CafeLand - Trong phiên chất vấn tại phiên họp thứ 36 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) đã đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc sử dụng vốn vay ODA.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Trước hết chủ đầu tư

Nhấn mạnh việc năm dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM sử dụng vốn ODA đến nay đều chậm tiến độ, đội vốn lớn, ông Bình đặt câu hỏi về nguyên nhân, trách nhiệm trong quản lý và sử dụng vốn vay ODA và giải pháp thời gian tới.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết trước khi Luật Quản lý nợ công có hiệu lực (1/7/2018), những vấn đề về chủ trương đầu tư, ký kết hiệp định, điều chỉnh dự án, phân bổ dự toán…. đều thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý theo sự phân công của Chính phủ.

Sau khi Luật Quản lý nợ công có hiệu lực, và kể cả sau Nghị định 132 (Nghị định 132/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 16/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài) cũng chỉ có một điều được sửa là Bộ Tài chính là đầu mối đàm phán, ký kết các hiệp định.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, điều này chưa thực sự phù hợp với Luật Quản lý nợ công khi đầu mối quản lý chỉ là chức năng đàm phán, ký kết, trong khi việc đầu tư bao gồm rất nhiều khâu, từ chủ trương đầu tư, giao dự toán...

Hiện nay, một trong những nguyên nhân giải ngân chậm là giao dự toán chậm, giao kế hoạch cũng chậm. Cùng với đó trong quá trình thực hiện lại điều chỉnh dự án, hay những vấn đề nội tại như giải phóng mặt bằng, bố trí vốn đối ứng… làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng vấn đề này cần báo cáo thêm với Chính phủ để có bước phân công hợp lý hơn, nhất là khi triển khai Luật Đầu tư công vừa được Quốc hội thông qua.

Liên quan đến việc chậm tiến độ, đội vốn, Bộ trưởng Tài chính cho rằng đây trước hết là trách nhiệm của chủ đầu tư, sau đó mới là trách nhiệm các bộ ngành có liên quan trong quá trình xem xét, phê duyệt, triển khai dự án.

Năng lực chưa đáp ứng

Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng nguyên nhân chính khiến các dự án đường sắt đô thị ở TP.HCM và Hà Nội đều đang rất chậm tiến độ là do đây là các dự án đường sắt đô thị mà lần đầu tiên Việt Nam thực hiện, nên hiểu biết, kinh nghiệm, năng lực từ tư vấn đến quản lý chưa theo kịp, chưa đáp ứng yêu cầu.

Ngoài ra, đây là dự án rất lớn, phức tạp, có nhiều vấn đề chưa lường hết nên từ lúc phê duyệt cho đến khi triển khai thực hiện đã điều chỉnh tăng vốn rất lớn.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lấy dẫn chứng như tuyến đường sắt đô thị thứ nhất của TP.HCM là tuyến Bến Thành – Suối Tiên đã tăng từ khoảng 17.000 tỉ lên khoảng 47.000 tỉ đồng. Dự án số hai cũng tăng từ 26.000 lên 47.000 tỉ đồng. Dự án của Hà Nội cũng tăng lên khoảng 40.000 – 50.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Dũng cho rằng không nên nói ngay là đội vốn mà thực ra là tính chưa hết, chưa đầy đủ. Theo Bộ trưởng, vì chưa triển khai nên khái niệm đội vốn cũng ở mức độ. Nguyên nhân chính là do không lường hết quy mô, hạng mục của dự án nên phải điều chỉnh lại.

Việc điều chỉnh vốn quy mô lớn của các dự án này đã kéo theo bốn hệ luỵ lớn mà hiện đang phải xử lý là thẩm quyền phê duyệt thế nào, nguồn vốn ở đâu, có vào kế hoạch trung hạn hay không, khả năng cấp phát và vay lại của địa phương.

Về những vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết hiện nay các dự án này đã rõ về thẩm quyền. TP.HCM đang tiến hành thẩm định lại để phê duyệt điều chỉnh lại dự án, trên cơ sở đó thống nhất được với Bộ Tài chính về phương án vay và cấp phát giữa nhà nước và địa phương, nguồn vốn bố trí trong kế hoạch trung hạn cũng đã được cân đối, do vậy có đủ điều kiện để tiếp tục thực hiện thời gian tới. Tuy nhiên phải chờ TP.HCM phê duyệt lại các quyết định điều chỉnh này.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.