18/05/2020 7:45 AM
Là địa phương đang có sự chuyển mình mạnh mẽ, Bắc Giang cũng đang phải “vật lộn” với bài toán giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất cho việc hình thành các khu đô thị, khu dân cư mới và các công trình xây dựng.

Khu đô thị Sen Hồ - Đình Trám (Bắc Giang) gặp nhiều khó khăn trong giải phóng mặt bằng.

Mới đây, UBND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức hội nghị chuyên đề về thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện các công trình dự án trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Tại hội nghị, nhiều vấn đề đã được đưa ra phân tích, làm rõ, từ đó tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng.

Có đến 1/3 trong tổng số hơn 600 dự án cần phải thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đang triển khai gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng nhưng chậm tháo gỡ. Điển hình như dự án Khu đô thị phía Tây, thị trấn Vôi (Lạng Giang) đến nay mới giải phóng mặt bằng 15/26ha theo kế hoạch; dự án Khu đô thị mới Đình Trám - Sen Hồ (Việt Yên) giải phóng mặt bằng từ năm 2011 đến nay vẫn chưa hoàn thành…

Tại huyện Lục Ngạn đang triển khai giải phóng mặt bằng gần 20 dự án. Trong số các dự án này có nhiều dự án liên quan đến đất lúa (cây hàng năm), nhưng nay người dân đã tự ý chuyển sang trồng cây ăn quả (cây lâu năm) khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Bởi thế, người dân không được hỗ trợ tài sản trên đất theo Quyết định số 10/2019/QĐ-UBND ngày 21/5/2019 của UBND tỉnh quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất áp dụng trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là tình trạng chung xảy ra ở nhiều địa phương.

Trong khi đó, các huyện Việt Yên, Yên Thế lại đang gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng các dự án khu đô thị, khu dân cư do doanh nghiệp làm chủ đầu tư. Theo ý kiến của một lãnh đạo huyện Việt Yên, các dự án giải phóng mặt bằng do doanh nghiệp làm chủ đầu tư, người dân không đồng thuận do chưa tin tưởng vào doanh nghiệp. Huyện đề nghị, tới đây, UBND tỉnh có thể xem xét tổ chức giải phóng mặt bằng xong các dự án khu đô thị, khu dân cư sau đó tổ chức đấu giá để tạo đồng thuận trong nhân dân.

Bên cạnh đó, việc xác định nguồn gốc đất để quy chủ, có căn cứ bồi thường giải phóng mặt bằng tại nhiều dự án ở các huyện, thành phố vẫn gặp khó khăn. Ví dụ như dự án Cụm công nghiệp Nội Hoàng (Yên Dũng) hiện bồi thường giải phóng mặt bằng 9,4/26,7ha. Số diện tích còn lại chưa lập được phương án bồi thường do vướng mắc trong việc lập hồ sơ xác định đối tượng bồi thường, hỗ trợ. Bởi trước đây các hộ chuyển nhượng đất, song không hoàn thiện thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật…

Theo đánh giá của các đại biểu, nguyên nhân chủ yếu là do có nhiều dự án thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng giữa các thời kỳ chuyển tiếp chính sách với sự khác biệt và chênh lệch đáng kể về quyền lợi của người bị thu hồi đất làm cho quá trình tuyên truyền, vận động các hộ đồng thuận gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, công tác quản lý hồ sơ đất đai nhiều năm trước đây bị buông lỏng, yếu kém dẫn đến hồ sơ pháp lý về đất đai bị thất lạc, không đầy đủ; nhiều hồ sơ hiện có không phản ánh đúng bản chất nguồn gốc và quá trình sử dụng đất dẫn đến thường xuyên xuất hiện tranh chấp giữa các chủ thể sử dụng về nguồn gốc, quá trình sử dụng đất; tình trạng giao đất trái thẩm quyền qua nhiều năm không được xử lý dứt điểm, nên khi lập hồ sơ phương án gặp nhiều khó khăn do không nắm rõ chủ thể.

Tình trạng quá tải trong thực hiện công tác thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng khi trong cùng một thời điểm, một địa phương cấp huyện phải triển khai thực hiện nhiều công trình, dự án đầu tư sử dụng đất...

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Lại Thanh Sơn nhận định, muốn làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, trước hết phải làm tốt các vấn đề về chính sách trong bồi thường, giải phóng mặt bằng. Do đó trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ nghiên cứu, sửa đổi các chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay của tỉnh, tạo tiền đề cho các địa phương tháo gỡ khó khăn.

Ông Lại Thanh Sơn cũng yêu cầu, các cấp, các ngành cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và đoàn thể trong thực hiện giải phóng mặt bằng; làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn; đẩy mạnh tuyên truyền vận động, tạo sự đồng thuận người dân. Bên cạnh đó, cần làm thật tốt về quản lý đất đai, tăng cường ý thức thường trực để giải quyết từng vấn đề cụ thể.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu tham mưu cho UBND tỉnh cách giải quyết các vấn đề còn tồn tại về đất, tiêu chí tại các địa phương; vấn đề giải quyết tài sản trên đất khi thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng. Giao Sở Xây dựng xem xét, kiểm tra việc thực hiện các dự án khu đô thị, khu dân cư, khu, cụm công nghiệp đang trong quá trình triển khai trên địa bàn tỉnh do đây là những dự án cần diện tích giải phóng mặt bằng lớn và thường xuyên gặp vướng mắc trong quá trình triển khai để tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh các công trình, dự án tạo đà phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Chương Huyền (Báo Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.