Cửa hàng phở, cà-phê, cắt tóc, thậm chí cả dịch vụ spa, cửa hàng bán thời trang... xuất hiện ngày càng nhiều tại các căn hộ chung cư cao tầng, khu đô thị mới. Hình thức bán hàng này mang lại sự tiện lợi cho cả người bán và người mua, nhưng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân trong chính những chung cư đó.

Một quầy hàng tạp hóa tại tầng 7 nhà B3C khu tái định cư Nam Trung Yên.

Thời gian gần đây, tại các khu đô thị mới, các khu nhà tái định cư ở Hà Nội, có không ít hộ gia đình tranh thủ mở cửa hàng kinh doanh ngay tại nhà. Tại khu tái định cư Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy), người đi đường có thể dễ dàng bắt gặp những tấm biển "Gội, sấy, cắt tóc, giặt là", "Bán tạp phẩm, gạo, sim thẻ điện thoại", "May đo sửa chữa quần áo" được dán đầy mặt ngoài các căn hộ. Một số gia đình còn dán quảng cáo ngay tại cầu thang, hầm gửi xe của tòa nhà. Bà Phạm Thị Bích (tòa nhà B3D, khu Nam Trung Yên) sinh sống ở chung cư này hai năm nay, cho biết: "Chung quanh đây không có cửa hàng tạp hóa, nhiều khi mọi người muốn mua một số vật dụng nhỏ như cái bật lửa, gói mì tôm mà không có. Vì thế, tôi mở hàng tại nhà bán đáp ứng nhu cầu của người dân trong tòa nhà, mà gia đình lại có thêm đồng ra đồng vào". Nhiều gia đình mở hàng ăn sáng ngay tại căn hộ của mình. Chỉ cần vài cái bàn, cái ghế kê ở phòng khách, quán phở của chị Hạnh ở nhà CT3 rất đông khách vào buổi sáng. Nhiều hôm nhà chật không đủ chỗ, chị phải kê thêm bàn ghế ngoài hành lang để phục vụ khách. Nhiều nhà còn mở sạp bán thịt, bán rau tươi... phục vụ khách hàng chủ yếu là hàng xóm trong khu nhà.

Tại các khu chung cư có địa điểm thuận lợi như, khu Trung Hòa - Nhân Chính, Trần Quý Kiên, nhiều người mở cửa hàng kinh doanh quần áo, giày dép, mỹ phẩm... Thường thì chủ cửa hàng mở shop online, quảng cáo các mặt hàng của mình trên các trang mạng xã hội, khách hàng lựa chọn, thấy ưng ý thì đặt hàng qua mạng, rồi qua cửa hàng trả tiền, lấy hàng. Chị Nguyễn Lan Anh ở tòa nhà N01, phố Trần Quý Kiên (quận Cầu Giấy) bán quần áo tại nhà được hai năm nay cho biết: Lúc đầu, chị chỉ định bán hàng tại nhà để có thêm thu nhập trong lúc nghỉ sinh con. Nhưng sau một thời gian bán hàng, thấy lượng khách rất ổn định, thu nhập cũng không đến nỗi nào, cho nên chị quyết định duy trì bán hàng lâu dài. Do không tốn tiền thuê mặt bằng, không phải nộp bất kỳ khoản phí nào, cho nên các mặt hàng bán tại nhà thường có giá mềm hơn so với các cửa hàng trên phố; thu hút nhiều khách hàng, chủ yếu là các chị em nhân viên công sở, ít thời gian đi mua sắm. Khách hàng tranh thủ chọn mẫu trên mạng in-tơ-nét và đến thẳng nơi mua hàng vào giờ nghỉ trưa hoặc tan tầm. Một số dịch vụ làm đẹp như spa cũng xuất hiện tại các chung cư cao cấp. Với giá cả thấp hơn, thu hút không ít khách hàng tìm đến.

Việc bán hàng, mở các loại hình dịch vụ tại căn hộ trong khu chung cư tạo một số tiện ích cho người dân. Tuy nhiên, nếu chỉ kinh doanh nhỏ, phục vụ một số lượng khách hàng nhất định trong chung cư thì còn chấp nhận được. Nếu loại hình này tiếp tục phát triển thì gây không ít phiền toái cho các hộ dân chung quanh, ảnh hưởng an ninh trật tự của khu vực. Các công trình hạ tầng kỹ thuật tại chung cư như diện tích gửi xe, thang máy được thiết kế và xây dựng để phục vụ cho người dân sống tại chung cư với số lượng nhất định. Nếu nhiều khách hàng ra, vào các cửa hàng trong tòa nhà sử dụng các dịch vụ này, sẽ dẫn đến tình trạng quá tải. Chưa kể, việc một số hộ dân bán hàng ăn, sử dụng bếp than để đun nấu, lấn chiếm hành lang để bày bán hàng, ảnh hưởng mỹ quan và công tác phòng, chống cháy nổ của khu nhà...

Theo Bảo Thu (Nhân Dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.