Trong khi các Trung tâm thương mại đang hoạt động kém hiệu quả thì mới đây, Hà Nội lại tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng 5 dự án Trung tâm thương mại và chợ. Liệu Hà Nội có thay được “áo mới” cho chợ dân sinh?.
Cách đây vài năm, thành phố Hà Nội đã bắt đầu thực hiện chủ trương cải tạo một số khu chợ dân sinh trong nội thành thành những trung tâm thương mại mới, hiện đại với mục đích phù hợp với xu hướng phát triển của thủ đô, đồng thời tạo điều kiện cho các tiểu thương tiếp tục kinh doanh hiệu quả hơn. Sau một thời gian hoạt động, tình trạng vắng khách kéo dài khiến hàng loạt tiểu thương trong chợ phải nghỉ kinh doanh. Trong khi các dự án chuyển đổi này vẫn đang hoạt động kém hiệu quả thì Hà Nội lại tiếp tục cho triển khai các dự án mới.
Nhìn bên ngoài, không ai nghĩ chợ Ô Chợ Dừa là một cái chợ, còn bên trong hiếm khi thấy bóng dáng khách hàng, cả chợ chỉ có 2 ki-ốt đang hoạt động. Một chủ ki-ốt cho biết, trong tháng tới cũng sẽ chuyển đi bởi tình hình kinh doanh ở đây quá ế ẩm.
“Chợ là phải theo mô hình cũ, tức là phải có đầy đủ rau thịt, cá, người tiêu dùng quen rồi, giờ thành trung tâm toàn bán thứ người ta không có nhu cầu nhiều. Khi đi chợ mua thức ăn rồi tiện mua thứ khác luôn chứ không đầy đủ thì vắng khách là đúng”, chị Trần Thị Yến Mai, chủ ki-ốt chợ Ô Chợ Dừa nói.
7 năm nay kể từ khi chuyển đổi mô hình từ chợ dân sinh thành trung tâm thương mại, chợ Ô Chợ Dừa đã ở trong tình trạng ế ẩm, chợ Cửa Nam cũng trong hoàn cảnh tương tự, cho dù Ban quản lý đã dành 1 tầng hầm với mô hình siêu thị để thay thế chợ truyền thống. “Ở đây phải xuống hầm để mua hàng, mọi thứ đắt đỏ nên ít khi tôi mua ở đây…”, bà Lê Thị Phương, Lê Duẩn, Hà Nội cho biết.
Mục tiêu của việc cải tạo, xây dựng chợ thành trung tâm thương mại là nhằm quy hoạch phát triển thủ đô văn minh, hiện đại. Thế nhưng thực tế hiện nay lại cho thấy: Cải tạo, xây dựng được 1 chỗ mới, đẹp đẽ hơn thì lại nảy sinh thêm nhiều nơi nhếch nhác. Ngay cạnh chợ Ô Chợ Dừa mọc lên 1 chợ cóc chiếm hết đường đi; hay chợ tạm Phùng Hưng, nơi kinh doanh tạm của tiểu thương chợ Hàng Da, Hàng Bè và Chợ 19/12 trước đây.
Ông Nguyễn Văn Đồng, PGĐ Sở Công thương Hà Nội cho rằng: “Với một quỹ đất của thành phố hết sức khó khăn, đối với các công trình xây dựng, cải tạo nói chung và các công trình khác nói riêng, chúng ta không thể thoát khỏi quy hoạch chung được. Để đảm bảo mỹ quan đô thị, tôi nghĩ vẫn phải xây dựng theo chợ kết hợp trung tâm thương mại, vấn đề là sẽ phải nghiên cứu lại cách bố trí vị trí chợ và tổ chức hàng hóa phải đầy đủ”.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, các chuyên gia trong lĩnh vực thương mại và xây dựng lại cho rằng, thực hiện chủ trương vào thời điểm này là chưa phù hợp với quy hoạch thủ đô cũng như nhu cầu mua sắm của người dân. Với tình trạng hoạt động kém hiệu quả của các dự án đã triển khai, các chuyên gia đều lo ngại, sẽ là vội vàng nếu Hà Nội tiếp tục triển khai các dự án mới.
Tại một số khu chợ cũ, chủ đầu tư đã biến một phần lớn diện tích thành các văn phòng cho thuê. Nhìn vào thực tế kinh doanh của các chợ đã cải tạo, xây dựng ở Hà Nội có thể hiểu được một chủ trương lớn của thủ đô có thành công hay không. Với những chợ nằm trong kế hoạch sắp tới sẽ cải tạo, xây dựng mới, nếu không tính toán kỹ, không dựa trên nhu cầu thực tế của người dân thì hậu quả lại tiếp tục gây lãng phí, thay vào đó là chợ cóc lại được mọc lên. Và Hà Nội sẽ không bao giờ thay được bộ áo mới cho chợ dân sinh.
Theo Liên Liên (VTV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.