Dưới đây là 5 lưu ý mà nhà đầu tư cần nắm rõ để giảm thiểu chi phí quản lý bất động sản một cách thích hợp.
1. Tìm và giải quyết nguồn gốc vấn đề
Chi phí quản lý và vận hành tài sản không đột ngột cao bất thường, có nghĩa là chắc chắn phải có nguyên nhân nào đó khiến chi phí gia tăng. Thông thường, nguồn gốc của vấn đề nằm ở một khu vực, hệ thống hoặc thiết bị nào đó đang gặp sự cố và cần bảo trì bảo dưỡng. Vậy giải pháp là phải tìm ra vấn đề và giải quyết nó. Chẳng hạn, vấn đề về đường ống dẫn nước hoặc đồng hồ nước có thể khiến hóa đơn tiền nước đột nhiên tăng vọt.
Tuy nhiên, đôi khi, vấn đề không thực sự nằm ở bất động sản. Thay vào đó, vấn đề có thể là do thiếu dòng tiền dương. Có thể chi phí quản lý tài sản hiện tại của bạn đang ở mức hợp lý nhưng nếu thu nhập cho thuê thấp, thì điều đó có thể khiến bạn lầm tưởng rằng chi phí quản lý tài sản đang ở mức quá cao. Để giải quyết vấn đề này, hãy tính toán lại mức giá thuê phù hợp với bất động sản cũng như chi phí quản lý tài sản hiện tại.
2. Cải tạo và sửa chữa để ngăn chặn các chi phí phát sinh trong tương lai
Đôi khi chi tiêu nhiều cho bất động sản trong ngắn hạn giúp bạn tiết kiệm nhiều hơn trong dài hạn. Nói cách khác, hãy thường xuyên kiểm tra bất động sản và thực hiện sửa chữa cho phù hợp. Phòng tắm và nhà bếp là những khu vực cần thường xuyên kiểm tra. Thỉnh thoảng, bạn cũng có thể cân nhắc thực hiện cải tạo. Cải tạo làm tăng giá trị của bất động sản và bạn có “cớ” để tăng tiền thuê một cách chính đáng. Không những thế, cải tạo còn có thể ngăn chặn các vấn đề bảo trì thông thường.
Bên cạnh đó, một nguyên tắc chung trong quản lý bất động sản là không thay thế thứ gì đó nếu nó có thể sửa chữa được, nhưng cũng đừng ham rẻ khi sửa chữa. Hãy chỉ thay thế một thiết bị hoặc hệ thống nào đó nếu nó ít tốn kém hơn so với việc sửa chữa hoặc nó đã bị hỏng hóc hoàn toàn mà không thể sửa được.
3. Thuê chuyên gia quản lý tài sản nếu cần
Thoạt nghe thì có vẻ điều này khá là vô lý, khi mà bạn đang muốn cắt giảm chi phí quản lý tài sản nhưng lại phải tốn chi phí để thuê một nhà quản lý chuyên nghiệp. Nhưng điều này là sự thật. Một chuyên gia quản lý tài sản có thể giúp bạn cắt giảm phí quản lý trong một số trường hợp.
Nếu bạn đang sở hữu nhiều bất động sản cho thuê những vẫn đang làm một công việc toàn thời gian khác, thì việc quản lý các tài sản có thể đặc biệt mệt mỏi. Hoạt động quản lý và các chi phí cần tính toán sẽ làm cạn kiệt năng lượng của nhà đầu tư bất động sản, điều này cũng có thể dẫn đến sự kém hiệu quả và thậm chí khiến chi phí quản lý gia tăng. Do đó, trong trường hợp này, việc thuê một nhà quản lý tài sản chuyên nghiệp sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Khi đó, nhà đầu tư có thể dành thêm thời gian để nghiên cứu và đầu tư vào các tài sản tiềm năng khác để có thêm dòng tiền.
Thuê nhà quản lý tài sản chuyên nghiệp cũng là một giải pháp hữu ích cho các nhà đầu tư bất động sản mới, khi mà họ chưa quen với hoạt động quản lý tài sản. Thiếu kinh nghiệm quản lý tài sản cũng có thể dẫn đến những sai lầm, và khiến bạn phải chi nhiều hơn để “trả giá” cho những sai lầm của mình.
4. Duy trì liên hệ với người thuê nhà
Duy trì liên hệ thường xuyên với người thuê nhà cũng có thể giúp bạn tiết kiệm phí quản lý tài sản. Quan trọng nhất đó là bạn sẽ không cần phải thay đổi người thuê quá thường xuyên và giảm nguy cơ tài sản bị bỏ trống trong khi vẫn phải chi trả các chi phí quản lý tài sản.
5. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa
Cuối cùng, để cắt giảm chi phí quản lý, hãy thực hiện các biện pháp phòng ngừa, có nghĩa là đảm bảo rằng các chi phí này không cao quá mức ngay từ đầu. Trước hết, hãy chắc chắn rằng bất động sản ở trong tình trạng tốt và không có vấn đề gì quá lớn trước khi mua. Kế đó, hãy sàng lọc người thuê nhà phù hợp nhất với tài sản của bạn. Lý tưởng nhất là người thuê nhà cam kết ở lâu dài mà không gây ra bất kỳ vấn đề nào.
Khi đầu tư bất động sản, chắc chắn bạn không thể tránh khỏi phải tốn một khoản tiền dành cho việc quản lý tài sản. Điều quan trọng là chủ nhà phải duy trì chi phí đó ở mức hợp lý so với thu nhập mà khoản đầu tư đem lại.
-
3 yếu tố quyết định chiến lược đầu tư bất động sản
Việc lựa chọn chiến lược đầu tư bất động sản phù hợp phụ thuộc vào lượng thời gian, kinh nghiệm hiện có và mức độ rủi ro mà bạn sẵn sàng chấp nhận.
-
6 chiến lược đầu tư bất động sản kinh điển cho năm 2024
Bất động sản tiếp tục là một khoản đầu tư hữu ích trong năm 2024, có tiềm năng thu nhập thụ động và tăng giá lâu dài. Đây cũng là một cách thông minh để đa dạng hóa danh mục đầu tư bên cạnh cổ phiếu, trái phiếu và quỹ tương hỗ truyền thống....
-
4 dấu hiệu cho thấy bạn nên dừng giao dịch bất động sản
Trong quá trình giao dịch, nhiều nhà đầu tư bất động sản mới rất ngại việc phải dừng một thỏa thuận mua bán. Dù đã phát hiện ra vấn đề, nhưng phần lớn trong số họ vẫn quyết định tiếp tục giao dịch với tâm lý “được ăn cả, ngã về không”....
-
Căn hộ hàng hiệu hấp dẫn nhờ lợi suất và giá bán tăng
Lợi thế của các căn hộ hàng hiệu là giúp nhà đầu tư đạt mức lợi suất tốt hơn và giá trị chuyển nhượng cao hơn nhờ chất lượng và thương hiệu gắn liền với dự án.