CafeLand - Đối với người dân TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu từ lâu đã là một địa điểm du lịch ưa thích vào mỗi kỳ nghỉ lễ hay dịp cuối tuần. Ở đây không chỉ hấp dẫn bởi những bãi biển đẹp mà còn là khoảng cách gần, chỉ khoảng 2 giờ xe chạy. Đặc biệt, trong những năm gần đây, du lịch của địa phương này được nâng cấp bởi một loạt khu nghỉ dưỡng cao cấp ở Hồ Tràm, Long Hải ra đời.

Thêm vào đó, hạ tầng giao thông kết nối giữa TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu cũng trở nên thuận lợi hơn. Nhờ tất cả những lợi thế đó, bất động sản nói chung và phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng của khu vực này nói riêng đang phát triển mạnh. Nơi đây cũng đã trở thành một “sân chơi” hấp dẫn đối với doanh nghiệp, lẫn nhà đầu tư cá nhân.

Những điểm nóng hạ tầng

So với các thị trường bất động sản vùng giáp ranh với TP.HCM như Long An, Bình Dương và Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu có khoảng cách xa hơn nên tính kết nối thấp hơn. Tuy nhiên, nhờ có vị trí khá đặc biệt, Bà Rịa có thể phát triển công nghiệp dầu khí, vận tải biển và bất động sản du lịch. Thực vậy, Bà Rịa - Vũng Tàu hiện chiếm tới 93% tổng trữ lượng dầu mỏ và 16% tổng trữ lượng khí thiên nhiên của cả nước.

Hiện nay, thời gian di chuyển từ TP.HCM đến Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ còn khoảng 2 giờ nhờ việc mở rộng Quốc lộ 51, đoạn từ Đồng Nai đến Bà Rịa - Vũng Tàu thành 6 làn. Trước đây, tuyến đường này có lưu lượng xe cộ dày đặc và những giờ cao điểm đều bị kẹt xe nên thời gian di chuyển thường mất 3-4 tiếng.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới khi tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có tổng chiều dài 77,6km với tổng kinh phí hơn 9.200 tỉ đồng được xây dựng và tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành mở rộng lên 6-8 làn xe thì hạ tầng giao thông kết nối Vũng Tàu và các vùng kinh tế khác sẽ thuận tiện hơn. Đặc biệt, dự án sân bay Lộc An - Hồ Tràm được đầu tư 4.000 tỉ đồng tại xã Lộc An được kỳ vọng sẽ là một cú hích lớn cho các khu du lịch Hồ Tràm.

Bên cạnh đó, Vũng Tàu đang có hệ thống cảng biển nước sâu. Cảng Cái Mép đang được quy hoạch trở thành trung tâm logistics lớn nhất Việt Nam. Cụ thể, dự án Trung tâm logistics và Cảng tổng hợp container Cái Mép hạ gồm hai phần: Trung tâm logistics Cái Mép Hạ có tổng diện tích 1.200ha với tổng số vốn đầu tư dự kiến khoảng 40.000 tỉ đồng và cảng tổng hợp container Cái Mép Hạ có diện tích 86,6ha với tổng số vốn đầu tư dự kiến 10.000 tỉ đồng. Khi hoàn thành, cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ có hệ thống luồng sâu có đủ năng lực tiếp nhận những tàu lớn nhất trên thế giới với sức chở 18.000 - 22.000 TEU, trọng tải đến 200.000 DWT. Cảng quốc tế Cái Mép khi hoàn thành theo thiết kế sẽ là một trong 19 cảng lớn nhất trên thế giới.

Với việc đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng, bất động sản Bà Rịa - Vũng Tàu đang có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, đặc biệt là bất động sản nghỉ dưỡng. Trước đây, nhờ ngành công nghiệp dầu khí, khí đốt Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh có thu nhập bình quân đầu người cao nhất nước. Thời gian tới du lịch, dịch vụ có thể sẽ làm cho kinh tế tỉnh này cất cánh, kéo theo đó là bất động sản nghỉ dưỡng có thể khởi sắc.

"Thủ phủ" resort Hồ Tràm - Bình Châu

Trước đây, Bình Châu nổi tiếng là vùng biển giàu tiềm năng với khoảng 1.000 thuyền đánh cá hoạt động. Nơi đây cũng có các khu du lịch nổi tiếng như suối nước nóng Bình Châu, biển Hồ Cốc, Hồ Tràm. Hiện nay, khu vực này đã trở thành một điểm nóng thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư bất động sản.

