28/03/2011 12:48 AM
Nhiều khu vực ngoại thành hoặc giáp thành phố như: Đông Anh, Sóc Sơn, Văn Điển, Chương Mỹ… giá đất đều đang tăng đến chóng mặt. Mỗi lời giới thiệu đều đi kèm với việc đất chỗ này, chỗ kia đã được quy hoạch các dự án khu đô thị mới, trung tâm thương mại, di dời các trường đại học, cao đẳng…

alt

Giá đất ở nhiều khu vực ngoại thành Hà Nội đang tăng chóng mặt


Cơn sốt Ba Vì vừa tạm lắng xuống, bài học nhãn tiền với các nhà đầu cơ bất động sản vẫn còn đang nóng hôi hổi thì một số khu vực ngoại thành Hà Nội như: Sóc Sơn, Đông Anh, Thanh Trì... lại lên cơn sốt mới. Vẫn là kịch bản cũ với việc tin đồn về quy hoạch nhiều dự án ở những khu vực này. Trong thực tế là quy hoạch vẫn chưa được duyệt, các "cò", các đối tượng đầu cơ đã nhanh chóng lợi dụng những tin đồn này để đua nhau "thổi" giá.

Đặt chân đến đầu thôn Xuân Canh, xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, vừa chầm chậm đi xe máy tiến qua cổng làng, ngay lập tức chúng tôi được một "cò" đất đi xe máy vè vè áp sát hỏi han để đưa đi tìm đất. Theo như lời giới thiệu thì "cò" này là người làng Xuân Canh nên biết hết tất cả ngõ ngách, đất cát trong làng.

Theo lời anh ta thì đất ở làng Xuân Canh này còn rất ít mà ngày nào cũng có nhiều người từ bên thành phố sang tìm mua. Nếu do dự thì chỉ vài hôm nữa dù muốn cũng không còn nữa mà mua. Cách đây một tuần đất trong làng là khoảng 25 triệu/m2 nhưng nay đã xấp xỉ 30 triệu, đất ngoài mặt đường đê rộng thì giá cao hơn khoảng 15 triệu/m2.

Vừa nói, tay "cò" vừa chỉ tay ra miếng đất vuông vắn chừng 70m2 đã được xây tường bao gọn gàng dưới chân dốc cho hay, miếng đó là của một người bên thành phố vừa mới được "cò" này giới thiệu mua tuần trước với giá 35 triệu/m2, thế mà giờ lên đến 45 triệu/m2 mà người ta chưa muốn bán vì giá sẽ còn lên nữa.

Anh ta liến thoắng: Sở dĩ giá đất ở đây tăng chóng mặt từng ngày là do theo quy hoạch thành phố hai bên bờ sông Hồng, khu vực làng Xuân Canh này nằm giáp quy hoạch một khu đô thị mới với đầy đủ trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí... Tuy nhiên, khi được hỏi một cán bộ xã Xuân Canh cho chúng tôi biết, giá đất ở khu vực này cũng như các xã lân cận từ khi triển khai dự án cầu Nhật Tân có tăng lên nhưng không đến mức như thế.

Nói về quy hoạch ngay đến cán bộ xã còn chưa rõ, trong khi không hiểu dân tình nghe ở đâu mà giá đất thấy cứ kháo nhau tăng chóng mặt. Cá biệt có những điểm như ở mặt đường lớn giá đất đã lên đến 70 triệu đồng/m2. Giá đất sốt "xình xịch" như thế nhưng thực tế có mấy người mua được đâu.

Theo khảo sát của chúng tôi thì hiện tại nhiều khu vực ngoại thành hoặc giáp thành phố như: Đông Anh, Sóc Sơn, Văn Điển, Chương Mỹ... giá đất đều đang tăng đến chóng mặt. Mỗi lời giới thiệu đều đi kèm với việc đất chỗ này, chỗ kia đã được quy hoạch các dự án khu đô thị mới, trung tâm thương mại, thành phố mở rộng về phía Bắc, phía Nam, di dời các trường đại học, cao đẳng...

