CafeLand - Môi giới bất động sản là nghề còn tương đối mới mẻ ở Việt Nam, nhưng đây lại đang là lĩnh vực được ví như thỏi nam châm hút lực lượng lao động, đặc biệt là người trẻ. Nghề này cũng đang được xã hội soi chiếu dưới nhiều góc độ khác nhau, tích cực cũng nhiều mà tiêu cực cũng chẳng ít. Nhưng chỉ có những người trong cuộc mới biết họ thực sự là ai.

Lĩnh vực môi giới bất động sản thu hút lao động trẻ. Ảnh: KM

Khi tôi là tân binh

Trò chuyện với chúng tôi, Vương - “tân binh” của công ty môi giới bất động sản ở quận 3, TP.HCM - cho biết cậu đến với nghề môi giới bất động sản một cách hoàn toàn thụ động. Tốt nghiệp ngành văn hóa của một trường cao đẳng, Vương mất nhiều tháng nhưng vẫn chưa tìm được việc làm phù hợp với chuyên môn. Trong lúc bí bách thì có người bạn cùng dãy trọ làm nhân viên môi giới bất động sản rủ đi làm. Dù mù tịt về lĩnh vực này nhưng chán cảnh nằm nhà suốt ngày nên Vương đồng ý thử sức. “Suy nghĩ ban đầu của em về môi giới là những người ăn mặc chỉnh chu, nói chuyện toàn tiền tỉ, được làm việc với nhiều người giàu và hoa hồng hàng chục triệu”, Vương tóm tắt ngắn gọn kiến thức của mình về nghề.

Tuy nhiên, sau vài tuần thực sự “lấn sân”, cậu nhân viên 21 tuổi này mới cảm nhận được những khó khăn, có những thứ mà trước đây cậu không nghĩ đến. Đầu tiên là lương tháng chỉ đủ trang trải tiền xăng xe, điện thoại. Chuyện ăn mặc cũng đau đầu
vì muốn mặc đẹp thì phải có tiền. Vì là lính mới, không có mối quan hệ nên phải gọi điện hàng trăm cuộc mỗi ngày, có cuộc
vừa nói được câu mở đầu đã bị khách chửi tối tăm mặt mũi. Những ngày nắng chang chang phải trần mình để phát tờ rơi. Làm cả tháng không có giao dịch nên “trường ca mì tôm” bất hủ lại ám ảnh.

“Em làm được gần 2 tháng, nghề này đòi hỏi nhiều thứ chứ không hề đơn giản. Em đang cố gắng vì giờ ra trường thất nghiệp xin tiền ba mẹ cũng không hay. Nếu không trụ được nữa thì em sẽ xin nghỉ để làm việc khác”, Vương nói về kế hoạch của mình.

Không quá mơ hồ như Vương, Nguyễn Tuấn Duy, một tân binh khác, lại tỏ ra hào hứng với nghề môi giới bất động sản. Duy chia sẻ, trước khi chọn nghề cậu đã tìm hiểu qua thông tin báo chí, những môi giới đi trước để sẵn sàng tâm lý chinh chiến với nghề.

Dù cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhưng thay vì nhìn vào những bất lợi, Duy hướng đến những điều tích cực mà nghề này mang lại. Đó chính là môi trường làm việc năng động, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng và được tiếp xúc với nhiều hạng người khác nhau. Mới vào nghề 2 tháng nhưng Duy cảm nhận được bản thân đang dần trưởng thành hơn, biết đương đầu và giải quyết các trở ngại trong công việc.

Chia sẻ về lựa chọn nghề môi giới của nhiều bạn trẻ, ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Cen Group, cho rằng có rất nhiều bạn trẻ chọn nghề môi giới bất động sản vì không tìm được việc làm hơn là quyết tâm theo đuổi nghề. Dường như xin việc làm vào nghề môi giới là dễ nhất vì các sàn, các công ty đều tuyển dụng ồ ạt. Nhưng tuyển dụng rồi có thích ứng được hay không, có thu nhập từ nghề môi giới hay không lại là câu chuyện khác.

