17/10/2019 1:00 PM
CafeLand – Những năm gần đây, Việt Nam được đánh giá là thị trường bán lẻ sôi động nhất khu vực Đông Nam Á khi các doanh nghiệp nội và ngoại đua nhau chiếm lĩnh thị trường. Chính vì vậy mà giá thuê mặt bằng ở phân khúc này cũng đã tăng đáng kể.

Giới quan sát thị trường nhận định mặt bằng bán lẻ là một trong những phân khúc sôi động nhất của thị trường bất động sản và đang nhận được sự quan tâm nhiều hơn của các nhà đầu tư, đặc biệt là sự tham gia mạnh hơn từ khối ngoại.

Báo cáo của CBRE Việt Nam cho thấy, giá thuê trung bình tại khu vực trung tâm TP.HCM tăng 1,5% so với quý trước (1,9% so với cùng kỳ năm trước) đạt mức 130 USD/m2/tháng. Giá thuê đối với khu vực ngoài trung tâm tăng 1,2% so với quý trước (4,1% so với cùng kỳ năm trước) và đạt mức 36 USD/m2/tháng.

Cũng trong báo cáo này, thị trường Hà Nội ghi nhận giá thuê mặt bằng tăng nhẹ tại khu vực trung tâm trong quý 2-2019, đạt khoảng 100 USD/m2/tháng, tăng 1,6% theo năm và 0,7% theo quý. Trong đó, tại khu vực có nguồn cung lớn như Đống Đa , Ba Đình và phía tây tăng đạt mức 31 USD/m2/tháng, tương đương tăng 6,2% theo năm.

Những năm qua, Việt Nam luôn nằm trong số các thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á và đang tiếp tục là thị trường hấp dẫn với các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong năm 2019 và những năm tiếp theo.

Đặc biệt, “miếng bánh béo bở” này đã thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài khiến cho cuộc chiến trên thị trường này rất khốc liệt. Các doanh nghiệp trong nước lớn như Vingroup, Saigon Co.op,… cũng không chịu thua và đã có những chiến lược mở rộng thị phần bằng các thương vụ M&A cho cuộc đua sôi động này.

Doanh nghiệp nội chiếm lĩnh thị phần bán lẻ

Ngày 28/09/2018, Công ty cổ phần dịch vụ thương mại Vincommerce (thành viên của Tập đoàn Vingroup), công bố chính thức hoàn tất thương vụ mua lại toàn bộ chuỗi siêu thị Fivimart từ Công ty cổ phần Nhất Nam với giá trị 1.000 tỉ đồng. Trước đó, Fivimart cũng được ông chủ AEON tuyên bố mua lại 30% cổ phần và đã rút vốn sau ba năm do kinh doanh không đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Đến tháng 4/2019, Vincommerce tuyên bố nhận chuyển nhượng toàn bộ 87 cửa hàng Shop & Go từ Công ty Cửa hiệu và Sức sống sau 13 năm thành lập với giá 1 USD.

Đầu tháng 9/2019, Vincommerce một lần nữa thâu tóm thị trường bán lẻ bằng việc tuyên bố sáp nhập 8 siêu thị Queenland Mart và chuyển đổi theo tiêu chuẩn mô hình Vinmart, Vinmart+.

Ngày 28/06/2019, Saigon Co.op tiếp quản toàn bộ hoạt động kinh doanh và nhân sự của 18 siêu thị Auchan từ Tập đoàn bán lẻ Pháp Auchan Retail.

“Cuộc chiến” của doanh nghiệp ngoại liệu đã đến hồi kết?

Mới đây nhất, Seven & I Holdings đến từ Nhật Bản tuyên bố đóng cửa 1.000 cửa hàng 7-Eleven. Bên cạnh đó, công ty cũng sẽ đóng cửa một chuỗi hệ thống siêu thị tại Tokyo (Nhật Bản) bao gồm năm thương hiệu Seibu & Sogo và cân nhắc dừng hoạt động 33 thương hiệu Ito-Yokado. Việc cắt giảm 1.700 lao động tại Ito-Yokado, 1.300 lao động tại Sogo & Seibu sẽ được thực hiện trong ba năm tới.

Giám đốc điều hành Ryuichi Isaka cho biết công ty sẽ chịu khoản phí 10 tỉ yên (93 triệu USD) là khoản ưu đãi được đưa ra cho các bên nhượng quyền, và kế hoạch trung hạn mới sẽ được đưa ra vào tháng 4 tới.

Tháng 6/2019, số lượng cửa hàng 7-Eleven đạt 68.236 đơn vị trải rộng trên 17 quốc gia. Số lượng nhân viên 7-Eleven trên toàn cầu là khoảng 45.000 người.

Tại phiên giao dịch đầu ngày 4/10/2019 ở Tokyo, cổ phiếu Seven & I đã tăng tới 6,3%, mức tăng lớn nhất trong ngày kể từ tháng 1/2017. Cổ phiếu đã được phục hồi trong một tháng rưỡi qua, sau khi giảm hơn 20% trong năm nay cho đến tháng 8.

7-Eleven tham gia thị trường Việt Nam vào năm 2017, đã từng tuyên bố sẽ đạt 100 cửa hàng vào năm 2020. Tuy nhiên, đến nay 7-Eleven chỉ có tổng cộng 21 điểm kinh doanh, tức chỉ mới đạt 20% chỉ tiêu 100 cửa hàng sau ba năm hoạt động.

Liệu sau Auchan và các doanh nghiệp ngoại khác, 7-Eleven có thể trụ vững tại thị trường Việt Nam hay không?

Có thể thấy, sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường bán lẻ như hiện nay lại là một lợi thế cho thị trường bất động sản. Mặt bằng đẹp có thể thu hút nhiều khách hàng luôn là vấn đề mà các nhà bán lẻ nội địa ưu tiên lựa chọn trong khi khối nhà bán lẻ ngoại đang tận dụng triệt để lợi thế này.

Vì thế mà giá thuê mặt bằng tại các con đường đông đúc, sầm uất thường đã cao nay lại ngày càng cao hơn. Đặc biệt sau những lần sang tên đổi chủ, giá trị của mảnh đất đó lại tăng lên gấp bội.

Thảo Uyên
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.