Điển hình là vị trí vàng ven biển từ Long Hải đến Hồ Tràm được đầu tư xây dựng với các dự án lớn như NovaWorld Hồ Tràm có quy mô 1.000ha do Tập đoàn Novaland làm chủ đầu tư. Ngoài ra, Tập đoàn này liên danh với Công ty TNHH Du lịch Thương mại Á Đông Vidotour đầu tư dự án Công viên hoang dã Safari Hồ Tràm.

Ngoài NovaWorld Hồ Tràm có dự án khu du lịch nghỉ dưỡng lớn khác là Edenia Resort có quy mô 40ha. Dự án này do Công ty cổ phần du lịch Biển Xanh (Blue Sea Group) làm chủ đầu tư và khởi công vào tháng 9 vừa qua với dòng sản phẩm chính là biệt thự. Bên cạnh đó dự án cũng có khách sạn và các tiện ích nội khu như nhà hàng, khu spa cũng được đầu tư để phục vụ khách du lịch nghỉ dưỡng.

Dọc tuyến đường này cũng xuất hiện dự án Biệt thự Lagoona Bình Châu có quy mô 27,5ha của chủ đầu tư là Công ty TNHH tư vấn và kinh doanh Nhà Đạt Gia. Một dự án khác cũng đáng quan tâm là khu nghỉ dưỡng The Hamptons Hồ Tràm do Tập đoàn Tanzanite International làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô 16,8ha với hai phân khúc chính là biệt thự và condotel.

Đặc biệt, tại Hồ Tràm đang có dự án rất lớn là Casino Hồ Tràm với tổng mức đầu tư 4 tỉ USD. Dự án này do Công ty TNHH Dự Án Hồ Tràm, công ty 100% vốn nước ngoài của Asian Coast Development Ltd làm chủ đầu tư. Được biết cho đến nay, dự án đã được rót vào hơn 1,1 tỉ USD. Giai đoạn một của dự án đã mở cửa đón khách vào năm 2013, gồm 541 phòng năm sao, cụm nhà hàng quốc tế, trung tâm hội nghị, khu vực casino, sân golf quốc tế... Đây là casino đầu tiên tại Việt Nam được cấp phép hoạt động chơi chia bài trực tiếp cho khách nước ngoài, với 90 bàn chơi. Theo kế hoạch, đến năm 2020, sau khi hoàn thiện, toàn bộ dự án sẽ có 9.000 phòng nghỉ tiêu chuẩn 5 sao, 180 bàn chia bài, 2.000 máy chơi, có sân golf, khu vui chơi giải trí.

Bà Rịa - Vũng Tàu dậy sóng

Tại gần khu vực bãi biển Hồ Tràm, các lô đất có diện tích 300-400m2 đang được chào bán với mức giá 5-7 tỉ đồng. Đất nông nghiệp trên địa bàn này hiện nay cũng tăng giá lên từ 1,5 - 2,3 triệu đồng/m2, thay thế mức giá 1 - 1,2 triệu đồng/m2 ở thời điểm cuối năm 2018.

Theo phân tích của các chuyên gia, bất động sản Bà Rịa - Vũng Tàu trở nên sôi động xuất phát từ tiềm năng phát triển trong tương lai. Thời gian qua, tỉnh này đã đầu tư rất tốt cho cơ sở hạ tầng và nhu cầu về du lịch, nghỉ dưỡng của người dân ngày càng cao. Đặc biệt, Bà Rịa - Vũng Tàu đang thu hút được rất nhiều vốn đầu tư vào bất động sản từ các tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Đây cũng là địa điểm hội tụ khá đầy đủ các yếu tố thuận lợi về địa lý, điều kiện tự nhiên để phát triển ngành công nghiệp không khói.

Như vậy có thể thấy, với gần 100 dự án du lịch nghỉ dưỡng đang được triển khai dọc bờ biển Bà Rịa - Vũng Tàu đang biến nơi đây dần trở thành một trong những “thủ phủ” du lịch nghỉ dưỡng hàng đầu cả nước và mang tầm quốc tế. Đây có thể là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế của tỉnh này trong thời gian tới.

Cẩn trọng với những cơn sốt đất

Bên cạnh tiềm năng phát triển dài hạn và sự tăng trưởng vượt bậc, bất động sản Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có những nốt trầm. Theo báo cáo của HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, toàn tỉnh có 192 mảnh đất nông nghiệp bị “hô biến” thành những dự án bất động sản. Các dự án này đã được đo vẽ, làm cơ sở hạ tầng, phối cảnh dự án và phân lô rao bán hoặc xin tách thửa. Trong đó, “dự án” lớn nhất lên tới 13ha và nhỏ nhất 0,5ha. Địa phương có nhiều dự án nhất là thị xã Phú Mỹ với 113 dự án, tiếp đến là thành phố Bà Rịa, huyện Long Điền với 17 dự án và 19 dự án tại huyện Đất Đỏ. Các dự án bất động sản này được gọi là “dự án ma” vì không nằm trong quy hoạch, không được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Điển hình trong số đó là xã Châu Pha, Sông Xoài, Tóc Tiên và P.Hắc Dịch của thị xã Phú Mỹ với tám “dự án ma” của Công ty Địa ốc Alibaba. Chỉ sau thời gian ngắn, công ty này đã nhận góp vốn đầu tư của hàng ngàn khách hàng, với tổng cộng 3.333 nền đất, thu về số tiền hơn 770 tỉ đồng. Sự việc lên tới đỉnh điểm khi nhân viên Địa ốc Alibaba chống người thi hành công vụ khi bị cưỡng chế “dự án ma” tại xã Tóc Tiên. Đến nay, nhiều lãnh đạo và nhân viên của Địa ốc Alibaba đã phải trả giá cho hành động sai trái của mình nhưng hệ quả đối với nhiều nhà đầu tư vẫn hết sức nặng nề.

Nguyên nhân của việc dự án ma nở rộ bắt nguồn từ những cơn sốt đất tại đây. Các đối tượng lợi dụng kẽ hở cho phép tách thửa đất nông nghiệp và việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Việc xuất hiện tràn lan dự án ma đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối xã hội và sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có rất nhiều dự án chậm triển khai. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như việc giải phóng mặt bằng khó khăn, thủ tục pháp lý phức tạp thì cũng có nguyên nhân chủ quan từ phía doanh nghiệp như thiếu vốn đầu tư và dự án không khả thi. Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp thiếu năng lực nhưng cũng “xí phần” để tìm cơ hội bán lại cho đối tác khác kiếm lời. Tất cả điều này đã làm cho thị trường bất động sản phát triển thiếu lành mạnh.

Tương lai bất động sản Vũng Tàu ra sao?

Bà Rịa - Vũng Tàu không chỉ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nghỉ dưỡng mà còn có tiềm năng để phát triển thành một đô thị cảng lớn trong tương lai.

Năm 2018, tổng khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu trực tiếp thông qua cảng Bà Rịa - Vũng Tàu đạt khoảng 69,8 triệu tấn, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2017. Cảng Cái Mép đang được quy hoạch trở thành 1 trong 19 cảng lớn nhất thế giới và là trung tâm logistics lớn Việt Nam. Điều này là hoàn toàn khả thi khi mà tỉnh này có đầy đủ các điều kiện thuận lợi để phát triển cảng biển.

Có lẽ nhận ra tiềm năng to lớn này, mới đây Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư và phát triển Việt Nam vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xin chấp thuận chủ trương cho nghiên cứu, khảo sát lập đề xuất dự án đầu tư khu đô thị sinh thái Tây Nam tại phường Long Hương và phường Kim Dinh, TP. Bà Rịa. Dự án có quy mô 1.800ha, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 148.800 tỉ đồng. Nếu dự án này được triển khai sẽ tạo ra một cú hích lớn cho thị trường bất động sản Bà Rịa - Vũng Tàu trong tương lai.

Phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang có những bước chuyển mình ngoạn mục. Hàng chục dự án lớn với quy mô đầu tư hàng tỉ USD đã ra đời và đang được triển khai. Những khu vực có điều kiện thiên nhiên ưu đãi như Long Hải, Hồ Tràm có thể nhanh chóng trở thành “thiên đường nghỉ dưỡng” cho khách du lịch trong nước và quốc tế. Theo đó, bất động sản nghỉ dưỡng ở đây chắc chắn sẽ còn phát triển mạnh trong thời gian tới.

Thảo Uyên
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.