Nhiều dự án BT tại Bắc Giang lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu.
Hầu hết các dự án BT đều chậm tiến độ
Chất vấn Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), bà Ngụy Kim Phương, đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Lục Nam, cho biết hiện tỉnh đang triển khai 10 dự án BT và sắp tới tiếp tục kêu gọi đầu tư các dự án theo hình thức này.
Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện các dự án đều chậm tiến độ và nổi lên nhiều vấn đề, trong đó vấn đề lớn phải được tập trung tháo gỡ là quá trình thực hiện chỉ quan tâm đến dự án BT hơn dự án đối ứng cho nhà đầu tư; công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) khó khăn và quá chậm; các tổ chức tín dụng cam kết bảo lãnh về vốn nhưng khi triển khai đều không thực hiện; cách thức tháo gỡ khó khăn nhiều tầng nấc, thiếu đồng bộ, chế độ trách nhiệm không rõ ràng.
Chính vì vậy, hiện nay đa số các dự án chưa xong thủ tục giao dự án đối ứng cho nhà đầu tư.
Vị này đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh cho biết nguyên nhân, giải pháp tháo gỡ các khó khăn trên để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đang dở dang và định hướng việc thu hút đầu tư BT thời gian tới thế nào để đạt hiệu quả cao.
Trả lời vấn đề này, ông Trịnh Hữu Thắng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận, hiện tổng thể tiến độ thực hiện các dự án BT đang triển khai trên địa bàn tỉnh ở hầu hết các bước đều chậm so với kế hoạch.
Quá trình thực hiện phát sinh nhiều vướng mắc, nhất là trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, tổ chức thực hiện công tác bồi thường, GPMB, thanh quyết toán dự án. Dự án dùng để thanh toán cho công trình BT được triển khai cùng với dự án BT nhưng tiến độ còn chậm, còn 3/6 dự án chưa xong thủ tục chấp thuận đầu tư.
Theo ông Thắng, nguyên nhân khách quan là do đầu tư theo hình thức BT mới được triển khai trên địa bàn tỉnh nên kinh nghiệm triển khai thực hiện của các cơ quan nhà nước, chủ đầu tư chưa nhiều. Quá trình thực hiện liên quan đến nhiều luật chuyên ngành, nhưng các luật còn có nội dung chưa thống nhất, khó khăn khi triển khai thực hiện dự án.
“Khung pháp lý về đầu tư cho hình thức BT còn thiếu, chậm ban hành và chưa đầy đủ, gây lúng túng cho cơ quan quản lý nhà nước và các nhà đầu tư. Trình tự thực hiện dự án khác phức tạp, kéo dài và không thể chấp thuận để triển khai cùng với dự án BT được”, ông Thắng nhận định.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện các thủ tục chấp thuận dự án khác có một số thủ tục phức tạp, kéo dài liên quan đến các cơ quan trung ương như: thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Tài nguyên và Môi trường, xin ý kiến của Bộ Xây dựng, xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi đất trồng lúa…
Công tác bồi thường, GPMB gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do có nhiều đòi hỏi chưa hợp lý theo quy định của pháp luật hoặc không chấp nhận phương án bồi thường, GPMB gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án BT và cả dự án đối ứng.
Bên cạnh đó, việc huy động vốn vay của các tổ chức tín dụng để triển khai thực hiện dự án BT của các nhà đầu tư gặp khó khăn. Tại bước đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng đều có cam kết cho vay. Tuy nhiên khi dự án triển khai thực hiện thì các nhà đầu tư rất khó đáp ứng các điều kiện của các tổ chức tín dụng để vay vốn.
Phải làm tốt khâu lựa chọn, thẩm định
Trao đổi làm rõ thêm về những vướng mắc trong triển khai dự án đầu tư BT, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lại Thanh Sơn, cho rằng dự án BT triển khai đang gặp rất nhiều khó khăn về trình tự, thủ tục đầu tư do hệ thống hành lang pháp lý cho đầu tư dự án BT chưa được thống nhất, hoàn thiện… gây nhiều khó khăn, lúng túng trong quá trình triển khai.
Theo ông Sơn, dự án BT triển khai theo quy trình hết sức phức tạp, nhà đầu tư phải đồng thời triển khai cả hai dự án cùng lúc (dự án BT và dự án đối ứng); các dự án đầu tư công là do nhà nước đề xuất, còn dự án BT là do nhà đầu tư đề xuất. Dự án đầu tư công là do nhà nước chuẩn bị toàn bộ các thủ tục từ lập dự án đến triển khai dự án, còn dự án BT là do nhà đầu tư. Một dự án BT có khối lượng công việc gấp 3-4 lần dự án đầu tư công…
Theo lãnh đạo Sở KH&ĐT, các khó khăn trong việc vay vốn của các nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT đã được các cơ quan nhà nước nhận diện là một trong những rủi ro của dự án BT và đã được phân chia rủi ro khi thương thảo, ký hợp đồng dự án.
Để giảm bớt khó khăn cho các nhà đầu tư, trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các thủ tục để sớm giao đất cho nhà đầu tư sớm triển khai dự án khác để đảm bảo ngay sau khi được giao đất thông qua thanh toán BT, nhà đầu tư có thể kinh doanh đất trên diện tích đất được giao để thu hồi vốn đầu tư.
Giám đốc Sở KH&ĐT cũng cho rằng, trước hết phải làm tốt khâu lựa chọn, thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, tổ chức công bố công khai, minh bạch để lựa chọn nhà đầu tư đảm bảo năng lực, kinh nghiệm, nhất là năng lực tài chính để triển khai dự án. Ưu tiên xác định khu đất để đối ứng cho dự án BT đã được phê duyệt quy hoạch xây dựng 1/500 để triển khai dự án khác cùng với dự án BT.
Các chủ đầu tư dự án cần tập trung tối đa nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện hợp đồng dự án, đẩy nhanh tiến độ các dự án BT chậm tiến độ, sớm hoàn thành các thủ tục của các dự án đối ứng để trình cấp thẩm quyền phê duyệt, triển khai thực hiện. Đồng thời phải đảm bảo nguồn vốn chủ sở hữu, vốn vay theo đúng hợp đồng đã ký kết để đáp ứng yêu cầu tiến độ các dự án.
-
Từ 1/10: Dùng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT
CafeLand - Từ hôm nay (1/10), Nghị định 69/2019/NĐ-CP quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (dự án BT) sẽ chính thức có hiệu lực.
-
Thái Bình dừng hợp đồng BOT dự án tuyến đường bộ gần 2.600 tỷ đồng từ thành phố đi cầu Nghìn
Mới đây, UBND tỉnh Thái Bình đã tổ chức họp với các sở, ngành và đại diện liên danh nhà đầu tư về đàm phán thỏa thuận chấm dứt thực hiện hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ từ TP Thái Bình đi cầu Ng...
-
Phó Thủ tướng chỉ đạo rà soát các dự án BOT giao thông
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải rà soát, đánh giá toàn diện các dự án BOT giao thông bao gồm cả dự án Bộ Giao thông vận tải quản lý và các dự án do các địa phương quản lý....
-
Cận cảnh khu đất vừa được Hà Nội cho phép xây dựng công trình nhà ở thấp tầng tại Khu đô thị Thanh Hà – Cienco 5
Ngày 31.10 vừa qua, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đã có chỉ đạo về việc xử lý vi phạm tồn tại của Khu đô thị Thanh Hà A, B – Cienco 5 (tại huyện Thanh Oai và quận Hà Đông).