01/06/2014 8:49 AM
Người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam là đóng góp cho quốc gia, đất nước ta.

Theo dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, tới đây sẽ không hạn chế số lượng người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam, thời hạn là 50 năm và có thể gia hạn thêm. Vấn đề này đang gây nhiều tranh cãi. Một bên cho rằng nới rộng các quy định cho người nước ngoài mua nhà trong bối cảnh hiện nay là hợp lý; một bên cho rằng thả cửa cho người nước ngoài mua nhà là không nên vì nếu không khéo thì rủi ro khó lường.

Thế giới không có khái niệm người nước ngoài

Nhìn vào các nước trên thế giới, dường như ai cũng có thể mua nhà bởi họ không phân biệt người nước ngoài và người trong nước.

Nếu sang Mỹ vào một ngày đẹp trời, anh quá thích thú một căn hộ đẹp đang rao bán thì anh có thể vào hỏi và mua ngay. Việc ký hợp đồng, sang tên chỉ mất 2-4 ngày sau khi làm các thủ tục như kiểm tra căn nhà đó xem có mối mọt hay thiếu nợ và có tranh chấp gì... Không những thế ngân hàng tại Mỹ cũng sẵn sàng hỗ trợ cho vay tới 80% giá trị căn hộ đó nếu người mua có đủ các chứng từ thông thường chứng minh khả năng trả nợ.

Đó là lý do vì sao chúng ta thấy các ngôi sao Hollywood họ đi khắp nơi và mua nhà cửa ở khắp nơi để đi chơi, làm việc. Có những người chỉ thích đi biển đã chọn mua nhà ở Riviera ở nước Pháp. Có người thích trượt tuyết vào mùa đông nên sang thị trấn Aspen ở Mỹ để mua… Một người có thể sở hữu rất nhiều bất động sản ở nhiều quốc gia khác nhau là bình thường.

Nếu chúng ta lý giải vì do diện tích đất rộng và hẹp vậy tại sao ở Andorra - tiểu vương quốc nhỏ bé nằm giữa biên giới nước Pháp và Tây Ban Nha với diện tích đất 100% là núi rừng và bảy thành phố đều nằm dưới các thung lũng lại chỉ 33% là người bản địa. Bởi ở đây cả thế giới nếu muốn đều có thể đến đây mua nhà nghỉ dưỡng. Vì thế có tới 67% số người sở hữu nhà đất ở đây đến từ các quốc gia như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Ý...

̉ rộng cho người nước ngoài mua nhà là tất yếu nhưng mở như thế nào vẫn đang còn tranh luận. Ảnh minh họa: HTD

Tương tự như thế khi tới thủ đô Paris nước Pháp, tôi đã mua một căn hộ trong một tòa nhà mười mấy tầng rất nhanh chóng. Thậm chí không chỉ sở hữu một căn hộ, khi qua miền Nam nước Pháp thấy cảnh nơi đây quá đẹp, tôi đã mua cả một khu đồi, cả bãi biển…

Doanh nghiệp cũng có thể mua

Không chỉ là cá nhân mà sau khi qua miền Nam nước Pháp tôi thành lập công ty bất động sản. Tôi chọn miếng đất bên ngọn đồi rất đẹp lên tới 49 ha và phải tự mình làm cả chục kilomet đường. Sau đó cùng một nhà thiết kế chia lô, xây các biệt thự cao cấp để bán. Sau đó tôi tìm tới các bãi biển mua đất và tiếp tục phân lô, xây dựng để bán. Đặc biệt trong số những ngọn đồi đã từng mua thì có một ngọn đồi rộng 48 ha đất với rất nhiều vila. Trong đó có một ngôi biệt thự cổ từ thế kỷ 12 của các hiệp sĩ. Sau khi mua thì mọi thứ thuộc về quyền sở hữu của mình kể cả lâu đài đó vốn là di tích lịch sử.

Mua xong, tôi đầu tư vào xây mới, tu sửa và bán hết các biệt thự, không giữ lại căn nào. Duy nhất lâu đài cổ nằm trên đỉnh đồi tôi có xin phép Bộ Văn hóa Pháp để trùng tu và họ đồng ý. Mặc dù đã mua và thuộc quyền của mình nhưng đây là vấn đề di tích lịch sử không đơn giản là xin phép địa phương mà phải lên Bộ. Nếu không được cho phép, dù là sở hữu cũng không được đụng đến. Sau khi trùng tu xong, tôi đã tặng lại cho thành phố và giữ lại cho mình duy nhất cái tháp Nữ hoàng ở trong đó làm tài sản riêng của mình. Khi trở về Việt Nam thì cái tháp Nữ hoàng này tôi giao lại cho các con mình.

Toàn bộ số tiền mua những ngọn đồi, bãi biển trong giai đoạn này đa số tôi đều vay từ ngân hàng chứ vốn liếng mình có bao nhiêu đâu. Vấn đề nằm ở chỗ mình chứng minh cho ngân hàng thấy kế hoạch kinh doanh của mình khả thi, hiệu quả thì ngân hàng sẵn sàng cấp vốn. Sau đó tôi cũng thuyết phục được các nhà thầu cộng tác với mình vì để làm hàng chục kilomet đường sá tốn không biết bao nhiêu triệu đô. Ở Pháp không phải chỉ làm đường tráng nhựa là xong mà phải làm bao nhiêu ống dẫn nước, bao nhiêu ống dẫn điện chạy dưới lòng đất... rất tốn công, tốn tiền.