Ông Hưng cho biết, có đến 50% các bạn vào nghề môi giới không thành công và thay đổi nghề nghiệp. Đây là vấn đề thực sự của nghề môi giới vì nhiều bạn bước chân vào nhưng không hiểu được nghề này phức tạp ra sao. Môi giới bất động sản đòi hỏi kiến thức tổng hợp về nhiều lĩnh vực. Bạn phải có kiến thức chuyên sâu về bất động sản, về tài chính, phong thủy, xây dựng,... thì mới có thể tư vấn và thuyết phục khách hàng. Bên cạnh đó, môi giới là một nghề vất vả, phải thức đêm thức hôm với nó, phải trải qua nắng mưa gió bão và phải rất kiên trì mới làm được nghề này.

Theo ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Viet Nam, với những tân binh vừa ra trường “chân ướt chân ráo” muốn bước vào nghề môi giới bất động sản, thay vì tự hỏi mình có hợp hay không thì nên bắt tay vào làm thật sự và phải nỗ lực để vượt qua những trở ngại ban đầu. “Dù làm nghề nào, ở bất cứ lĩnh vực nào, bạn đều phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách. Cách tốt nhất để vượt qua là đương đầu và nỗ lực hết sức mình”, ông Lâm chia sẻ.

Ông phân tích, nếu không bắt tay vào làm, chưa trải qua khó khăn thì làm sao biết mình có hợp với nghề hay không. Có những người may mắn chỉ trong khoảng thời gian ngắn đã bán được sản phẩm, nhưng chưa hẳn sẽ trụ nổi với nghề. Để đạt đến năng lực am hiểu thị trường, tâm lý khách hàng và bán được nhiều dự án ở nhiều phân khúc khác nhau đòi hỏi một quá trình lâu dài cùng nỗ lực tự hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp chứ không phải ăn may.

“Kết quả khởi đầu tốt đẹp hay khó khăn chưa nói lên được điều gì cả. Quan trọng
là bạn phải dấn thân và cố gắng hết mình trên con đường bạn đi. Vượt qua những khó khăn thì tự thân sẽ trưởng thành. Và khi đã trưởng thành, bạn mới thực sự biết được mình có phù hợp với nghề hay không”, ông Lâm đúc kết.

Khẳng định bản thân

Trái ngược với cảm xúc bỡ ngỡ của tân binh, những nhân viên môi giới thâm niên phải quan tâm nhiều hơn đến một cuộc chiến khác, khốc liệt hơn rất nhiều. Đó là cuộc chiến khẳng định bản thân, xây dựng thương hiệu cá nhân. Bởi trong một môi trường cạnh tranh và tính chất đào thải khắc nghiệt, người nào đứng yên một chỗ sẽ bị loại đầu tiên. Và trong quá trình xây dựng thương hiệu bản thân, người môi giới không chỉ phải trau dồi kiến thức chuyên môn mà còn phải rèn giũa cho mình những kỹ năng mềm, xử lý tình huống khôn khéo. Cùng với đó là khả năng chịu đựng những cú sốc, những điều không ngờ luôn đầy rẫy trong nghề.

Nhìn vào khuôn mặt tươi cười của Trung Lân khi nói chuyện với mọi người, không ai nghĩ rằng cậu vừa bị khách hàng “bẻ kèo”. Nhân viên có thâm niên 2 năm trong nghề chia sẻ, gần 1 tháng nay anh dành tâm huyết để chăm sóc một khách hàng. Người này có nhucầumuacănhộcógiá5tỉđồngtạiquận 2, TP.HCM. Để tạo thiện cảm với khách hàng, Lân đã bỏ công sức, thời gian để chăm sóc, tư vấn từ những lần mời café, đi ăn. Thậm chí, để tăng thiện cảm, cậu còn mạnh tay chi tiền túi để tặng khách món quà giá trị.

Thế nhưng, khi đến hẹn chốt giao dịch thì khách hàng bất ngờ đổi ý. Họ đưa ra điều kiện nếu muốn ký hợp đồng thì Lân phải chấp nhận “cắt máu” một phần hoa hồng mà cậu được hưởng. Mặc dù rất thất vọng, nhưng Lân chấp nhận mất giao dịch chứ không “cắt máu”.

“Hoa hồng chính là công sức chính đáng mà người môi giới bỏ ra trong quá trình giao dịch. Họ phải tính toán chi ly đều dựa vào khoản tiền này. Nếu như bây giờ cắt máu cho khách nghĩa là họ chịu thiệt. Đây chẳng khác nào hành động tự hạ thấp giá trị của mình”, Lân nói.
Lân chia sẻ thêm, những trường hợp như vậy cậu đã từng gặp nên không quá buồn. Thay vào đó nó như bài học để cậu hoàn thiện hơn những thiếu sót của mình. Trong môi trường đầy rẫy áp lực và tính cạnh tranh, không chỉ đến từ khách hàng mà ngay chính những đồng nghiệp nếu người môi giới không tập cho mình được bản lĩnh thì sẽ rất khó đứng vững.

