Trong một năm bị ảnh hưởng nặng của dịch bệnh Covid – 19 nhiều công trình hạ tầng giao thông không thể hoàn thành đúng tiến độ. Cafeland chọn ra 5 dự án đáng chú ý đã hoàn thành về đích trong năm qua.

Dự án 500 tỉ đồng chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh

Với chiều dài khiêm tốn chỉ 3,2km, nhưng đường Nguyễn Hữu Cảnh là tuyến giao thông huyết mạch nối quận Bình Thạnh với quận 1, TP.HCM. Đây là tuyến đường có lưu lượng giao thông rất lớn, đặc biệt là vào các giờ cao điểm.

Đường Nguyễn Hữu Cảnh nổi tiếng là rốn ngập ở TP.HCM. Đặc biệt, đoạn gần giao với đường Điện Biên Phủ sau những cơn mưa lớn thường ngập sâu khiến giao thông qua lại vô cùng khó khăn.

Để giải cứu con đường này, tháng 10/2019, dự án sữa chữa, nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh có tổng vốn đầu tư gần 500 tỉ đồng được khởi công xây dựng. Theo đó, con đường sẽ được nâng cấp sửa chữa cải tạo hư hỏng nền đường, mặt đường hiện hữu; cải tạo xây dựng bổ sung hệ thống thoát nước mới song song với hệ thống thoát nước cũ; xây dựng hệ thống chiếu sáng, công trình hạ tầng kỹ thuật và tổ chức giao thông đồng bộ…

Theo kế hoạch ban đầu, dự án này phải thông xe trước Tết Nguyên đán 2021 nhưng chậm tiến độ. Phải đến dịp lễ 30/4 năm 2021 thì mới chính thức thông xe.

Cầu gần 1.000 tỉ đồng nối Nghệ An với Hà Tĩnh

Ngày 14/5/2021, dự án cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam nối hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh có tổng vón đầu tư 950 tỉ đồng đã chính thức thông xe.

Cầu Cửa Hội khởi công từ tháng 2/2019, có tổng chiều dài toàn tuyến là 5,271km nối thị xã Cửa Lò (Nghệ An) với huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) có tổng mức đầu tư 950 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn trái phiếu Chính phủ là 450 tỷ đồng, ngân sách địa phương 500 tỉ đồng (Nghệ An và Hà Tĩnh, mỗi tỉnh 250 tỉ đồng).

Trước khi làm lễ thông xe chính thức, cầu Cửa Hội đã mở cửa cho xe lưu thông qua lại từ trước Tết Nguyên đán 2021.

Cầu Cửa Hội được xây dựng đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân khu vực hai bờ sông Lam. Sau khi công trình hoàn thành sẽ góp phần liên kết các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam Nghệ An với Hà Tĩnh; kết nối cảng Cửa Lò, cảng biển Vissai, cảng DKC và các khu du lịch Cửa Lò (Nghệ An), Xuân Thành (Hà Tĩnh). Dự án cũng góp phần hoàn thiện tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Đường sắt đô thị 18.000 tỉ đồng Cát Linh – Hà Đông

Sáng 6/11, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông chính thức được đưa vào vận hành. Giá vé tàu điện Cát Linh - Hà Đông được tính theo quãng đường di chuyển của hành khách, trong đó tối đa 15.000 đồng/lượt nếu đi toàn tuyến và thấp nhất là 8.000 đồng với quãng ngắn nhất.

Được khởi công từ năm 2011, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông có chiều dài 13,05km đi hoàn toàn trên cao, trên tuyến có tổng cộng 12 nhà ga. Điểm đầu và điểm cuối tuyến ga Cát Linh tại phố Cát Linh (Q. Ba Đình, Hà Nội) và ga Yên Nghĩa (Bến xe Yên Nghĩa, Q. Hà Đông).

Theo kế hoạch ban đầu, dự án này sẽ đưa vào khai thác từ năm 2015 nhưng sau đó liên tục chậm tiến độ và tổng vốn đầu tư cũng bị đội lên rất cao.

Cụ thể, tổng mức đầu tư ban đầu vào năm 2008 là 8.769 tỉ đồng (tương đương 552,8 triệu USD). Đến năm 2017, tổng vốn đầu tư tăng lên 18.000 tỉ đồng (khoảng 868 triệu USD). Dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước.

Cao tốc hơn 12.000 tỉ đồng Trung Lương - Mỹ Thuận

Theo Bộ GTVT, tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đã hoàn thành và sắp được thông xe để phục vụ người dân trong dịp tết Nguyên đán 2022 sắp tới.

Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, khởi công năm 2009, dài hơn 51 km, đi qua 5 huyện của Tiền Giang. Dự án kết nối với cao tốc TP.HCM – Trung Lương tạo nên tuyến giao thông quan trọng kết nối khu vực Tây Nam Bộ với TP.HCM.

Theo kế hoạch ban đầu, dư án sẽ được hoàn thành vào năm 2013, tổng vốn đầu tư lúc bấy giờ là hơn 14.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, dự án chậm tiến độ liên tục, chủ đầu tư bị thay đổi và tổng vốn đầu tư được kéo giảm xuống còn hơn 12.000 tỉ đồng.

Đầu năm 2021, khi dự án chỉ mới hoàn thành được khoảng 77% nhà đầu tư đã phải tổ chức cho thông tuyến để giảm áp lực cho các tuyến giao thông khác vào dịp Tết cổ truyền.

Cao tốc hơn 13.000 tỉ đồng La Sơn - Túy Loan

Cao tốc La Sơn - Túy Loan có chiều dài 77,5 km với mức đầu tư hơn 13.000 tỉ đồng, theo hình thức BT, nối Thừa Thiên - Huế với Đà Nẵng. Dự án có 4 làn xe, mặt cắt ngang rộng 23-24 m, giai đoạn đầu thảm bê tông nhựa 2 làn xe cơ giới, 2 làn dừng đỗ khẩn cấp, đảm bảo phương tiện giao thông chạy với tốc độ 60-80 km/h.

Theo kế hoạch ban đầu dự án cao tốc này sẽ thông xe vào tháng 12/2018 tuy nhiên do nhiều vướng mắc nên chậm tiến độ. Hiện nay, dự án đã hoàn thiện và đang chờ được đưa vào khai thác trong tháng cuối năm 2021.

Nguyễn Văn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.