16/03/2020 7:54 PM
CafeLand - Ký ức về cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 vẫn còn đang ám ảnh nền kinh tế thế giới, và chưa đầy 12 năm sau, khả năng lịch sử lặp lại tiếp tục gây hoang mang trong mọi ngóc ngách xã hội.

Hoa Kỳ đang gồng mình đau đớn trước sự đình trệ kinh tế đột ngột và lan rộng nhất trong lịch sử. Điều này đặt tiền đề cho một cuộc suy thoái, đồng nghĩa với việc hàng triệu người lao động xứ sở cờ hoa đứng trước nguy cơ mất việc làm, cắt đứt nguồn thu nhập và sự giàu có của bản thân.

Đại dịch toàn cầu mang tên corona mỗi lúc một leo thang, tạo nên một bầu không khí sợ hãi chưa từng thấy. Nó nghiền vụn nền kinh tế Mỹ - vốn được hỗ trợ bởi 70% chi tiêu của người tiêu dùng - khi các văn phòng làm việc, cơ sở kinh doanh, trung tâm thương mại, giải trí phải đóng cửa để hạn chế mọi người bước ra khỏi nhà.

Nhà Trắng đã công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, phong tỏa và đóng cửa hoàn toàn đất nước. Điều này tạo nên một làn sóng sa thải tạm thời gây chấn động Phố Wall. Giữa cuộc hoảng loạn bán tháo, những biến động bất thường đã triệt tiêu mọi sự lạc quan để các doanh nghiệp có thể tiếp tục hoạt động bình thường.

Đối với hàng triệu công nhân, người tiêu dùng và các nhà đầu tư, nền kinh tế đột ngột dừng lại gợi nhắc đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 vốn vẫn còn ám ảnh trong trí nhớ. Chưa đầy 12 năm trước, nền kinh tế đã chìm vào một cuộc suy thoái đau đớn sau khi các khoản đầu tư gắn liền với bất động sản của Phố Wall bị xáo trộn. Số người lao động thất nghiệp đã tăng gấp đôi sau khi thị trường chứng khoán mất hơn một nửa giá trị.

Một người đàn ông đeo mặt nạ bảo vệ đi bộ trên đường phố Manhattan. Ảnh: The Washington Post

Những chiến binh kỳ cựu sống sót khỏi cuộc đại suy thoái 2008 nhận xét rằng dịch bệnh corona đang vùi dập nền kinh tế theo những cách phức tạp hơn. Điều đó cho thấy rằng nếu một cuộc suy thoái khác diễn ra, nó sẽ trở nên khó đối phó hơn “người tiền nhiệm”.

“Người Mỹ đang dè xẻn chi tiêu của họ. Rất nhiều lĩnh vực đã bị ảnh hưởng, đặc biệt với khối ngành dịch vụ. Cả thu nhập và chi tiêu đều giảm đáng kể. Đây quả thực là một cú sốc đối với nền kinh tế”, Jason Furman – người đứng đầu Hội đồng cố vấn kinh tế của cựu tổng thống Obama tuyên bố.

Các nền kinh tế trên toàn cầu đã có nhiều kinh nghiệm trong việc chiến thắng nỗi đau và vượt qua những cú sốc mạnh mẽ, kể cả do thiên tai hay khủng bố gây ra. Thế nhưng, điểm khác biệt của cú sốc mang tên corona là tốc độ suy giảm và ảnh hưởng kinh tế toàn diện gây ra bởi một nỗi sợ hãi về sức khỏe không thể đoán trước, gây cản trở khả năng sản xuất và tiêu thụ của người Mỹ.

Vào cuối tháng này, nền kinh tế toàn cầu có thể đã giảm 1,2%. Tờ Capital Economics của London nhận xét rằng con số này “không quá cách biệt so với mức giảm 1,6% sản lượng toàn cầu vào quý IV/2008”. Khi Hoa Kỳ đang quay cuồng, Châu Âu và Nhật Bản có lẽ cũng đang chìm ngập trong nỗi sợ hãi mang tên suy thoái.

“Đây thực sự là một cơn bão xảy ra đồng thời tại mọi nơi trong hàng tháng trời”, Furman cho biết.

Chi phí kinh tế của Mỹ đang tăng nhanh chóng mặt. Tim Cook – giám đốc điều hành Apple cho biết công ty sẽ đóng cửa tất cả các cửa hàng, ngoại trừ tại Trung Quốc, kể từ ngày 14/3 cho đến 27/3.

