NH ngoại tăng độ phủ
NHNN vừa ban hành văn bản thông báo chấp thuận về nguyên tắc, cho phép NH Woori (Hàn Quốc) thành lập NH 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Nếu được cấp giấy phép, đây sẽ là NH 100% vốn nước ngoài thứ 7 tại Việt Nam. Trước đó, vào tháng 3-2016, NHNN đã cấp giấy phép thành lập NH 100% vốn nước ngoài cho Public Bank Perhad (Malaysia) tại Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1-4 với tên gọi NH TNHH MTV Public Việt Nam với vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng và có thời hạn hoạt động 99 năm.
Các NH phải tăng cường hợp tác, tái cấu trúc, đổi mới hoạt động, tăng khả năng tích lũy, tích tụ để tạo niềm tin cho cổ đông trong và ngoài nước cũng như giữ được thị phần và vị trí của mình trước xu hướng mở cửa và hội nhập quốc tế.
Song song đó, NHNN cũng đã chấp thuận cho NH SinoPac chi nhánh TPHCM tăng vốn 40 triệu USD, từ 25,951 triệu USD lên 65,951 triệu USD, đồng thời hồi tháng 3, NH này cũng đã được NHNN tăng thời gian hoạt động 99 năm. Cùng thời điểm, NHNN đã chấp thuận đề nghị thay đổi mức vốn được cấp đối với NH BPCE International et Outre-Mer chi nhánh TPHCM thêm 15 triệu USD từ 61,708 triệu USD lên mức 76,708 triệu USD. Ngoài ra, NHNN cũng đã chấp thuận về nguyên tắc và đề nghị cấp giấy phép thành lập chi nhánh Hà Nội của NH Nonghyup (Hàn Quốc).
Hồi đầu năm 2016, Citibank cũng cho biết nếu được NHNN chấp thuận, NH này cũng sẽ thành lập NH con 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. NH E.SUN (Đài Loan) cũng từng bày tỏ ý định sẽ phát triển thành NH con 100% vốn nước ngoài tại thị trường Việt Nam sau khi mở chi nhánh đầu tiên tại tỉnh Đồng Nai. Điều này cho thấy các NH nước ngoài đang rất quan tâm đến thị trường nước ta. Theo thống kê của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO đến nay, số lượng chi nhánh NH nước ngoài đã tăng hơn 51,4%. Nếu so với thời điểm NH nước ngoài mới vào Việt Nam với số vốn cổ phần đăng ký từ 15-20 triệu USD, thời hạn hoạt động từ 20-30 năm, hiện nay, vốn cổ phần của các NH ngoại đã tăng gấp nhiều lần.
Trước đây, NH ngoại có xu hướng tìm kiếm các doanh nghiệp (DN) FDI để cấp vốn và tương đối e dè với các DN Việt Nam. Song chiến lược kinh doanh đến nay đã thay đổi, để đa dạng hóa danh mục đầu tư, các NH ngoại cũng đã mở rộng sang các DN nhà nước và các công ty tư nhân có tốc độ phát triển tốt. Mặc dù thị phần của các NH nước ngoài hiện vẫn còn thấp, tuy nhiên với độ phủ ngày càng rộng và thời gian hoạt động lâu dài cùng tiềm lực về vốn và công nghệ, trong dài hạn NH ngoại có thể lấn sân vào thị phần của các NH Việt Nam. Trước đây, NH ngoại chủ yếu tìm kiếm lợi nhuận từ dịch vụ ngoại hối và phí, hiện nay cũng đã tăng cường tăng trưởng tín dụng. Năm 2015, khi NHNN chấp thuận điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tối đa cho 18 NH, trong đó có 4 chi nhánh NH nước ngoài và 1 NH nước ngoài 100% vốn.
Sức ép cạnh tranh
Theo Vụ Hợp tác quốc tế NHNN, khi Việt Nam gia nhập TPP, ngành tài chính - NH cũng phải mở cửa. Về mức độ, các cam kết của Việt Nam trong TPP về cơ bản ngang bằng những cam kết trong WTO như Việt Nam không được phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư đến từ các nước TPP, không được phép áp dụng các biện pháp hạn chế thị trường, như hạn chế về pháp lý… nhưng trong đó có nhiều điểm mới. Đáng chú ý nhất là nếu Việt Nam cho phép các TCTD trong nước cung cấp dịch vụ tài chính mới mà không cần phải xây dựng mới hoặc sửa đổi luật, các NH của các nước tham gia TPP cũng phải được cung cấp dịch vụ như vậy.
Hiện dịch vụ của các TCTD trong nước chưa đa dạng, nếu áp dụng quy định này sẽ đối mặt với áp lực cạnh tranh rất lớn. Cho đến nay, dù các NH ngoại ồ ạt đầu tư tại Việt Nam, các NH trong nước đầu tư ra nước ngoài không nhiều và vẫn chưa có NH nào mang tầm cỡ khu vực. So sánh về quy mô, 3 NHTM lớn nhất trong nước hiện chỉ có quy mô trung bình từ 30-35 tỷ USD trong khi đó, tại các nước như Thái Lan, Indonesia, quy mô các NH lớn gấp đôi con số này. Hơn nữa, chất lượng quản trị cũng ở mức gấp đôi. TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, chia sẻ hiện nay trên thế giới đang ứng dụng NH 3.0. Chẳng hạn, các phòng giao dịch của những NH châu Âu hiện nay tối đa chỉ 7 người, tối thiểu chỉ 1 người. Tất cả các hoạt động đều được điện tử hóa. NH có thể giám sát nợ nần, công quỹ, thẩm định lại các dự án, thẩm định cho vay thông qua hệ thống công nghệ thông tin. Sức mạnh của công nghệ giúp các NH nước ngoài tối ưu hóa lợi nhuận, tiết giảm chi phí rất hiệu quả.
Giao dịch tại AZN.
Để tiến tới phát triển bền vững và an toàn, các NH thế giới cũng đang tiến tới các chuẩn mực Basel III, trong khi đó các NH trong nước chỉ mới bắt đầu thực hiện thí điểm phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II. Trong giai đoạn thí đểm này, các NHTM trong nước rất cần tăng vốn và kỳ vọng lớn nhất của việc tăng vốn cũng như quản trị rủi ro vẫn được đặt vào sự hỗ trợ từ khối ngoại. Chẳng hạn Vietcombank và VietinBank đã đề xuất nâng tỷ lệ room ngoại lên 35-40% để tăng vốn, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn của Basel II. Trong khi đó, các NH đang tái cơ cấu mong muốn một tỷ lệ room ngoại cao hơn từ 49% đến trên 50% để các cổ đông nước ngoài có quyền quyết định, từ đó sẽ tăng cường hỗ trợ về quản trị rủi ro và công nghệ để NH trụ vững khi hội nhập.
Nhìn toàn cảnh, hiện NH Việt Nam chỉ mới có một lợi thế duy nhất là NH nội địa, am hiểu địa phương. Do đó, các chuyên gia cho rằng NHNN nên đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu hệ thống NH đồng thời xem xét nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài ở mức hợp lý hơn để các NH nội thu hút nguồn lực nước ngoài hỗ trợ năng lực tài chính, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu của các NH đến đích nhanh hơn.