Hôm nay, quận Bình Thạnh bắt đầu chiến dịch cưỡng chế người dân ra khỏi vùng dự án (DA).

Tuy nhiên, việc cưỡng chế vội vàng này trong bối cảnh khiếu nại của dân chưa được giải quyết, công tác bồi thường cho dân chưa xong... và tính pháp lý nhập nhèm trong 2 giai đoạn thực hiện DA chưa được chính quyền minh bạch cụ thể. Bởi vậy, việc cưỡng chế chỉ làm cho người dân trong vùng DA càng bị thua thiệt...

Dự án “tái định cư” chưa xong đã... vội vã “dự án kinh doanh”?

Báo Lao Động (số 274, ra ngày 25.10.2010) đã có bài viết về DA này. DA khu nhà ở lô 13 - 14 của Cty Thanh niên xung phong TPHCM trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, P.22, Q.Bình Thạnh có tổng diện tích 42.897m2. DA được thực hiện qua 2 giai đoạn: - Giai đoạn 1 là DA khu nhà ở tái định cư lô 13 - 14 (diện tích 29.827m2), với 183 hộ và 1 đơn vị phải di dời - giai đoạn 2 là DA khu nhà ở cao tầng lô 13 - 14 (diện tích 13.070m2).

alt
Hàng trăm hộ dân vẫn... kiên trì bám trụ, không chịu di dời tại Dự án khu nhà ở cao tầng đường Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh: C.H

Tổng số hộ dân phải di dời là 138 hộ. Điều cay đắng là trong số đó, có cả một số hộ dân từng bị giải tỏa một lần năm 1999 để làm đường Lê Thánh Tôn nối dài (nay là đường Nguyễn Hữu Cảnh). Trên thực tế, quá trình giải phóng mặt bằng, bồi thường cho người dân trong giai đoạn 1 bị kéo dài nhiều năm, do người dân chưa chấp nhận giá bồi thường. UBND TPHCM cam kết hỗ trợ tái định cư cho một số hộ dân.

Trường hợp chưa đủ điều kiện tái định cư, chính quyền hỗ trợ thêm 6 triệu đồng/m2 trên diện tích đất bị thu hồi. Song, việc giải tỏa vẫn không tiến triển, vì thời gian kéo dài, trên cùng địa bàn, nhiều DA khác triển khai có mức giá bồi thường cao hơn, khiến người dân không nhận tiền bồi thường quá rẻ tại DA này.

Bất đắc dĩ, chính quyền quận Bình Thạnh đề xuất nâng giá bồi thường trong DA tái định cư lô 13 - 14 ngang bằng các DA khác (thấp nhất là 8 triệu đồng/m2, cao nhất là 20 triệu đồng/m2 - so với mức giá cũ chỉ 6 triệu đồng/m2).

Song, việc nâng giá bồi thường vẫn chưa làm giảm khiếu kiện của dân; trái lại, tất cả đang còn ngổn ngang, nào chưa tái định cư trên nền đất cho hàng chục hộ dân, nào chưa thỏa thuận xong tiền bồi thường v.v... Trình tự thực hiện DA không phù hợp với Nghị định 22/NĐ - CP của Chính phủ, dẫn tới UBND quận Bình Thạnh không thể tổ chức cưỡng chế người dân, cho dù đã có văn bản chỉ đạo của UBND TP.

Trong khi sự việc giải tỏa, đền bù còn ngổn ngang, bất ngờ, chính quyền quận Bình Thạnh tiếp tục ra chủ trương thu hồi đất để thực hiện giai đoạn 2, DA khu nhà ở cao tầng lô 13 – 14. Bên cạnh đó, trong khi Cty Thanh niên xung phong chưa thực hiện xong bồi thường đã chuyển giao DA cho chủ đầu tư mới là Cty TNHH nông sản Vinh Phát. Điều này càng khiến người dân bức xúc, khiếu kiện tràn lan...

Đâu là lối ra?

Qua xác minh bước đầu của các cơ quan chức năng, cho thấy những khiếu kiện của người dân là có cơ sở. Thực tế cho thấy, DA khu tái định cư lô 13 – 14 (giai đoạn 1) nhằm tái định cư cho nhiều DA khác, trong đó có DA xây dựng đường Nguyễn Hữu Cảnh, các hộ dân bị giải tỏa từ năm 1999 (hơn 12 năm), nhưng đến nay vẫn chưa được nhận nền tái định cư. Ít nhất, có 18 hộ dân - trong số 83 hộ đã giải tỏa nhà - hơn 12 năm qua vẫn phải long đong thuê nhà. Việc chậm trễ này thuộc về chính quyền quận Bình Thạnh. Trong DA khu nhà ở cao tầng lô 13 – 14 (giai đoạn 2), theo quyết định của UBND TPHCM là DA kinh doanh. Nhưng Cty TNXP (nay là Cty Vinh Phát) lại xây dựng phương án áp giá đền bù, tái định cư cho dân, như các DA phục vụ lợi ích công cộng của TP(?!). Việc làm này không đúng quy định của Luật Đất đai năm 2003, Nghị định 197/NĐ - CP - ngày 3.12.2004 và trái cả Nghị định 17/NĐ-CP - ngày 7.12.2004 của Chính phủ.

Hơn lúc nào hết, để có thể giải quyết dứt điểm việc khiếu nại của dân, điều quan trọng là chủ đầu tư và chính quyền phải giải phóng, bồi thường dứt điểm DA khu nhà ở tái định cư lô 13 – 14 (giai đoạn 1). Sau đó, mới triển khai tiếp DA khu nhà ở cao tầng lô 13 – 14 (giai đoạn 2). Tuy nhiên, phải có sự đồng tình của đa số người dân về giá đền bù, giải tỏa, tái định cư và thời gian thực hiện DA; tránh thua thiệt cho phía người dân.

Cafeland.vn - Theo LĐ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland