Bốn lần làm trái chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ
Ngày 2/12/2020, Thanh tra Chính Phủ đã ban hành văn bản kết luận những thông tin phản ánh của báo chí và khiếu nại của người dân về sai phạm tại dự án bất động sản số 33 Nguyễn Du và 34 – 36 – 42 Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM).
Theo đó, TTCP khẳng định, Tổng công ty Lương thực miền Nam Việt Nam (Vinafood 2) đã bốn lần làm trái chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại khu đất nói trên.
Vinafood 2 bốn lần làm trái chỉ đạo của Thủ tướng tại khu tập thể 34 – 36 – 42 Chu Mạnh Trinh và 33 Nguyễn Du (phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM)
Văn bản của TTCP nêu rõ, Vinafood 2 đã không thực hiện phương án sắp xếp lại 4 cơ sở nhà, đất; không lựa chọn được đối tác bảo đảm đủ năng lực thực hiện dự án; thực hiện thoái vốn không chặt chẽ; không thực hiện lập phương án bồi thường, hỗ trợ di dời 34 hộ dân.
Hiện nay, khu tập thể này còn 30/34 hộ dân sinh sống, với trên 150 nhân khẩu. Đa phần người dân nơi đây là cán bộ công nhân viên qua các thời kỳ của Vinafood 2.
Ngoài ra, một loạt những sai phạm trong việc quản lý, sử dụng sai mục đích khu đất dự án nói trên của Vinafood 2 cũng được chỉ rõ. Trong đó, nổi bật là việc Vinafood 2 “bắt tay” với tư nhân, Công ty TNHH Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân (Công ty Việt Hân) thành lập liên doanh Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Xây dựng Việt Hân Sài Gòn (Công ty Việt Hân Sài Gòn).
Trong liên doanh này, Vinafood 2 bốn lần chuyển nhượng vốn góp, lợi dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BB971073 (cấp cho Công ty Việt Hân Sài Gòn) để vay vốn ngân hàng trái pháp luật.
Không những vậy, dự án bất động sản cao ốc văn phòng và tòa nhà khách sạn đã không được Vinafood 2 triển khai thực hiện. Thay vào đó, đơn vị này sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên để thế chấp đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho 4 công ty thành viên vay ngân hàng; lập nhiều hồ sơ vay bằng dự án đầu tư khống trong khi thực tế không tồn tại dự án, không có thủ tục xin lập dự án, không có phê duyệt dự án của cơ quan có thẩm quyền.
Từ việc phát hiện những sai phạm nghiêm trọng tại dự án kể trên, TTCP cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP. HCM trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc và giám sát các đơn vị liên quan xử lý và khắc phục hậu quả để thu hồi tài sản của nhà nước bị thất thoát.
Người dân nói gì?
Theo tìm hiểu, khu tập thể này là khu nhà ở của cán bộ công nhân viên Vinafood 2. Nhiều ngôi nhà tại đây là nơi tá túc của gia đình 3, 4 thế hệ.
“Nghe tin có Kết luận thanh tra là mừng trước đã… Nhưng có kết luận thanh tra vậy rồi khi nào mới giải quyết? Chúng tôi chỉ mong muốn Nhà nước sớm có động thái cụ thể, giải quyết cho chúng tôi sớm ổn định cuộc sống. Chúng tôi khổ quá rồi”, bà Trần Thị Bạch Huệ (72 tuổi) cho biết.
Bà Hoa (áo trắng) và bà Huệ, đại diện cho những người dân khu tập thể nói lên nguyện vọng.
“Đâu phải chúng tôi cố chấp không đi. Chẳng qua công ty Việt Hân Sài Gòn ép người quá đáng. Lần đầu tiên họ gặp chúng tôi thương lượng, nói đền bù 60 triệu/m2. Lần thứ 2 là 90 triệu. Lần gần nhất là 105 triệu/m2. Ai đời đất vàng giữa trung tâm quận 1, họ đền bù bằng cái giá rẻ mạt…thì làm sao chúng tôi chịu được?” – bà Huệ nói.
Tiếp lời người hàng xóm, bà Nguyễn Thị Hồng Hoa (60 tuổi), bức xúc: “Đi không được, ở cũng không xong. Ở đây trời mưa dột ướt, nước ngập lênh láng, nhớp nháp. Chúng tôi xin tu sửa, cải tạo chỗ ở của mình, chính quyền địa phương cũng không cho, thành ra cứ mãi tạm bợ thế này, cực khổ vô cùng”.
Người dân khu tập thể trên trong một lần làm việc với báo chí
Theo bà Huệ và bà Hoa, những người dân nơi đây đều có chung nguyện vọng là được giải quyết sớm. Bà Huệ nhấn mạnh, có những người đã dành mấy chục năm đấu tranh vì nguyện vọng chính đáng này, từ khi khỏe mạnh cho đến lúc ngã xuống nhưng nguyện vọng ấy vẫn chưa thành hiện thực.
“Ông Võ Văn Kháng chồng tôi lên tiếng từ khi còn khỏe mạnh, giờ nằm một chỗ rồi. Nhưng cũng còn may hơn những trường hợp đã không còn được thấy ngày hôm nay. Chúng tôi chỉ mong nhà nước giải quyết sớm. Ở lại thì cho phép chúng tôi tu sửa, cải tạo nhà ổn định cuộc sống. Hóa giá cũng được. Còn nếu thu hồi làm dự án chúng tôi sẵn sàng đi, miễn là đền bù, hỗ trợ chúng tôi hợp lý. Người dân có đòi hỏi gì nhiều đâu. Nhưng ít nhất chúng tôi cũng phải mua được một căn nhà đàng hoàng ở chỗ khác mới đi được chứ!” – bà Huệ bày tỏ.