Tại Las Vegas, MGM Resorts đã xuất hiện một vài nhân viên được xét nghiệm dương tính với virus corona. Điều đó dẫn đến việc sa thải tạm thời đối với hàng loạt nhân viên khác, họ buộc phải nghỉ phép một thời gian. “Nhu cầu kinh doanh hiện đã giảm đáng kể”, CEO Bill Hornbuckle viết trong bức tâm thư gửi đến các nhân viên của mình, theo báo cáo từ tờ Las Vegas Review.

Khi người Mỹ chọn ngồi yên trong nhà thay vì ra ngoài, nhà hàng là một trong những lĩnh vực bị tàn phá nặng nề nhất. Trong vòng 3 tuần kể từ khi có ca tử vong đầu tiên vì corona tại ngoại ô Seattle, lượng đặt bàn trong thành phố này đã giảm tới 60% theo thống kê của dịch vụ OpenTable.

Ayr Muir, người điều hành chuỗi 12 nhà hàng Clover Food Lab tại Boston cho biết doanh số đang sụt giảm một cách nghiêm trọng. Một số nhà hàng của ông ta đặt trong phạm vi gần các trường đại học đã phải đóng cửa, trong khi một số khác tại các khu công sở giờ đây không khác gì thị trấn ma khi nhân viên đều làm việc tại nhà.

Với Muir, lựa chọn giải pháp tạm thời đóng cửa thay vì rủi ro phát sinh thêm nợ khi không có doanh thu, kéo theo sự gián đoạn kinh doanh kéo dài.

“Tôi nghĩ đây là một giai đoạn kịch tính đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng một số đại gia cũng sẽ không ngoại lệ”, Muir cho biết.

Về phía các công ty, 3 ông lớn trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô và các nhà đầu tư của họ đã lên tiếng đề nghị chính quyền Trump trì hoãn các kế hoạch về một thỏa thuận thương mại ở Bắc Mỹ dự kiến thực hiện từ 1/6.

“Chúng ta đang ở giữa một đại dịch toàn cầu làm gián đoạn đáng kể chuỗi cung ứng của chúng tôi, và ngành công nghiệp đang tận dụng tất cả các nguồn lực có sẵn vào việc quản lý sản xuất giữa cuộc khủng hoảng này”, một báo cáo cho biết.

Theo nhà kinh tế học Michael Feroli của JPMorgan Chase, tổn thất kinh tế cuối cùng có thể sẽ rất to lớn. Hơn 18 triệu người Mỹ đang làm việc trong các ngành dịch vụ đã khốn đốn vì corona, bao gồm du lịch, giải trí, nghệ thuật biểu diễn, …

Feroli nhấn mạnh rằng 2 nghìn tỷ đô la của nền kinh tế này sẽ suy giảm trong 3 tháng tới, và sẽ còn kéo dài hơn nữa nếu dịch bệnh không chấm dứt khi mùa hè đến.

Một dấu hiệu cho thấy những gì sắp xảy ra đã xuất hiện hôm 13/3, khi Delta Air Lines hủy bỏ tới 40% số lượng chuyến bay của mình. Đây là mức cắt giảm lớn nhất lịch sử của hãng hàng không này, thậm chí còn vượt cả thảm họa khủng bố 11/9/2001. “Tốc độ của sự sụp đổ nhu cầu không giống như những gì chúng ta từng chứng kiến, và chúng ta sẽ còn thấy nhiều hơn nữa”, CEO Ed Bastian cho biết.

Đóng cửa nhà máy ở Reading, bang Pennsylvania, Hoa Kỳ. Ảnh: The Washington Post

Nền kinh tế mà tổng thống Trump ca ngợi hồi tháng Giêng là “tốt nhất từng thấy” sẽ co rút lại vào cuối tháng Sáu. Và nó sẽ còn thu hẹp hơn nữa trong quý thứ hai, với tốc độ hàng năm vượt quá mức giảm của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers tại thời điểm thất bại, cột mốc đánh dấu cuộc suy thoái năm 2008 thành một thảm họa.

“Nếu chúng ta không thay đổi quỹ đạo, cái kết cuối cùng nhận được sẽ thảm khốc hơn những gì các quan chức dự báo. Đây là một cú sốc chưa từng có tiền lệ”, Simon Johnson – nhà kinh tế trưởng của IMF vào năm 2008 cho biết.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều nhà kinh tế học, bao gồm Feroli, dự đoán nền kinh tế có thể sẽ phục hồi vào nửa sau của 2020. Điều đó đi kèm giả định rằng sự bùng phát của virus corona sẽ đến ngày tàn khi thời tiết ấm dần lên. Thế nhưng, đối mặt với sự khó lường của dịch bệnh này, mọi ý kiến chỉ dừng lại ở mức dự đoán.

Vào hôm 13/3, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho biết tổng thống đang hoạt động nhanh chóng để chống lại dịch bệnh và đảm bảo nền kinh tế phục hồi trước khi năm 2020 khép lại. Nhà Trắng vào ngày 14/3 đã thông qua những luật mới, được hỗ trợ bởi Trump, nhằm chi hàng tỷ đô la cho các xét nghiệm y tế, hỗ trợ nghỉ phép người lao động bị ảnh hưởng và bảo hiểm thất nghiệp.

“Những gì đang xảy ra không giống như một cuộc khủng hoảng tài chính. Chúng ta đang trong một tình huống với nền y tế đóng cửa và một phần của nền kinh tế cũng tương tự, điều chưa từng được chứng kiến. Nhưng khi tất cả mở cửa trở lại, tôi cho rằng sẽ có rất nhiều nhu cầu”, Mnuchin trả lời CNBC.

Năm 2008, nền kinh tế cảm nhận được sự tác động của những vấn đề bắt nguồn từ tài chính. Còn ở hiện tại, sự tê liệt do virus gây ra trên thực tế đã đưa các kênh tài chính quan trọng vào nguy cơ bị trói buộc.

Mấu chốt của mối lo ngại là liệu các doanh nghiệp có thể tiếp cận với đủ tiền mặt để tiếp tục các hoạt động như bình thường hay không. Đơn cử như nhiều công ty của Main Street đang hướng sự lo lắng đến việc thanh toán các hóa đơn, dẫn đến việc rút tiền hàng loạt từ ngân hàng.

Các nhà lãnh đạo của các ngân hàng lớn nhất Hoa Kỳ nhấn mạnh với tổng thống Trump hôm 10/3 rằng nhờ vào nguồn dự trữ sâu sắc và kinh nghiệm đối phó với những cuộc thanh tra căng thẳng của Fed giúp họ có thể đứng vững về mặt tài chính. Thế nhưng các ngân hàng sẽ phải đối mặt với áp lực rất lớn để giữ cho dòng tiền chảy vào các doanh nghiệp đang vật lộn để không phải đóng cửa công ty.

Áp lực này thể hiện rõ ràng nhất trong thị trường chứng khoán. Thông thường khi giá cổ phiếu giảm mạnh, các nhà đầu tư mua trái phiếu của chính phủ Hoa Kỳ, vốn được xem như một thiên đường. Nhưng tuần trước, cả cổ phiếu và trái phiếu đều đã bán hết.

Khi giá cổ phiếu lao dốc, một số quỹ phòng hộ đã bán trái phiếu kho bạc để huy động tiền mặt nhằm thanh toán các khoản vay mà họ đã sử dụng để đầu tư rủi ro. Các công ty năng lượng thiếu tiền mặt cũng tìm cách biến chứng khoán chính phủ của họ thành tiền mặt. Và các ngân hàng cần tiền mặt để tài trợ cho khách hàng doanh nghiệp của họ cũng làm như vậy.

“Các thủ quỹ của Ngân hàng đang phải đối mặt với việc chọn lựa: Hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp của họ, những người muốn có một dòng tín dụng hoặc triển khai vốn vào thị trường. Rõ ràng họ sẽ chọn khách hàng của họ”, Guy LeBas – chiến lược gia thu nhập cố định tại Janney Capital Management cho biết.

Giữa những giao dịch điên cuồng, người bán trái phiếu yêu cầu giá cao hơn nhiều so với số người mua sẵn sàng chấp nhận — một dấu hiệu rối loạn bất thường trong thị trường vốn là điển hình cho sự trật tự.

“Những gì đang xảy ra trong thị trường kho bạc cho thấy mọi người chỉ tập trung bán và chẳng có mấy người mua”, Roberto Perli – cựu quan chức Fed vào năm 2008 cho biết.

