Khu du lịch Khoang Xanh, Ba Vì. Ảnh: Linh Ngọc
Nhiều năm qua, mỗi khi đến hè, Ba Vì lại tổ chức khai trương
mùa du lịch. Đây là địa phương cấp huyện hiếm hoi tự tổ chức hoạt động quảng bá
du lịch. Năm nay, mùa du lịch Ba Vì vừa được khai trương ngày 23-4 với những
điểm đến hấp dẫn, hợp túi tiền của hàng vạn người lao động Hà Nội và những
tỉnh, thành lân cận. Sức hút du lịch đối với nhóm khách có thu nhập trung bình
vẫn ngày một tăng, góp phần nâng cao tỷ trọng dịch vụ - du lịch trong cơ cấu
kinh tế huyện trong những năm qua. Năm 2010, tỷ trọng này chiếm đến 41,8%, cao
nhất trong cơ cấu kinh tế Ba Vì.
Với diện tích tự nhiên 442km2, Ba Vì có tiềm năng lớn nhờ địa hình đa dạng,
phong phú, có 110km2 đất rừng, 140km2 đất nông nghiệp, không chỉ là điều kiện
lý tưởng để phát triển kinh tế nông-lâm nghiệp, du lịch sinh thái, mà còn là lá
phổi xanh, cân bằng môi trường sống của Thủ đô. Những điểm du lịch như Vườn
Quốc gia Ba Vì, Ao Vua, Khoang Xanh, Thiên Sơn - Suối Ngà, Khu du lịch Tản Đà,
Thác Đa, hồ Suối Hai, hồ Tiên Sa, Suối Mơ, nước khoáng nóng thiên nhiên Thuần
Mỹ đang ngày càng trở nên quen thuộc với khách du lịch. Ba Vì có dân số 26 vạn
người với 3 dân tộc anh em Kinh, Mường, Dao cùng chung sống.
Văn hóa truyền thống với nhiều tập tục lý thú như Tết nhảy người Dao, cùng với
các di tích độc đáo (339 di tích, trong đó có 61 cấp quốc gia, 22 cấp TP) xen
giữa cảnh quan thiên nhiên đẹp mắt đã tạo nên những nét đặc trưng nổi bật, là
tiềm năng quý giá cho Ba Vì phát triển. Với thành tựu tăng trưởng kinh tế liên
tục trong những năm qua, Ba Vì đã vươn lên từ huyện nghèo, trở thành huyện phát
triển khá với thu nhập bình quân đầu người đạt 16 triệu đồng/năm. Năm 2010, tỷ
lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện đã giảm 4,98%, mặc dù tiêu chuẩn nghèo đã được
nâng cao theo quyết định của UBND TP.
Hướng lên tầm cao mới
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Văn Hải khẳng định: "Năm 2011, chúng
tôi xác định đẩy mạnh phát triển kinh tế là trọng tâm, song song với việc khai
thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của huyện về du lịch, thương mại, các sản
phẩm nông nghiệp như sữa, chè, cung cấp trong nước và mở rộng thị trường xuất
khẩu". Ba Vì phấn đấu tổng giá trị tăng thêm năm 2011 là 4.996 tỷ đồng với
tốc độ tăng trưởng khoảng 15%, trong đó nhóm ngành dịch vụ - du lịch chiếm tỷ
lệ cao nhất với 2.253 tỷ đồng (chiếm 45%). Thu nhập trung bình đầu người sẽ
nâng lên 18,5 triệu đồng/năm.
Theo ông Nguyễn Văn Hải, Ba Vì sẽ ưu tiên hàng đầu cho công tác quy hoạch và
thu hút đầu tư. "Chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo hoàn thành quy hoạch nông
thôn mới xã Cổ Đô và 12 xã đợt 1 và các dự án quy hoạch quan trọng như Quy
hoạch chung xây dựng, Quy hoạch tổng thể du lịch, Quy hoạch tổng thể phát triển
kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Quy hoạch giao thông, công
nghiệp, Quy hoạch các vùng sản xuất gắn với quy hoạch nông nghiệp, thủy lợi,
thị trấn Tây Đằng, thị trấn Tản Viên Sơn, Quy hoạch chợ đầu mối…" - ông
Hải nói. Quy hoạch là cơ sở để Ba Vì định lượng điều kiện, tiềm năng cũng như
xác định giải pháp để khai thác một cách cụ thể theo từng thời điểm. Ba Vì sẽ
tiếp tục tập trung đẩy mạnh phát triển dịch vụ - du lịch, trong đó sẽ triển
khai các dự án xây chợ đầu mối, chợ nông thôn, đồng thời đưa du lịch trở thành
điểm mạnh của huyện với mục tiêu doanh thu 150 tỷ đồng, hơn 2 triệu lượt khách.
Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục cũng sẽ được tập trung đầu tư lớn để từng bước
tiếp cận với chất lượng, hiệu quả của các quận nội thành.
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, Ba Vì đã có những bước phát triển toàn diện,
đặc biệt là sau khi sáp nhập vào Thủ đô Hà Nội, xu hướng phát triển của huyện
miền núi này lại càng được đẩy mạnh. Đến nay, cùng với chính sách đầu tư phát
triển hạ tầng khu vực nông thôn - ngoại thành, chủ trương xây dựng nông thôn
mới toàn diện của TP, cùng với sự nhận thức và chuẩn bị của Đảng bộ, chính
quyền và nhân dân, huyện Ba Vì đang đứng trước thời cơ thuận lợi để phát triển
lên tầm cao mới.