Tiến sĩ - kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Thanh Niên Online: Là một trong những người tham gia khá sâu sát vào việc góp ý cho quy hoạch thủ đô, ông đánh giá như thế nào về những thay đổi của Hà Nội sau 5 năm mở rộng địa giới hành chính?
TS - kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm: Sau 5 năm mở rộng địa giới hành chính Hà Nội với Hà Tây và H.Mê Linh (Vĩnh Phúc), một số xã thuộc H.Lương Sơn (Hòa Bình), có nhiều điểm khác biệt đáng lưu ý.
Đầu tiên phải kể đến sự thay đổi trong cấu trúc đô thị. Trước đây, cấu trúc chỉ là một đô thị trung tâm thì nay là chùm đô thị với một đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh. Bên cạnh đó, Hà Nội đã có sự xen kẽ giữa hành lang xanh giữa đô thị và vùng nông thôn.
Thứ nữa, trước đây, quy hoạch Hà Nội nông thôn chỉ chiếm rất ít, thì nay lại là một phần lớn và quan trọng của Hà Nội. Đó là điểm đặc trưng thứ hai cần nhấn mạnh, sau 5 năm mở rộng địa giới hành chính.
Nhìn vào các số liệu có thể thấy, nếu như trước đây, Hà Nội có 70% dân cư đô thị thì sau khi mở rộng, tỷ lệ này chỉ còn 40 - 45%, còn lại là nông dân. Việc mở rộng địa giới hành chính còn mang ý nghĩa lớn là tạo ra khoảng cách giữa đô thị trung tâm và đô thị vệ tinh với hành lang, vành đai xanh, có cấu trúc phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội lâu dài thay vì chỉ tập trung đô thị như trước đây.
Cái được thứ ba tôi cho rằng đó là không gian văn hóa. Trước kia, văn hóa Hà Nội là văn hóa Thăng Long, thì khi mở rộng về Hà Tây, Hòa Bình, văn hóa mang nét xứ Đoài, xứ Nam, Hòa Bình. Nghĩa là di sản văn hóa sau khi Hà Nội rộng hơn là tổng thể của nhiều dòng văn hóa khác nhau. Đó cũng được cho là một trong những đặc trưng góp phần làm phong phú thêm yếu tố phong vị của Hà Nội văn minh, văn hiến.
Mô hình quy hoạch tổng thể Thủ Đô Hà Nội sau khi mở rộng địa giới hành chính - Ảnh: Lê Quân
* Bên cạnh những thành tựu, Hà Nội sau khi mở rộng địa giới hành chính còn những vướng mắc gì, thưa ông?
- Tồn tại lớn nhất là việc cụ thể hóa quy hoạch còn chậm và những quy chế chính quyền sau khi sáp nhập Hà Tây về với Hà Nội. Tôi cho rằng cần phải có những quy định đặc thù cho chính quyền đô thị, mặc dù có lo ngại tạo ra “đặc quyền” song có thể phòng ngừa bằng quy định phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Bên cạnh đó, tổ chức quy hoạch của thủ đô chưa bao giờ được thực hiện “nguyên mẫu” mà thường được điều chỉnh cục bộ, có những quy hoạch đã được phê duyệt, xây dựng một phần nhưng vẫn điều chỉnh, nên thường diễn ra hiện tượng xây xong rồi lại sửa.
Sau 5 năm mở rộng địa giới hành chính, lẽ ra cần giảm dân số tại vành đai 1 - khu lõi lịch sử, thì nay chưa giảm được mà còn chờ luật Thủ đô, mà luật này mới chỉ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7 vừa qua. Còn tại khu vực ngoại thành là vành đai 2 và 3, thay đổi địa giới rồi, nhưng cũng chưa có gì thay đổi. Trước kia thế nào nay vẫn vậy, và việc triển khai đôi khi còn chậm chạp.
* Vậy cần phải làm gì để có thể khiến cho phần lớn người hài lòng hơn với quy hoạch thủ đô sau 5 năm mở rộng?
- Tôi cho rằng, cần phải giảm bớt công trình cao tầng trong khu vực nội thành. Việc di dời một số cơ quan, bộ ngành, trường đại học cũng cần được đặt ra cụ thể, chi tiết.
Tuy nhiên, như quan điểm của tôi từ trước đến nay, việc di dời cần phải tính đến những tác động sẽ mang đến vì đây không chỉ là diện mạo đô thị mà còn là vấn đề quá tải với khu vực nội đô. Do đó, các bộ ngành cũng cần có sự thống nhất về vấn đề này.
* Xin cảm ơn ông !
Hà Nội sau mở rộng địa giới hành chính đã nâng tổng diện tích lên 334.470 ha, phía bắc giáp Thái Nguyên và Vĩnh Phúc; phía nam giáp Hà Nam và Hòa Bình; phía đông giáp Bắc Giang; Bắc Ninh và Hưng Yên; phía tây giáp Hòa Bình và Phú Thọ. |