GDP toàn cầu hiện xấp xỉ 70.000 tỷ USD. Tuy nhiên, chỉ 4 nền kinh tế lớn nhất, gồm Mỹ (15.000 tỷ USD), Eurozone (13.000 tỷ), Trung Quốc (7.200 tỷ) và Nhật Bản (5.800 tỷ) đã chiếm tổng cộng 41.000 tỷ USD, tức tương đương gần 60% GDP toàn cầu. Vì thế, có thể nói rằng, những nền kinh tế này đi đâu thì thế giới đến đó. Vậy bộ tứ đại này đang thể hiện được gì? Không thực sự tốt. Hãy xem Tạp chí danh tiếng Forbes đang xem xét và đưa ra triển vọng cho mỗi nền kinh tế này như thế nào?
Mỹ
Thất nghiệp vẫn duy trì tỷ lệ trên 8% trong 41 tháng liên tiếp, tính đến tháng 6/2012. Mức trung bình dài hạn (từ tháng 1/1948) là 5,8%. Mức cao nhất trong thời gian này là 10,8% của tháng 11 và 12 năm 1982. Mức thấp nhất là 2,5% trong tháng 5 và 6 năm 1953. Trong cùng thời gian đó, kinh tế Mỹ đã trải qua 11 cuộc suy thoái và giờ đang đứng trước nguy cơ lần thứ 12. Chừng nào tỷ lệ thất nghiệp còn cao thì kinh tế Mỹ sẽ còn nguy hiểm. GDP vẫn đang lẹt đẹt ở mức 1,5%, và mặc dù không có chiều hướng giảm như GDP của châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản, nhưng mọi thứ vẫn không có vẻ hứa hẹn gì trong ngắn hạn.
Triển vọng: Kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm và có khả năng rơi vào suy thoái.
Châu Âu
Châu Âu có rất nhiều thách thức. Bên cạnh vấn đề về nợ công đã rất rõ ràng, việc thiếu vắng sự thống nhất về tài khóa có thể trở thành trở ngại lớn nhất. Hiện tại, mỗi nước thuộc châu Âu đều có thể chi tiêu theo ý muốn mà không cần đến sự chấp thuận từ một cơ quan trung ương nào. Ranh giới về ngôn ngữ cũng là một vấn đề, dù nhiều quốc gia châu Âu sử dụng đa ngôn ngữ.
Tỷ lệ thất nghiệp của khu vực này là 11,1% và GDP thì “giậm chân tại chỗ”. Trước mắt, châu Âu đang kề mép suy thoái. Tỷ lệ thất nghiệp của Tây Ban Nha đang ở mức “sửng sốt” với 24,63%, Hy Lạp là 22,6%, Bồ Đào Nha và Ai Len 14,9% và Ý là 10,1%.
Tuần qua, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), ông Mario Draghi đã tuyên bố sẽ cứu đồng euro bằng bất cứ giá nào. Các thị trường đã phản ứng hân hoan như “trẻ được kẹo” trước tuyên bố này. Tuy nhiên, cho đến khi nào có hành động cụ thể, đừng hy vọng vào bất cứ điều gì. Bạn không thể chỉ đơn thuần “chém gió” thôi là có thể xua đi được đống nợ. Sẽ phải có sự đau đớn. Khi các thị trường nhận ra điều này, chúng hoàn toàn có thể… chúi đầu lao dốc.
Triển vọng: Với nợ nần chồng chất và thiếu sự thống nhất về tài khóa, khu vực đồng euro cũng như cả châu Âu sẽ cần thêm khá nhiều thời gian để có thể phục hồi. Trước mắt, tình hình sẽ còn xấu hơn.
Trung Quốc
Nền kinh tế Trung Quốc đã giảm tốc trong nhiều tháng qua. Giả định các số liệu đưa ra là đáng tin cậy, tỷ lệ thất nghiệp là rất thấp với 4,1%. Tăng trưởng GDP đạt đỉnh năm 2010 ở mức 11,9% rồi rơi vào xu hướng ngày càng giảm. Năm 2010, Trung Quốc đã trở thành nước xuất khẩu lớn nhất thế giới. Lẽ thường, Trung Quốc chịu ảnh hưởng đáng kể từ các nền kinh tế Mỹ và châu Âu. Với kinh tế Mỹ và châu Âu đang chậm lại, xuất khẩu của Trung Quốc sẽ giảm và tăng trưởng kinh tế sẽ khó khăn. Trung Quốc cũng sẽ đối mặt với những thách thức rất lớn về kết cấu hạ tầng khác.
Triển vọng: Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới (sau Mỹ và châu Âu) sẽ tiếp tục giảm tốc cho đến khi Mỹ và châu Âu có dấu hiệu hồi phục.
Nhật Bản
Với tổng diện tích lãnh thổ không rộng bằng bang California của Mỹ, và dù bị sa lầy vào hai thập kỷ giảm phát, Nhật Bản vẫn là nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới. Điều này xuất phát từ nhân tố chính là sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ sau Thế chiến II sang mô hình dựa vào công nghệ, cộng với một niềm tin mạnh mẽ vào công việc. Tuy nhiên, nền kinh tế Nhật Bản vẫn trì trệ từ những năm đầu thập kỷ 1990. Dù chưng diện một tỷ lệ thất nghiệp ấn tượng, 4,4%, GDP vẫn tăng trưởng rất yếu với chỉ 1,2%.
Nhật cũng đang đối diện với nhiều thách thức, trong đó có việc tái thiết lại đất nước sau thảm họa động đất – sóng thần năm 2011. Dù vậy, GDP của Nhật đang tăng trưởng và đã vượt qua mức đỉnh năm 1996. Nếu không bị tàn phá bởi thảm họa thiên nhiên, có lẽ, Nhật Bản sẽ thoát được ra khỏi bẫy giảm phát. Song Nhật cũng có một vấn đề khác nữa là có tỷ lệ nợ trên GDP cao nhất thế giới với trên 200%. Vì thế, chả biết nước này còn có thể duy trì mức nợ cao và chính sách “lãi suất bằng không” được bao lâu.
Triển vọng: Kinh tế Nhật sẽ không có gì mới cho tới khi nào châu Âu và Mỹ bắt đầu hồi phục.
Tóm lại
Ngày nay, tất cả các nền kinh tế đều liên kết với nhau ở những chừng mực nhất định. Triển vọng của nền kinh tế này tuỳ thuộc vào tương lai của nền kinh tế khác. Các chính phủ càng công kềnh thì càng cần nhiều tiền hơn (như thuế) để chi tiêu, và khu vực tư nhân càng yếu hơn. Tăng trưởng là chìa khóa và khu vực tư nhân là ụ khóa của cánh cửa dẫn đến thịnh vượng. Để mở cảnh cửa đó, mỗi chính phủ phải tạo ra được một môi trường thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh.