Ảnh minh họa
Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, tính đến ngày 31/12/2012, cả nước có 26,4 triệu ha là nhóm đất nông nghiệp (chiếm 80,61% tổng diện tích đất tự nhiên), trong đó đất trồng lúa có 4,05 triệu ha; đất trồng cây lâu năm 3,69 triệu ha; đất rừng phòng hộ 5,8 triệu ha; đất rừng đặc dụng 2,1 triệu ha... Riêng nhóm đất phi nông nghiệp khoảng 3,88 triệu ha (nhiều nhất là đất quốc phòng có hơn 266 ngàn ha, chiếm 0,81% tổng diện tích đất tự nhiên). Kết quả kiểm tra trong hai năm 2011 và 2012 cũng cho thấy, cả nước đã khai thác đưa vào sử dụng 387,7 ngàn ha đất cho các mục đích nông nghiệp và phi nông nghiệp.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang e ngại khi những bất cập liên quan đến đất ngày càng đậm nét. Đó là tình trạng lấn chiếm đất, tự chuyển mục đích sử dụng đất không theo quy hoạch chưa được phát hiện và xử lý kịp thời ngày càng nhiều. Việc điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch không còn phù hợp với thực tế chưa được coi trọng, chấp hành không nghiêm túc, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không tiến hành điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đối với khu vực quy hoạch đã quá thời hạn 3 năm kể từ ngày công bố nhưng chưa thực hiện. Việc quy hoạch để chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, nhất là đất chuyên trồng lúa nước sang mục đích khác chưa được tính toán kỹ lưỡng. Nhiều địa phương còn sử dụng đất chuyên trồng lúa để xây dựng các khu công nghiệp dẫn đến nhiều hộ nông dân thiếu đất hoặc không có đất để sản xuất.
Tìm hiểu nguyên nhân, các nhà quản lý thấy rằng, tất cả do chưa quy định rõ vị trí, vai trò, mối quan hệ giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch điểm dân cư nông thôn, quy hoạch nông thôn mới. Đặc biệt, hiện nay có nhiều khu công nghiệp đã được quy hoạch nhưng không có nhà đầu tư, trong khi đó nhiều nhà đầu tư lại xin bổ sung quy hoạch các khu công nghiệp đến năm 2015 chỉ bằng công văn chấp thuận chủ trương dẫn đến tình trạng đất đai bị khoanh bao, đầu tư hạ tầng tốn kém, dàn trải nhưng khả năng thu hút đầu tư thấp. Có nhiều khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chỉ mang tính hình thức. Một bất cập cũng không kém phần quan trọng, đó là kế hoạch sử dụng đất còn có sự phân tán ở nhiều ngành, nhiều cơ quan, dẫn đến tình trạng chồng chéo trong quản lý. Cụ thể như quy hoạch xây dựng nông thôn mới cho các xã vùng nông thôn có nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhưng lại chưa căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp huyện, quy hoạch sử dụng đất trồng lúa, đất lâm nghiệp, đất khu công nghiệp, khu kinh tế.
Để đạt đúng mức dự kiến đến năm 2020, diện tích đất trồng lúa quy hoạch xấp xỉ 3,82 triệu ha, cao hơn 6,1 ngàn ha so với chỉ tiêu, trong đó đất chuyên trồng lúa nước là 3,23 triệu ha, Bộ trưởng Quang hiến kế, Chính phủ cần tập trung sửa đổi Luật đất đai năm 2003 một cách căn bản, toàn diện. Bộ sẽ cho kiểm tra, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đất đai để tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai. Đặc biệt sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm việc chấp hành pháp luật đất đai, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất của các địa phương.
Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, năm 2012 Thanh tra Chính phủ đã tiếp nhận, xử lý 175.261 đơn thư khiếu nại, tố cáo với nội dung chủ yếu trong lĩnh vực đất đai. Nội dung tố cáo trong lĩnh vực hành chính chiếm tỉ lệ 93,7%, chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức cố ý làm trái, chiếm đoạt tài sản, lạm dụng chức vụ quyền hạn để vụ lợi. Phân tích từ kết quả giải quyết 31.655 vụ việc khiếu nại cho thấy có 6.927 (21,9%) vụ việc khiếu nại đúng; 18.028 (56,95%) vụ việc khiếu nại sai; 6.700 (21,15%) vụ việc khiếu nại đúng một phần. |