Hoang phí và nghịch lý
Thời gian gần đây, việc Công ty CP Xây dựng số 3 Hà Nội đề xuất thành phố cho phép phá bỏ toàn bộ ba tòa nhà TĐC đã xây dựng xong cách đây hơn 10 năm thuộc khu đô thị mới Sài Đồng (quận Long Biên) do người dân không đến ở đã gây xôn xao và bức xúc trong dư luận. Rõ ràng, trong thời buổi tấc đất tấc vàng, nhu cầu sử dụng nhà ở gia tăng thì việc đề xuất đập bỏ những tòa nhà TĐC trên là vô cùng lãng phí.
Khu TĐC Hoàng Cầu (quận Đống Đa, TP Hà Nội) đã cơ bản hoàn thiện nhưng số người về ở khá khiêm tốn.
Thực tế, không riêng gì khu TĐC này mà trên địa bàn thành phố Hà Nội còn rất nhiều khu TĐC khác vắng bóng người dân dọn về ở. Tòa TĐC 4A Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng) là một ví dụ.
Theo ghi nhận, dù được xây dựng khang trang song tòa TĐC này vẫn trong cảnh “cửa đóng then cài” nhiều năm. Được biết, đây là dự án TĐC với khoảng 155 căn hộ do Công ty CP Tu tạo và Phát triển nhà làm chủ đầu tư. Năm 2015, chủ đầu tư hoàn thiện dự án song đến thời điểm hiện tại khu TĐC này vẫn chưa được đưa vào sử dụng.
Một dự án khác là khu TĐC Thành phố Giao Lưu (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) gồm ba tòa nhà là CT1A, CT1B, CT1C đã được bàn giao cho người dân từ năm 2014, tuy nhiên đến nay nhiều căn hộ vẫn chưa có người ở. Theo tìm hiểu, khu TĐC này là một trong những dự án di dân mà người dân ở khu nhà G6A, tập thể cũ Thành Công (quận Ba Đình) được lựa chọn để tạm cư, phục vụ việc cải tạo, xây dựng lại nhà tập thể cũ nguy hiểm ở mức độ D.
Tuy nhiên, phần lớn người dân sau khi đến tận nơi xem khu TĐC thì đã không đồng ý đến ở. Nguyên nhân là do cả ba tòa nhà TĐC này đều được xây dựng với chất lượng kém, tường trần thấp ẩm mốc, thang máy thường xuyên hỏng, chung quanh không có sân chơi, các tiện ích, dịch vụ khác thiếu thốn...
Theo thống kê nhu cầu và khả năng đáp ứng nhu cầu công tác chuẩn bị quỹ nhà TĐC, nhu cầu đến năm 2020, thành phố cần 22.131 căn hộ chung cư cao tầng để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng các dự án. Các dự án hiện đang triển khai thực hiện theo cơ chế đầu tư hiện hành chỉ đáp ứng được 4.498 căn hộ. Như vậy, phải đầu tư 17.633 căn hộ nữa để đáp ứng yêu cầu công tác giải phóng mặt bằng với số vốn dự kiến khoảng 18.514 tỉ đồng. |
Tương tự, ở phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng), hai tòa nhà A1 và A2 chung cư Cánh Đồng Mơ, xây dựng cách đây hơn 10 năm hiện cũng thưa thớt người ở. Đặc biệt, ở tòa A2 của khu này, phần tường đã xuất hiện nhiều dấu hiệu bong tróc, chân tường ngấm nước, nền sụt lún…
Không thể bó tay
Trong nhiều năm qua, chính sách hỗ trợ nhà TĐC đã giúp nhiều hộ dân có được chỗ ở ổn định sau khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án trọng điểm. Khi thực hiện giải phóng mặt bằng các dự án, những hộ dân bị thu hồi hết đất hoặc phần diện tích còn lại không đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định sẽ được Nhà nước bồi thường, hỗ trợ bằng cách bố trí mua nhà ở TĐC.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chất lượng nhà TĐC thường không bảo đảm vô hình chung khiến cuộc sống của các hộ dân thuộc diện TĐC càng thêm khó khăn.