Đặc biệt cơn sốt đã tạo ra sóng là ở khu vực Sóc Sơn khi có thông tin mà người dân Sóc Sơn nào cũng truyền tai nhau là thành phố sẽ di dời 25 bệnh viện, 12 viện nghiên cứu, 13 trường đại học, cao đẳng ra khu vực này. Chỉ trong khoảng 1 tháng trở lại đây, giá đất tuỳ vị trí ở nhiều xã của huyện Sóc Sơn như: Phú Minh, Minh Phú, Quang Tiến... đã tăng lên gấp 3, 4 lần. Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội mới chỉ đề xuất di dời trường học, bệnh viện như thế, đồng thời cũng không ấn định vị trí cụ thể nhưng ở Sóc Sơn, đất chỗ nào cũng tăng.

Ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng thì cho rằng những diễn biến của giá bất động sản hiện nay ở các khu vực ngoại thành vẫn chủ yếu đang vận hành theo kiểu "tin đồn", rỉ tai nhau.

Dựa trên cơ sở đồ án quy hoạch Thủ đô vẫn chưa được phê duyệt mà nhiều nhà đầu tư tung tiền tích trữ đất ở các khu vực này, đẩy giá đất lên cao. Giá đột ngột tăng cao, phần lớn do những nhà đầu tư dùng chiêu giả vờ mua bán làm nhiễu thị trường. Thực chất, dân cư trong xã bán đất rất ít. Còn thông tin quy hoạch chỉ là cái cớ để dân đầu cơ bất động sản thổi giá kiếm lời.


Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội thì những quy hoạch xây dựng ở các khu vực ngoại thành hiện mới là chủ trương. Chẳng hạn như việc di dời các trường đại học, bệnh viện, viện nghiên cứu ra ngoại thành ở một số xã thuộc huyện Sóc Sơn mới chỉ là đề xuất của Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội. Ông Tuấn cho biết thêm, đến thời điểm hiện tại, chính các sở còn chưa nắm rõ là sẽ di dời về xã nào, không hiểu người dân lấy đâu ra thông tin về quy hoạch để mà đẩy giá đất lên như thế. Đơn cử như quy hoạch thành phố chung TP Hà Nội đến giờ vẫn chưa được phê duyệt thì làm sao đã có các quy hoạch liên quan khác.

Ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Cường Phát, cho hay, CLB Bất động sản đến giờ chưa thấy bất kỳ hội viên nào giao dịch đất ở khu vực Sóc Sơn lên đến giá 35 triệu đồng/m2. Ngay như dự án của Công ty Cường Phát tại xã Minh Phú, là khu đất đồi đã san lấp, đã làm xong đường nội bộ 5m xung quanh, cách mặt đường quốc lộ 5m trên đường vào sân golf, gần bến xe buýt, sát khu đô thị Phú Thịnh, đã chia lô từ 70-90m2 mà giá chỉ trên dưới 3 triệu đồng/m2, thì làm sao giá đất ở nhiều xã xa hơn, không có hạ tầng lại có giá lên đến 30, 40 triệu/m2 như vậy được.

Tống Thị Lan Anh, Giám đốc Sàn bất động sản Hà Nội Mới thì cho rằng, việc sốt đất ở một số khu vực ngoại thành Hà Nội hiện nay đang có vẻ giống như cơn sốt đất ở Ba Vì theo tin đồn về việc di dời trung tâm hành chính quốc gia cách đây chưa lâu. Việc giá đất tăng chóng mặt ở một số khu vực ngoại thành như thời gian vừa qua đều do các "cò" đất tung tin, làm giá. Thực tế giá được đẩy lên quá cao vẫn chủ yếu là do những người "lướt sóng" mua đi bán lại.


CafeLand - Theo CAND
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland