Huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) đang cộm lên vấn đề địa phương đã có khu (cụm) công nghiệp, vận động được doanh nghiệp vào đây kinh doanh rất khó, một số hạng mục hạ tầng xây xong ế ẩm, nhưng gần đây nhà xưởng lại tự do “bung” ra trên đất rừng.

Công trường xây dựng trái phép trên đất rừng ở thôn Đồng Loóng, xã Thanh Lâm

Năm 2012, huyện Ba Chẽ thành lập Cụm công nghiệp Nam Sơn với diện tích 47,55ha. Kinh phí đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào bằng ngân sách là 437 tỷ đồng, đầu tư hạ tầng bên trong trên 276 tỷ đồng do Chủ đầu tư tự bỏ ra, trong đó Nhà nước có hỗ trợ trên 60 tỷ đồng. Gần một thập kỷ qua, Cụm công nghiệp Nam Sơn mới chiêu mộ được 7 doanh nghiệp, tỷ lệ lấp đầy chưa đạt 80% của giai đoạn I, giai đoạn II chưa trông cậy vào đâu. Khi ấy huyện lại cho doanh nghiệp tự do mở nhà xưởng bên ngoài, làm thui chột doanh nghiệp bên trong.

Cụ thể, 10 năm hình thành cụm công nghiệp này, lợi ích về cảnh quan môi trường đã rõ, nhưng chật vật lắm huyện mới đưa được 1 doanh nghiệp chế biến lâm sản vào mở xưởng sản xuất, thì nay bên ngoài đã và đang mọc lên 3 xưởng sản xuất cùng ngành nghề. Xưởng bên ngoài đón lõng nguồn nguyên liệu, trốn tránh được nhiều khoản chi như: Phí quản lý, dịch vụ xử lý nước thải, vệ sinh môi trường... tạo ra sự cạnh tranh thiếu bình đẳng.

Mới đây, ở thôn Đồng Loóng, xã Thanh Lâm lại xuất hiện một đại công trường xây dựng trái phép, tiếng xe máy rầm rĩ ngày đêm. Ôtô, máy xúc, máy gạt san ủi đất đồi, áng chừng vạt rừng bị san phẳng rộng đến vài ngàn m2. Công trình không thấy niêm yết công khai quy hoạch dự án, cánh cổng phía ngoài bịt tôn kín mít. Trước sự việc trên, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã đến trụ sở UBND xã Thanh Lâm tìm hiểu về công trình xây dựng này, mới hay đây là công trường xây dựng nhà xưởng băm dăm gỗ.

Tuy Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Cảnh đi kiểm tra, đôn đốc chống dịch ở xa nhưng vẫn cởi mở hợp tác thông tin qua điện thoại theo yêu cầu cung cấp sơ bộ một số nội dung như: Đã chuyển đổi đất rừng sang mục đích đất khác chưa? Có được cấp phép xây dựng và đánh giá tác động môi trường không? Chủ tịch UBND xã cho biết, đây là công trình chưa được cơ quan thẩm quyền cấp phép đầu tư xây dựng, địa phương đã lập biên bản vi phạm hành chính về trật tự xây dựng và yêu cầu người vi phạm cam kết khi có đủ cơ sở pháp lý mới được động thổ, xây dựng công trình.

Nhưng thực tế khi cán bộ xã vắng mặt thì “đâu lại đóng đó”, công trình lại ồ ạt thi công và công trình lớn còn ngoài sức quản lý của UBND xã. Không rõ xã đã báo cáo huyện chưa, UBND huyện có biết hay không?

Phóng viên nhận thấy, huyện Ba Chẽ đứng đầu tỉnh Quảng Ninh về giữ đất giữ rừng, từ trên cao nhìn xuống màu xanh như còn khá nguyên vẹn, ít vết sẹo san đồi. Ba Chẽ ẩn chứa một vò nước ngọt lớn với một con sông rừng dài nhất vùng Đông Bắc (150km), không bắt nguồn từ nước ngoài. Địa phương không nên “tham bát bỏ mâm”, cần giữ gìn vốn rừng, xóa ngay công trình xây dựng trái phép, lấn chiếm đất rừng ở thôn Đồng Loóng, xã Thanh Lâm khi nó mới nhú mầm vi phạm.

Huyện Ba Chẽ cần phát huy truyền thống quản lý tốt quy hoạch, trấn chỉnh xưởng tự phát trong khu dân cư, trên đất rừng, đưa cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, gia công cơ khí, chế biến hàng hóa, lâm thổ sản vào cụm công nghiệp địa phương. Đây là một giải pháp lâu dài về môi trường, văn minh đô thi, mô hình đang được nhân rộng ở Quảng Ninh.

Địa phương không nên để Cụm công nghiệp Nam Sơn ế, nhà xưởng lại tự do “bung” ra trên đất rừng như nhà xưởng đang xây dựng ở thôn Đồng Loóng, xã Thanh Lâm.

  • Vân Đồn (Quảng Ninh): Một dãy phố không “bìa đỏ”

    Vân Đồn (Quảng Ninh): Một dãy phố không “bìa đỏ”

    Báo điện tử Xây dựng nhận được đơn tập thể của 8 hộ dân cùng một dãy phố thuộc khu 9, thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn, phản ánh: Họ đã xây nhà ở, sinh sống ổn định từ năm 2010 đến nay trên thổ đất không có tranh chấp và nằm trong quy hoạch đất ở, nguyện vọng cần được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ) mà vẫn chưa được cấp.

Đặng Dũng (Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.