Tìm hiểu đời sống của người các khu TĐC, chúng tôi ghi nhận nhiều nỗi niềm bức xúc, nhọc nhằn của họ khi phải sống trong những căn hộ xuống cấp trầm trọng, trong khi đó công tác bảo trì lại… như rùa bò. Điều này dẫn đến số hộ được TĐC thật sự sống gắn bó ở nhà TĐC chỉ chiếm 30%, còn lại đã bán chuyển đến nơi ở khác. Bức xúc vì sự xuống cấp của khu TĐC Đồng Tàu (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai), bà Đào Thị Thìn (sống tại khu nhà N5) cho biết: “Chúng tôi ở đây rất sợ, đặc biệt khi xảy ra sụt lún chúng tôi đều phải tự bỏ tiền ra để xử lý, để sống đã…”
Ngoài chất lượng xây dựng kém, nhiều dự án nhà TĐC còn thiếu tiện ích cần thiết như: không có trường học, không có chợ, bệnh viện, thậm chí không có đường vào... đã khiến nhiều người dân không mấy mặn mà với loại hình nhà ở này.
Cụ thể, theo thống kê của các ban ngành, trong số 173 tòa nhà chung cư TĐC tại Hà Nội đã bàn giao và đưa vào sử dụng, có đến 103 tòa nhà không có nhà sinh hoạt cộng đồng, 54 tòa nhà không có diện tích kinh doanh, dịch vụ. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cơ chế “hàng đổi hàng” như hiện tại, nghĩa là thu nhà và trả lại căn nhà khác nhưng thậm chí chất lượng kém hơn cũng là nguyên nhân nảy sinh bất cập, khiến người dân thờ ơ.
Bàn về giải pháp giúp nhà TĐC trở nên hấp dẫn hơn với người dân, mới đây UBND TP Hà Nội đề xuất cơ chế đặt hàng xây dựng nhà ở TĐC phục vụ công tác giải phóng mặt bằng. Theo cơ chế này, thành phố sẽ tạo quỹ đất, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực để xây dựng nhà ở TĐC theo quy hoạch, kiến trúc được phê duyệt.
Nhà đầu tư sau khi được giao đất để thực hiện dự án, được quản lý, vận hành, bảo trì công trình và được hưởng 10% lợi nhuận định mức hoặc được phép bán 20% quỹ nhà ra thị trường. Thành phố ký hợp đồng đặt hàng với nhà đầu tư. Nhà đầu tư ký hợp đồng bán nhà, thu tiền người mua nhà. Sau 9 đến 12 tháng kể từ khi đủ điều kiện bố trí TĐC, nếu thành phố chưa giới thiệu người được mua nhà thì nhà đầu tư được bán nhà ra thị trường để thu hồi vốn và nộp tiền sử dụng đất theo quy định.
Về giải pháp để khắc phục những bất cập từ nhà TĐC, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, cần linh hoạt và đẩy mạnh chính sách TĐC như đền bù giá cả thỏa đáng để người dân tự tìm chỗ ở.
Rõ ràng, chính sách hỗ trợ nhà TĐC là một chủ trương đúng của Nhà nước. Những giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế liên quan đến nhà TĐC đã có, đặc biệt là đề xuất ký hợp đồng đặt hàng với nhà đầu tư của thành phố. Thiết nghĩ, nếu có sự linh hoạt và điều chỉnh đúng hướng, về lâu dài nhà TĐC sẽ trở nên hấp dẫn trong mắt người dân, những nghịch lý liên quan cũng sẽ sớm được tháo gỡ.
Bàn về giải pháp giúp nhà TĐC trở nên hấp dẫn hơn với người dân, mới đây UBND TP Hà Nội đề xuất cơ chế đặt hàng xây dựng nhà ở TĐC phục vụ công tác giải phóng mặt bằng. Theo cơ chế này, thành phố sẽ tạo quỹ đất, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực để xây dựng nhà ở TĐC theo quy hoạch, kiến trúc được phê duyệt. Nhà đầu tư sau khi được giao đất để thực hiện dự án, được quản lý, vận hành, bảo trì công trình và được hưởng 10% lợi nhuận định mức hoặc được phép bán 20% quỹ nhà ra thị trường. Thành phố ký hợp đồng đặt hàng với nhà đầu tư. Nhà đầu tư ký hợp đồng bán nhà, thu tiền người mua nhà. |
-
Bất cập nhà tái định cư: Đến không gian chung cũng bị xà xẻo
Bên cạnh tình trạng bị “chê” vì chất lượng kém, hiện ở các khu tái định cư (TĐC) còn tồn tại một thực trạng khác đó là không gian chung đang bị xà xẻo, chiếm dụng. Minh chứng dễ thấy nhất là tình trạng vi phạm trật tự đô thị, vệ sinh môi trường… gây mất mỹ quan đô thị diễn ra phổ biến, gây bức xúc trong dư luận.