Với gương mặt thanh tú, Thúy - nữ môi giới bất động sản tại quận Bình Thạnh - được nhiều đồng nghiệp cho là “may mắn”, bởi đây là một lợi thế cạnh tranh cực lớn so với phần còn lại. Bản thân Thúy cũng thừa nhận, nhờ có thế mạnh về ngoại hình nên cô thuận lợi hơn trong công việc. Tuy nhiên, không phải lúc nào “lợi thế” này cũng tốt.

Nhiều trường hợp nam khách hàng không phải vì bất động sản mà chủ yếu là để “khai thác” cô môi giới. Lúc mới vào nghề, còn chưa có kinh nghiệm nên Thúy đã cho khách hàng số điện thoại. Có những đêm cô không thể nào ngủ được vì khách hàng nhắn tin tán tỉnh, thậm chí có người đặt trực tiếp vấn đề nếu cô đồng ý qua lại với họ thì họ sẽ mua bất động sản cho cô. Cũng có trường hợp, hai vợ chồng đồng ý mua bất động sản thông qua tư vấn của Thúy nhưng sau đó người vợ gọi điện cho cô để hủy giao dịch chỉ vì người chồng quá nhiệt tình.

Thúy chia sẻ, nghề môi giới bất động sản nhiều khó khăn, đặc biệt với phụ nữ lại càng vất vả. Cô cũng ý thức được sự đào thải nghiệt ngã của nghề nên không cho phép mình đứng yên mà phải nỗ lực, cố gắng liên tục để đến khi lập gia đình, hoặc lớn tuổi hơn thì vẫn có thể tồn tại với nghề ở một vị trí ổn định.

Anh Dũng, Giám đốc một công ty môi giới tại quận 9, cho biết có đến 80% nhân sự tại các doanh nghiệp môi giới hiện nay là người dưới 30 tuổi. Môi giới bất động sản là nghề nhiều áp lực. Đòi hỏi người trẻ vì họ là những người năng động, chịu chạy và quan trọng nhất là chưa bị vướng bận về gia đình.

“Để tồn tại được với nghề thì người môi giới phải xác định cho mình năng lực rõ ràng, quá trình thăng tiến cụ thể. Chứ chỉ loanh quanh với việc môi giới từ năm này qua năm khác sẽ khó tồn tại được”, anh Dũng nói.

Khi nào nên làm chủ?

Năm 2012, Huy chân ướt chân ráo bước vào lĩnh vực bất động sản với vai trò của một nhân viên môi giới. Ngay từ những ngày đầu khi khoác trên mình bộ vest lịch lãm, đôi giày tây bóng loáng anh đã đặt cho mình mục tiêu lớn hơn. Sau 5 năm lăn lộn với nghề, trải qua 2 công ty, Huy đã kinh qua đủ chuyện vui buồn. Đã có không ít
lần anh cầm sẵn đơn nghỉ việc trong tay, nhưng máu nghề và giấc mơ làm chủ dở dang lại thúc đẩy anh bước tiếp.

Cuối năm 2016, với những kinh nghiệm tích lũy, Huy quyết định liên kết với một người đồng nghiệp khác để thành lập công ty chuyên môi giới bất động sản. Ngày nhận con dấu đỏ in tên công ty, Huy mừng rơi nước mắt.

Văn phòng công ty chỉ có diện tích 20m2 thuê được trong một hẻm nhỏ để tiết giảm chi phí. Đồ đạc bên trong chỉ bao gồm một chiếc bàn, một máy in, một laptop... tất cả những vật dụng còn lại đều được tiết giảm tối đa. Huy tuyển dụng được 5 nhân sự, chủ yếu là các bạn trẻ mới ra trường về làm việc. Sở dĩ như vậy vì khó để tuyển người có kinh nghiệm vì họ đòi hỏi lương cao và ổn định chỗ cũ.