Mua thoải mái nhưng phải tuân thủ luật pháp

Mặc dù ai cũng có thể mua nhà và mua nhiều nhà nhưng quản lý về luật pháp của họ rất chặt chẽ và có những luật lệ riêng. Anh muốn mua lâu đài đó với giá 50 triệu đô, sau vài ngày thì anh sang xong tên thuộc quyền sở hữu của anh. Nhưng có những khu phố nếu anh muốn sơn màu cửa sổ thì phải xin phép chứ không được tùy tiện sơn màu gì mình thích.

Singapore, Hong Kong là những nước có diện tích quá nhỏ nhưng họ vẫn không cấm người nước ngoài mua nhà. Tuy nhiên, người nước ngoài chỉ được phép mua diện tích căn hộ lớn, vila… chứ những căn hộ nhỏ, vừa thì dành cho người trong nước. Bởi họ quan niệm nếu người nước ngoài có tiền mua vila vài chục triệu đôla hay những căn hộ cao cấp 1 m2 là chục ngàn đôla… nghĩa là họ phải đem tiền đó đóng góp cho quốc gia này. Đi kèm với việc mua căn hộ là hàng trăm dịch vụ khác như đi chợ, chi tiêu. Một người giàu có qua mua nhà bằng 100 người nghèo khổ đi du lịch ba lô sang nước mình.

Ở Pháp, Mỹ việc mua nhà là tự do nhưng cũng có các quy định khác. Cụ thể, với nước Mỹ khi mua ngôi nhà đó thì mua vĩnh viễn và toàn bộ căn nhà, đất đai và những gì dưới lòng đất là thuộc sở hữu của cá nhân. Tuy nhiên, ở Pháp khi mua nhà thì đất và nhà là của anh nhưng những gì dưới lòng đất không phải là của anh. Bởi vậy, nếu trên miếng đất anh mua phát hiện ra một mỏ dầu lửa hay vàng thì đó không phải thuộc sở hữu của anh. Anh phải có trách nhiệm báo cho cơ quan chức năng. Hay ở London (Anh) có những khu anh chỉ được sở hữu bao nhiêu mét và xây cao theo quy định, không được phép phá vỡ kiến trúc quy hoạch với cảnh quan chung của nó.

Nên khuyến khích người giàu sống ở nước mình

Từ lâu Chính phủ đã cho phép người nước ngoài vào đầu tư, mua những công ty, khu công nghiệp, khách sạn lớn hay cho thuê đất nuôi cá, nuôi tôm, trồng rừng. Cụ thể, chúng ta đã cho các ông chủ người Trung Quốc đứng đầu các tập đoàn lớn thuê 50 năm trồng rừng nguyên liệu, rồi sở hữu cả khu đất ở miền Trung có đường bờ biển dài hàng chục kilomet. Chúng ta sẵn sàng cho họ thuê 50-70 năm và trên diện tích hàng chục hecta đất ở Bắc Ninh thì tại sao lại khống chế mua một, hai căn hộ hay ba, bốn chục phần trăm trong một khu căn hộ. Việc họ thuê chừng ấy thời gian cũng như gần một đời người và cũng không khác nào là mua đất. Còn nhớ tại TP.HCM từ nhiều năm trước cả khu chợ lớn đều là người Trung Quốc và số người Việt Nam chen chân vào đây rất ít. Nhưng đến giờ, mấy chục năm rồi mọi thứ cũng thay đổi. Để thấy khoảng thời gian hàng chục năm như vậy thiếu gì chuyện xảy ra và chúng ta cho thuê nhưng không chấp nhận bán một vài căn hộ và lấy lý do sợ rủi ro này rủi ro khác là không hợp lý.

Hơn nữa, chúng ta lấy lý do sợ họ hình thành khu phố Tây, Tàu…, thực ra dăm bảy căn nhà liền kề của người Hoa sinh sống thì người ta gọi thế. Nhưng họ đang sống trên lãnh thổ của Việt Nam phải tuân thủ các luật pháp của Việt Nam. Khi muốn xây nhà, sửa chữa nhà… họ cũng phải xin phép sở, ban ngành. Nói chung đất đó vẫn ở đó, người ta không thể vác trên vai miếng đất đó đi đâu được cả.

Cũng có ý kiến cho rằng nếu mở cửa như thế con em người Trung Quốc sang mua nhà, mua hết đất của chúng ta thì sao. Liệu con em ở Trung Quốc họ có mấy chục tỉ đôla để mua hết nhà của chúng ta hay không. Và giả sử nếu có nguy cơ như thế thì đó là một vấn đề khác nữa. Bởi khi hàng ngàn người Trung Quốc mua nhà tại Việt Nam thì đó không phải dấu hiệu kinh tế mà là tình trạng của an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, làm gì có chuyện đó mà lo lắng.

TS Bùi Kiến Thành (PLTP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.