Thị trường căn hộ TP HCM chưa thoát khỏi vận đen. Ảnh: Vũ Lê |
Cố cầm cự từ đầu năm đến quý 3/2012 và không còn khả năng tiếp tục "ôm" hàng, ông Ngô Thành Hãn đành hạ giá một sàn căn hộ chung cư tại quận Thủ Đức (TP HCM). Nhà đầu tư này bộc bạch: "Tôi lỗ 10-15% mỗi căn và chấp nhận thương lượng đến 20% để đẩy hàng đi. Trước đây mua sỉ được giá hời, ai ngờ bây giờ lại phải bán tháo để thu hồi tiền mặt".
Ông Tạ Văn Quang cũng vừa bán xong căn hộ hoàn thiện tại dự án chung cư thuộc khu biệt thự Tấn Trường, Nam Sài Gòn với giá dưới vốn 1,5 tỷ đồng. Cuối năm 2010, ông mua căn hộ 2 phòng ngủ này với giá gần 1,6 tỷ đồng, nội thất 200 triệu nữa, vị chi cả suất đầu tư xấp xỉ 1,8 tỷ đồng. Dự tính sẽ bán lại ăn chênh lệch nếu chưa có khách thì cho thuê, song thị trường mỗi lúc một xấu, ông không thể chờ thêm.
"Tiếc rẻ suất đầu tư này nhưng trong lúc cần vốn gấp, vay ngân hàng lại khó khăn, tôi đành chịu lỗ 300 triệu đồng để thu hồi tiền mặt giải quyết việc làm ăn", ông tâm sự.
Tình hình tại Hà Nội cũng không khá hơn là bao. Anh Nguyễn Văn Huy vừa bán một căn hộ ở tầng 12, diện tích 110 m2 tại khu đô thị Trung Văn với giá 21,5 triệu đồng một m2. Chỉ cần đóng nốt 10% là được nhận nhà, anh vẫn phải bán vì không thể vay thêm được tiền, và chấp nhận lỗ hơn 800 triệu đồng. Nhà đầu tư này chia sẻ, anh mua căn hộ đúng thời điểm sốt năm 2010 với giá 29 triệu đồng một m2 và định khi giá lên sẽ bán. Sau đó thị trường gặp “sóng gió” nên giá giảm dần mà vẫn không có khách mua. Trên thị trường, căn hộ ở CT3 Khu đô thị Trung Văn đang được rao bán với mức giá dao động 24-26 triệu đồng một m2.
Cuối năm 2010, vợ chồng anh Hoàng Văn Bình, Cầu Diễn, Từ Liêm bán mấy mảnh đất ông bà cho ở quê và mang tiền lên Hà Nội để làm ăn. “Lúc đó thấy không làm gì lãi bằng buôn đất nên vợ chồng tôi gom hết tiền đầu tư mua một căn hộ hơn 80 m2 ở khu đô thị Mễ Trì Thượng. Tôi nghĩ khu này gần Trung tâm hội nghị quốc gia sẽ có tương lai”, anh Bình kể.
Mua xong thì thị trường đi xuống, không bán được, để lâu giá càng giảm nên 2 vợ chồng anh đành bán cắt lỗ. Nhà đầu tư này mua căn hộ lúc giá cao ngất ngưởng 29 triệu đồng một m2, nay bán 21 triệu đồng. Tổng suất đầu tư anh chịu lỗ trên 600 triệu.
Thị trường chung cư Hà Nội ảm đạm và chịu áp lực bán tháo trong tháng cô hồn. Ảnh: Hoàng Lan |
Chị Đỗ Minh Hồng, nhà đầu tư cho biết chị vừa bán một căn hộ ở dự án nằm trên trục đường Lê Văn Lương kéo dài. Do cần tiền gấp nên không chỉ bán căn hộ với giá thấp hơn thị trường 3 triệu đồng một m2 mà chị Hồng còn tặng khách mua 2% phí bảo trì nhà mà chị đã đóng. “Ở thời điểm này để tìm được một khách mua sẵn sàng chồng tiền đủ không phải là dễ nên chấp nhận lỗ vẫn hơn là chôn tiền ở đó không biết lúc nào mới bán được nhà”, chị Hồng chia sẻ.
Trên các trang web, nhiều nhà đầu tư rao bán đại hạ giá bất động sản, sẵn sàng “gia lộc” cho khách 30 triệu đồng kèm bao phí sang tên.
Không ồn ào giảm giá như một số chủ đầu tư hay các đơn vị mua sỉ bán tháo căn hộ, những nhà đầu tư nhỏ lẻ chọn cách âm thầm hạ giá, đẩy hàng đi nhằm cắt lỗ. Chưa kể đến khoản thuế thu nhập cá nhân từ giao dịch nhà đất, nhà đầu tư nhỏ lẻ đang phải đẩy hàng đi với mức lỗ trung bình 15-25% tùy sản phẩm.
Thống kê của Công ty CBRE, tính đến cuối tháng 8, TP HCM có hơn 18.000 căn hộ còn tồn đọng, sức mua của thị trường căn hộ giảm mạnh và chỉ có phân khúc giá rẻ thu hút sự quan tâm của khách hàng. Nhiều nhà đầu tư thứ cấp hay những người đầu cơ bị ảnh hưởng mạnh bởi kinh tế suy thoái đã phải giảm giá 25% nhằm tạo tính thanh khoản cho tài sản.
Tổng giám đốc Công ty Techcomreal, Nguyễn Xuân Lộc cho biết: "Lúc này nhà đầu tư nhỏ lẻ chịu áp lực cắt lỗ rất lớn do sức ép từ đợt xả hàng tồn, đại hạ giá căn hộ vừa qua". Theo ông Lộc, trong thời gian tới, nhiều khả năng làn sóng giảm giá của nhà đầu tư thứ cấp lại tiếp tục tái diễn khi thị trường căn hộ chưa thể có chuyển biến tích cực.
Trong khi đó, Cố vấn cấp cao của Bộ Tài nguyên Môi trường Đặng Hùng Võ phân tích: "Nhà đầu tư trót ôm nhiều căn hộ gặp đúng thời điểm thị trường đi xuống trong thời gian dài chắc chắn khó tránh cảnh đại hạ giá để đẩy hàng đi. Lúc này buộc phải chấp nhận lỗ nặng".
Ông Võ cho rằng chung cư chịu áp lực bán tháo mạnh hơn các phân khúc khác vì giá trị không quá cao so với đất nền hay biệt thự. Trước đây chung cư được gắn mác cao cấp, chủ đầu tư đua nhau nâng giá, vượt quá khả năng chi trả của nhiều người dân nên nay phải dần trả về giá trị thực.
Theo ông Võ, không nên đặt nặng chuyện bán tháo bởi đó là cách làm thông minh, trong bối cảnh địa ốc khó khăn. "Nếu tiếp tục giữ giá cao, những nhà đầu tư sẽ phải chịu áp lực trả lãi ngân hàng. Trong khi đó, nếu hạ giá, có thể đẩy được hàng nhanh hơn. Thanh khoản của thị trường nhờ đó cũng được cải thiện", ông nói.