách nhiệm đóng góp quỹ bảo trì chung cư, giá dịch vụ chung. Công ty đã vận động, giải thích bằng văn bản đến từng hộ dân, tuy nhiên, một số nơi vẫn có chiều hướng chây ỳ không muốn thành lập ban quản trị tòa nhà.
Bên cạnh đó, một số trường hợp thuê các ki-ốt bán hàng chậm thanh toán theo hợp đồng vài năm, nhưng khi tổ chức thu hồi có sự tham gia đầy đủ của các bên hữu quan, các hộ kinh doanh này tỏ ra bất hợp tác, khiến nhiều vụ việc trở nên phức tạp.
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng đánh giá, tình trạng lộn xộn, bất cập tại các chung cư hiện nay là do một thời gian dài buông lỏng công tác quản lý. Nhiều hộ dân lợi dụng điều này lấn chiếm vỉa hè, không gian chung để kinh doanh, trong khi đó, các đơn vị tham gia quản lý chung cư chưa chuyên nghiệp.
Mặt khác, một số tòa nhà được xây dựng trước đây vẫn chưa thành lập ban quản lý, dẫn đến lấn chiếm không gian sinh hoạt chung, nhưng hầu hết chính quyền làm ngơ, thiếu kiểm soát, do vậy rất cần các đơn vị chuyên nghiệp trong quản lý, vận hành. Tính chuyên nghiệp càng cao, bộ máy càng gọn nhẹ, giá dịch vụ chắc chắn sẽ giảm và quan trọng hơn cả là người dân được hưởng lợi. Về phần mình, một số đơn vị tham gia quản lý vận hành chung cư cần tập trung nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động.
Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ nhà ở và khu đô thị (HUDS) Nguyễn Thắng cho biết, hiện nay công ty được giao quản lý 130 tòa nhà chung cư, với khoảng 1.500 lao động được đào tạo bài bản, được cấp chứng chỉ hành nghề và thường xuyên trau dồi kỹ năng thông qua các khóa đào tạo của đơn vị. Tuy nhiên, mức độ cạnh tranh trong thị trường này ngày càng căng thẳng, mặc dù, giá dịch vụ của công ty khá thấp, từ 2.500 đến 5.000 đồng/m2, nhưng cũng khó trúng thầu tại một số tòa nhà. Ðơn vị luôn đặt vấn đề chất lượng phục vụ lên hàng đầu, cho nên một số thời điểm không đua được về giá, bị mất khách hàng, rất may gần đây nhiều khách hàng cũ đã quay lại thuê công ty quản lý tòa chung cư.
Một vấn đề khác, nếu các khu chung cư thuê những đơn vị quản lý thiếu chuyên nghiệp, khi xảy ra sự cố rất khó quy trách nhiệm, cũng như tìm hướng xử lý tình huống. Câu chuyện cháy xe máy trong hầm một tòa nhà tại khu Linh Ðàm vừa qua là thí dụ, lực lượng bảo vệ tại chỗ được sự phối hợp từ các đơn vị chung quanh đã dập tắt đám cháy, trước khi lực lượng cứu hỏa có mặt, góp phần giảm thiệt hại mức thấp nhất.
Ðối với vấn đề sở hữu chung, riêng, hiện nay công ty đang đẩy nhanh việc cấp "sổ đỏ" cho các ki-ốt, văn phòng cho thuê để làm rõ quyền sở hữu theo chỉ đạo của lãnh đạo TP Hà Nội. Ðiều này sẽ giúp hạn chế những vấn đề phát sinh khi xảy ra tranh chấp trong việc cho thuê mặt bằng kinh doanh.
Nhằm chấn chỉnh công tác đầu tư, xây dựng nhà chung cư, Bộ Xây dựng phối hợp các địa phương thành lập các đoàn kiểm tra đánh giá toàn diện công tác này tại nhiều dự án, trong đó bao gồm cả việc đánh giá tình hình vận hành, quản lý các tòa nhà.
Việc chuyên nghiệp hóa công tác quản lý tòa nhà sẽ tạo điều kiện giảm giá dịch vụ chung, tạo sức cạnh tranh trên thị trường, tránh những bất cập vừa qua, khi một số sự cố chung cư xảy ra trên địa bàn Hà Nội, nhưng đến thời điểm này, công tác khắc phục, đền bù, quy trách nhiệm vẫn chưa được giải quyết triệt để. Ðồng thời, giúp cải thiện bộ mặt đô thị, nâng cao chất lượng sống của người dân.
Châu Anh - Quỳnh Chi (Nhân dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.