10/09/2013 7:47 AM
Các chuyên gia kinh tế cảnh báo gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đang chệch hướng, chuyển sang hỗ trợ chủ yếu cho doanh nghiệp nhiều hơn cho người tiêu dùng. Điều đó sẽ làm gia tăng khối bất động sản (BĐS) ế...

Mục tiêu xa dần

Đến thời điểm này, những hy vọng gói tín dụng 30.000 tỷ đồng góp phần giải cứu thị trường BĐS, giúp số đông người thu nhập thấp có nhà ở gần như ngày càng xa vời. Chính Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã khẳng định:

Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng không phải để cứu bất động sản, mà để tăng cầu về kinh tế, giúp người thu nhập thấp có nhà ở. Vì thế, không thể giải ngân nhanh mà phải từ từ, đúng đối tượng, trong năm nay cố gắng giải ngân được 5.000 tỷ đồng là đáp ứng yêu cầu...

Các đối tượng có nhu cầu thực sự về nhà ở vẫn không tiếp cận được gói tín dụng 30.000 tỷ đồng (ảnh minh họa).

Trên thực tế, dư luận tỏ ra nghi ngờ bởi ngay thời điểm này, khi đã có hàng trăm tỷ đồng được giải ngân cho doanh nghiệp thì số lượng cá nhân được tiếp cận nguồn vốn cũng rất hạn chế bởi một lẽ đơn giản là nguồn cung nhà ở vẫn đang thiếu trước, hụt sau trong khi thời gian còn lại của gói tín dụng này chỉ còn 15 tháng.

Ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành (TP.HCM) khẳng định: Gói 30.000 tỷ đồng rõ ràng không nhắm vào hàng tồn kho, bởi hàng tồn kho chủ yếu là ở các dự án đang dở dang, không thể nào tiếp cận được nguồn vốn này. Trong khi đó, nhiều dự án mới (không phải hàng tồn kho) lại được tiếp cận với gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng và rầm rộ khởi công thời gian qua.

Cụ thể, Bộ Xây dựng cho biết đã có 50 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, với quy mô khoảng 34.000 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 20.000 tỷ đồng.

Chệch hướng?

“Theo tính toán của tôi thì mỗi hồ sơ được vay tối đa 300 triệu đồng, căn hộ có giá khoảng 800 triệu đồng, như vậy cá nhân phải có 500 triệu. Nếu tôi có 500 triệu, tôi sẽ không nghĩ tới nhà xã hội” - anh Nguyễn Anh Đức (Ba Đình, Hà Nội), một người lao động có nhu cầu mua nhà ở xã hội chia sẻ.

"Nếu chúng ta làm không khéo, chồng chéo trong thủ tục thực hiện chính sách hoặc sự vô lý trong chính sách thì đây sẽ là chuyện trên giấy” .
Ông Đặng Hùng Võ

Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng: Với quy định như hiện nay, rõ ràng là cho vay doanh nghiệp thuận tiện hơn so với cho vay khách hàng cá nhân.

Như vậy, sẽ dẫn đến 2 tình huống: Tiếp tục chấp nhận để chính sách chậm đi vào thực tế hoặc đề xuất hoán đổi mục tiêu 70% cho vay doanh nghiệp, 30% cho vay cá nhân để dễ hoàn thành nhiệm vụ đề ra. Nếu theo xu hướng thứ hai, gói 30.000 tỷ đồng dễ đi chệch hướng vì nguồn cung tiếp tục tăng lên trong khi cầu không được chú trọng, tiếp tục tái diễn tình trạng dư thừa của thị trường bất động sản.

GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT từng cảnh báo về nguy cơ gói 30.000 tỷ đồng đi chệch hướng và cho rằng chính sách “đang không thực sự ủng hộ người nghèo”. “Nếu chúng ta làm không khéo, chồng chéo trong thủ tục thực hiện chính sách hoặc sự vô lý trong chính sách thì đây mãi là chuyện trên giấy mà thôi” - ông Võ bày tỏ.

Phương Hà (Dân Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.