Chuẩn bị thu phí 5 tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư
Theo đó, 5 tuyến cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây sẽ được khai thác trong thời hạn 7 năm kể từ ngày bắt đầu thu phí.
Cục Đường bộ Việt Nam được giao tổ chức thu phí đối với các tuyến cao tốc nêu trên sau khi đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định số 130/2024 của Chính phủ. Bên cạnh đó, tổ chức, quản lý thu phí sử dụng đường bộ cao tốc theo quy định của pháp luật hiện hành.
Trước đó, Cục Đường bộ Việt Nam đã đề xuất thu phí 5 tuyến cao tốc này căn cứ vào tiến độ xây dựng trạm dừng nghỉ, hệ thống giao thông thông minh của các tuyến cao tốc.
Trong đó, 4 cao tốc gồm: Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Vĩnh Hảo - Phan Thiết chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Luật Đường bộ nên được đề xuất mức phí thấp nhất là 900 đồng/km với ô tô dưới 12 chỗ và xe tải dưới 2 tấn; mức phí cao nhất với nhóm 4 cao tốc vừa nêu là 3.600 đồng/km với xe tải từ 18 tấn trở lên và xe container từ 40 feet trở lên.
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã đáp ứng đầy đủ quy định về điều kiện thu phí (đường 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp liên tục) nên được đề xuất mức phí thấp nhất là 1.300 đồng/km với ô tô dưới 12 chỗ và xe tải dưới 2 tấn; mức phí cao nhất là 5.200 đồng/km với xe tải từ 18 tấn trở lên và xe container từ 40 feet trở lên.
Theo tính toán của Cục Đường bộ Việt Nam, nếu thu phí 5 cao tốc vừa nêu sẽ nộp về ngân sách mỗi năm khoảng 1.700 tỷ đồng (sau khi trừ chi phí tổ chức thu).
Được biết, hiện nay có 12 tuyến cao tốc do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng. Đối với 7 tuyến cao tốc chưa đủ điều kiện thu gồm: Hà Nội - Thái Nguyên, Lào Cai - Kim Thành, Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan, TP.HCM - Trung Lương, Mỹ Thuận - Cần Thơ (bao gồm cầu Mỹ Thuận 2), Cục Đường bộ Việt Nam đang nghiên cứu để tiếp tục lập đề án khai thác ở giai đoạn sau.
Về phương thức khai thác, theo quy định có 4 phương thức khai thác áp dụng với tài sản kết cấu hạ tầng: Cơ quan quản lý tài sản trực tiếp tổ chức khai thác tài sản hạ tầng giao thông đường bộ; chuyển nhượng quyền thu phí; cho thuê quyền khai thác tài sản; chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản.
Trên cơ sở đánh giá ưu, nhược điểm của từng phương thức và để đáp ứng được tiến độ triển khai thu phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất thực hiện khai thác tài sản đường cao tốc theo phương thức cơ quan được giao quản lý tài sản hạ tầng trực tiếp tổ chức khai thác.
-
Tăng phí dịch vụ sử dụng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang xây dựng Kế hoạch điều chỉnh mức giá dịch vụ sử dụng tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.
-
Từ 1/2/2024, mức thu phí sử dụng đường bộ thế nào?
Nghị định số 90/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2024 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ. Vậy quy định cụ thể thế nào?
-
Vì sao phải thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư?
Theo tính toán, nếu thực hiện thu phí sử dụng đường cao tốc theo mức 1.000 đồng/km/xe thì dự kiến hàng năm sẽ thu được khoảng 2.142 tỷ đồng...