Khởi đầu rất hào hứng, thế nhưng Huy đã phải ngưng hoạt động chỉ 2 tháng sau thành lập công ty. Huy chia sẻ, trải qua tháng đầu tiên khá suôn sẻ thì tháng thứ hai mọi khó khăn xuất hiện. Đầu tiên là không tìm ra được nguồn hàng cho nhân viên bán. Trong khi áp lực về lương, chi phí thuê mặt bằng đang ăn mòn vào khoản tích lũy khiêm tốn của công ty.

Để không bị lún sâu vào khủng hoảng, Huy tạm ngưng hoạt động và tiếp tục quay lại làm thuê cho doanh nghiệp lớn nhằm tích lũy thêm kinh nghiệm, tài chính. Tên của công ty Huy cố gắng giữ lại với hy vọng một ngày không xa sẽ trở lại để vực dậy đứa con tinh thần của mình.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lĩnh vực bất động sản luôn là ngành nghề dẫn đầu trong số lượng các doanh nghiệp đăng ký thành lập mỗi tháng. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp đăng ký giải thể hoặc ngừng hoạt động xếp ở vị trí đầu.

Ông Phan Việt Hoàng, Tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Khánh Hòa cho rằng, xu hướng những môi giới làm việc lâu năm để tách ra làm riêng là điều dễ hiểu và đáng cổ vũ. Tuy nhiên, việc đăng ký thành lập doanh nghiệp mới là rất đơn giản, trong khi đó duy trì và phát triển nó thì không phải ai cũng làm được. Rất nhiều môi giới ra làm riêng thất bại là do họ chưa chuẩn bị kỹ đầy đủ kiến thức, kỹ năng và mối quan hệ để tồn tại.

Ông Hoàng cho biết thêm, trước khi muốn khởi nghiệp ra làm chủ thì những bạn trẻ cần lăn lộn ở vị trí làm thuê để thấu hiểu mọi vị trí. Độ tuổi khởi nghiệp cũng phải cân nhắc. Bởi nếu khởi nghiệp khi còn quá trẻ thì non kinh nghiệm, khả năng chịu áp lực thấp, khởi nghiệp khi tuổi quá lớn thì sẽ mất đi sự nhiệt huyết, năng động của tuổi trẻ.

Đồng cảm với những người khởi nghiệp trong lĩnh vực môi giới, ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Việt Nam, chia sẻ năm yếu tố quan trọng liên quan đến sự sinh tồn của một công ty môi giới.

Đầu tiên, nguồn tài chính phải vững. Bạn muốn mở công ty mà tài chính không đảm bảo thì không thể làm gì được.

Thứ hai, phải tự trang bị khả năng điều hành, quản lý doanh nghiệp.

Thứ ba, cần kết nối và xây dựng quan hệ chiến lược với các chủ đầu tư, đơn vị phát triển dự án, để có thể mang về nguồn sản phẩm phân phối, đảm bảo hoạt động cho công ty.

Thứ tư, xây dựng tốt thương hiệu cá nhân, từ đó tạo dựng sự tin tưởng đối với các chủ đầu tư và đơn vị phát triển khi giao dự án cho doanh nghiệp phân phối. Mặt khác, thương hiệu cá nhân mạnh sẽ thu hút được nhiều nhân tài về cùng góp sức cho công ty. Doanh nghiệp muốn thành công và phát triển dài hạn không thể phụ thuộc vào một người mà phải là một tập thể giỏi.

Cuối cùng, phải hoạch định chiến lược, kế hoạch cụ thể phù hợp với từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp. Điều này cực kỳ quan trọng, có thể đơn cử như khi mới khởi nghiệp, tài chính còn hạn chế và mối quan hệ chưa sâu rộng, nếu doanh nghiệp tuyển quân rầm rộ sẽ dễ rơi vào tình trạng thu không đủ chi. Hoặc doanh nghiệp có quy mô nhỏ không nên ôm lấy nguồn hàng quá lớn sẽ dễ sa lầy.

Ông Lâm đưa ra lời khuyên: Muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực môi giới thì không nên nóng vội mà cần phải đáp ứng đầy đủ những yếu tố đã nêu trên. Đồng thời, bất động sản là một ngành liên quan mật thiết và dễ bị tác động bởi nhiều yếu tố

vĩ mô như kinh tế thế giới, kinh tế trong nước, các chính sách nhà nước,... Do đó, nếu không chuẩn bị cho mình nền tảng thật vững chắc thì chưa nên nghĩ đến việc khởi nghiệp.

Nguyễn Văn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.