Loạt dự án được công bố với tổng mức đầu tư cả nghìn tỷ đồng đang ì ạch nhiều năm làm xấu bộ mặt đại đô thị lớn nhất cả nước.

TP HCM, đô thị lớn nhất cả nước những năm qua đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc cả về kinh tế và xã hội, cùng với đó bộ mặt đô thị hiện đại đã và đang hình thành. Tuy nhiên, điểm xuyết vào bức tranh chung rực rỡ đó lại là những “điểm đen” được tạo ra bởi một số dự án “bất động”.

Loạt dự án nghìn tỷ tại TP.HCM trải qua quá trình chuyển nhượng

Loạt dự án nghìn tỷ tại TP.HCM trải qua quá trình chuyển nhượng "lòng vòng" nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành

Mới đây, khi “không thể chờ đợi được nữa” lãnh đạo thành phố đã tiếp tục thúc tiến tiến độ Dự án tháp SJC ở khu tứ giác Lê Lợi-Nam Kỳ Khởi Nghĩa-Lê Thánh Tôn-Nguyễn Trung Trực, quận 1 "đắp chiếu" hơn 15 năm qua.

Được biết, với mức đầu tư 1.500 tỉ đồng, dự án Tháp SJC được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều hình ảnh tích cực về xây dựng cho TP HCM. Tuy nhiên sau nhiều năm, dự án chưa có dấu hiệu thi công và chưa được phát huy đúng công năng. Trước đây, vào năm 2005, dự án Tháp SJC được quy hoạch gồm 6 tầng hầm, 54 tầng cao với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng, tổng diện tích 3.805 m2. Chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC).

Khu đất xây dựng dự án cũng chính là nơi tọa lạc của Trung tâm thương mại quốc tế ITC trước đây. Trung tâm thương mại ITC là nơi xảy ra vụ hỏa hoạn kinh hoàng vào năm 2002 khiến 60 người thiệt mạng. Đến năm 2007, dự án Tháp SJC được chuyển cho chủ đầu tư mới là Công ty CP Sài Gòn Kim Cương. Đây là công ty liên doanh do nhiều công ty góp vốn sở hữu, trong đó Công ty SJC sở hữu 40% vốn điều lệ, còn lại là các doanh nghiệp khác.

a

Dự án SJC Tower trong tình trạng "trùm mền" nhiều năm qua

Đối với dự án này, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong từng nhận định “dự án Tháp SJC là một trong 3 dự án bất động sản nằm ở trung tâm quận 1 làm “xấu” bộ mặt thành phố”. Từ sau khi được phê duyệt dự án Tháp SJC cũng chỉ là một bãi đất trống được quây kín bằng hàng rào tôn.

Điều khiến dư luận băn khoăn là trong khi dự án tháp JSC “án binh bất động” suốt nhiều năm liền và được giao cho công ty Nhà nước thực hiện nhưng thời gian qua lại liên tục diễn ra việc chuyển nhượng cổ phần của các công ty tư nhân.

Một dự án đình đám không kém tại TP HCM là Saigon One Tower khi có vị trí đắc địa trên đường Tôn Đức Thắng giao với đường Võ Văn Kiệt, quận 1. Công trình dự kiến bao gồm hệ thống trung tâm thương mại hiện đại, trụ sở văn phòng và căn hộ cao cấp đạt chuẩn quốc tế.

Khởi công từ năm 2009, dự kiến hoàn thành trong năm 2011, tổng vốn ban đầu của Saigon One Tower lên tới 256 triệu USD (hơn 5000 tỉ đồng). Đến thời điểm ngừng thi công vào cuối năm 2011, khoảng 80% khối lượng công việc tại đây đã hoàn thành, sau đó dự án đã bị đình trệ nhiều năm.

Trong các

Trong các "điểm đen" làm xấu bộ mặt đô thị TP HCM thì không thể không nhắc đến cái tên Saigon One Tower

Được biết, vào khoảng giữa năm 2018 Công ty Quản lý Tài sản – VAMC đơn vị thu giữ dự án Saigon One Tower đã ra thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá công trình và quyền khai thác công trình này với giá khởi điểm dự kiến của khối tài sản là 6.110 tỷ đồng.

Đến thời điểm cuối năm 2020, một công ty có vốn điều lệ chỉ 300 triệu đồng là Công ty cổ phần Di sản quốc tế Hồ Tràm đã đăng ký tiếp tục đầu tư hoàn thiện dự án Saigon One Tower.

Một dự án khác không thể không “điểm danh” là dự án tại Khu đất số 2 – 4 – 6 Hai Bà Trưng (quận 1) vốn đã là tâm điểm của dư luận thời gian qua.

Có vị trí

Có vị trí "kim cương" nhưng dự án tại 2-4-6 qua nhiều "động tác" chuyển nhượng lòng vòng đến nay vẫn đang bế tắc

Có diện tích hơn 6.000m2, với 4 mặt tiền giáp đường Hai Bà Trưng, Đông Du, Thi Sách và Công Trường Mê Linh, khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé, quận 1 được xem là khu đất “kim cương” hiếm hoi còn sót lại nằm giữa trung tâm thành phố Hồ Chí Minh và từng được kỳ vọng trở thành điểm nhấn với cao ốc phức hợp trung tâm thương mại, khách sạn 6 sao...

Đến nay, Công ty CP Đầu tư quảng trường Mê Linh (tiền thân là Sabeco Pearl) DN 100% vốn tư nhân là đơn vị đứng tên quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng. Sabeco Pearl được thành lập trên cơ sở góp vốn của 4 đơn vị gồm Sabeco, Công ty Đầu tư Mê Linh, Công ty CP Attland và Công ty CP Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hà An.

Sabeco Pearl được thành lập để triển khai đầu tư dự án khu thương mại văn phòng cao cấp tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng. Năm 2016, Sabeco đã thanh lý toàn bộ cổ phần sở hữu trong Sabeco Pearl cho Attland. Sau đấu giá, Attland đã nắm 49% cổ phần tại Sabeco Pearl, 51% còn lại được chia đều cho Công ty Hà An và Công ty Mê Linh. Đến tháng 10/2016, Sabeco Pearl đã đổi tên thành Công ty cổ phần Đầu tư Quảng trường Mê Linh.

Sau nhiều lần chuyển nhượng, khu đất 2–4–6 Hai Bà Trưng từ tài sản nhà nước đã về tay tư nhân và đến nay vẫn là một khu 'đất vàng' nằm hoang sơ, trơ trọi giữa trung tâm TP HCM. Điều đáng nói đây không phải là mảnh 'đất vàng' duy nhất của Sabeco được tư nhân hóa./.

  • TTCP chỉ ra sai phạm đất vàng quận 1, người dân nói gì?

    TTCP chỉ ra sai phạm đất vàng quận 1, người dân nói gì?

    Cafeland - Sau khi Thanh tra Chính phủ (TTCP) ra văn bản kết luận những sai phạm tại khu đất 34, 36 – 42 Chu Mạnh Trinh và 33 Nguyễn Du (phường Bến Nghé, quận 1), người dân nơi đây bày tỏ mong vụ việc nhanh chóng được giải quyết để sớm ổn định cuộc sống.

Lê Sáng (Enternews)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.