CafeLand - Tính đến thời điểm 26/12, cả nước có 2.556 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp phép đầu tư với vốn đăng ký đạt 15 tỷ USD, tăng 27% về số dự án nhưng giảm 2,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015, theo Tổng cục Thống kê.

Giải ngân vốn FDI trong năm 2016 ước tính đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2015

Bên cạnh đó, có 1.225 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng thêm đạt 5,7 tỷ USD, tăng 50,5% về số dự án và giảm 19,7% về vốn tăng thêm. Như vậy, tổng cộng có 20,947 tỷ USD vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm vốn rót vào Việt Nam trong năm nay, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, trong năm 2016 còn có 2.547 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần (với tỷ lệ vốn lớn hơn 50% vốn điều lệ hoặc thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện) với tổng vốn đầu tư là 3,4 tỷ USD. Tính chung tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần trong năm 2016 đạt 24,3 tỷ USD, tăng 7,1% so với năm trước.

Giải ngân vốn FDI trong năm 2016 ước tính đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2015, đạt mức giải ngân vốn FDI cao nhất từ trước đến nay.

Phân theo lĩnh vực, công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 9,8 tỷ USD, chiếm 64,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,5 tỷ USD, chiếm 10,1%; ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 367 triệu USD, chiếm 2,4%; các ngành còn lại đạt 3.480 triệu USD, chiếm 22,9%.

Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với 5,5 tỷ USD, chiếm 36,3% tổng vốn đăng ký cấp mới, tiếp đến là Singapore và Trung Quốc chiếm lần lượt 10,5% và 8,3%.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.