Fed, trong những ngày gần đây, đã 2 lần bơm thêm tiền để bôi trơn cho hoạt động của thị trường trái phiếu. Điều đó đã dẫn đến việc cắt giảm lãi suất vào ngày 3/3, nhưng vẫn không làm giảm áp lực thị trường. Cần nhiều sự viện trợ hơn nữa đến trước cuộc họp thiết lập tỷ giá tiếp theo của ngân hàng trung ương dự kiến vào thứ Tư.

Triển vọng kinh tế trở nên ngày càng phức tạp hơn do cuộc chiến giá dầu giữa Ả Rập Saudi và Nga ngày càng leo thang.

Giá dầu đã hứng chịu 2 cú đấm liên tiếp. Virus corona đã khiến từ người đến xe và tàu đều trở nên nhàn rỗi, dẫn đến sự sụp đổ nhu cầu. Và sau khi các cuộc đàm phán về giá cả giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và Nga bị phá vỡ trong tháng này, Saudi đã chọn cách tăng sản lượng. Điều đó khiến thị trường ngập trong dầu và giá cả của mặt hàng này giảm theo một cách chưa từng thấy kể từ cuối những năm 1990.

“Trong vài tuần tới, chúng ta sẽ chứng kiến sự gia tăng về nguồn cung của dầu trong khi nhu cầu chẳng đáng là bao. Chúng tôi nghĩ rằng giá sẽ giảm xuống mức 20 đô la và thậm chí có thể chạm vào mức thấp hơn nữa”, Francisco Blanch, người đứng đầu nghiên cứu hàng hóa và phái sinh tại Bank of America cho biết.

Với mức giá đó, sự bùng nổ dầu khí đá phiến của Hoa Kỳ đang gặp rắc rối. Nhiều nhà phân tích cho rằng hầu hết các công ty của Mỹ và châu Âu có thể sống sót lâu dài với dầu dưới 40 đô la một thùng. Vào hôm 13/3, tổng thống tuyên bố rằng chính phủ sẽ mua dầu trên thị trường mở để lấp đầy dự trữ chiến lược của quốc gia.

Các tin tức gần đây cho thấy giá dầu lên một vài đô la mỗi thùng, nhưng vẫn ở dưới mức hòa vốn cho hầu hết các nhà sản xuất. Goldman Sachs dự đoán rằng gần một phần ba các công ty dịch vụ dầu khí trong nước sẽ biến mất, bị các đối thủ mua lại hoặc bị loại khỏi cuộc chơi.

Các thương nhân đang theo dõi các dấu hiệu cho thấy các công ty năng lượng có thể vỡ nợ, điều này sẽ vùi dập các ngân hàng khu vực ở Texas và Oklahoma. Và thị trường trái phiếu doanh nghiệp trị giá 10 nghìn tỷ đô la có thể vỡ tan như thác đổ.

Hiện tại, các nhà phân tích nói rằng nỗi đau tài chính khó có thể lan rộng như năm 2008. Không giống như bong bóng bất động sản với các khoản thế chấp được sử dụng để tạo ra các công cụ phái sinh phức tạp, có rất ít sản phẩm tài chính được liên kết với chứng khoán này theo cách này.

Ngay cả vậy, các nhà đầu tư vẫn rất lo lắng. Các điều kiện tài chính tổng thể đã đánh giá một biện pháp tiếp cận với tín dụng có tính đến lãi suất, giá trị tiền tệ và lợi nhuận trái phiếu đã chặt chẽ hơn nhiều so với gần một thập kỷ trước, khi Trung Quốc đối mặt với một cuộc suy thoái đột ngột.

Và khi Phố Wall mở cửa vào thứ Hai, các nhà phân tích sẽ theo dõi các điểm rắc rối tiềm ẩn cho bất kỳ dấu hiệu tắc nghẽn nào. Chúng bao gồm các khoản vay rủi ro của công ty được gọi là các khoản vay có đòn bẩy và các quỹ giao dịch trao đổi, một khoản đầu tư tiêu dùng phổ biến.

  • Cái giá đau đớn để Trung Quốc đánh bại dịch corona

    Cái giá đau đớn để Trung Quốc đánh bại dịch corona

    CafeLand – Bắc Kinh tuyên bố các biện pháp mạnh tay của họ đang phát huy tác dụng. Liệu các quốc gia khác đang chiến đấu với bệnh dịch có thể học hỏi từ chính nỗ lực của mình, hay học theo giải pháp của Trung Quốc đại lục?

Bảo Đình (The Washington Post)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.