Từ những lời rao bán: “kẹt tiền bán gấp nền dự án trung tâm quận 9 với giá 20 triệu đồng 1 mét vuông”; “Chủ đất cần tiền bán rẻ đất nền dự án Đông Dương quận 9, dự án Phú Hữu 1.380.000.000 đ”; … kèm số điện thoại:
Thấy điều lạ vì giá rẻ hơn giá đất thị trường tại khu vực này, nên chúng tôi lần đến khu dự án Đông Dương, thuộc đường Bưng Ông Thoàn, phường Phú Hữu, Q. 9 (TP. HCM) để tìm hiểu.
Đường dẫn vào khu dự án được người dân mua nền ở đây tự mở để đi.
Đường dẫn vào khu dự án bị cụt nên chúng tôi phải đi vòng theo con đường đất đá người dân tự mở. Quanh khu vực có vài tấm biển của một số cá nhân, đơn vị rao bán “Dự án Đông Dương”. Thấy khoảng 10 người đang sửa đường, chúng tôi hỏi thăm: “các anh sửa đường cho công ty hả?”, một người dân vui vẻ đáp: “không anh ạ, người dân chúng tôi tự sửa để đi thôi. Đây là đường tự mở chứ dự án có đường vào đâu.”
Khu dự án có vài chục căn nhà đã được xây dựng hoàn thiện và một vài căn nhà đang được xây dựng. Phía trước những căn nhà đang xây có treo tấm biển thông tin, nhưng không có hạng mục giấy phép xây dựng.
Anh Công Minh, một người dân sống ở đây cho biết: “Dự án này không có nước nên chúng tôi phải tự khoan giếng để dùng, điện thì người dân phải câu ké từ dự án bên cạnh, và không có giấy tờ gì. Ai muốn xây nhà thì đóng cho công ty Đông Dương 20 triệu…”
Một công ty môi giới treo biển bán nền dự án.
Liên hệ số điện thoại trên tấm biển rao bán nền của dự án này, PV được biết: "Giấy tờ ký với công ty, sau khi xây nhà xong thì công ty sẽ hỗ trợ làm giấy tờ nhà cho người dân. Giá ở đây 19,5 triệu đồng một mét vuông, mỗi nền có diện tích 5m x 20 m. Còn anh muốn an toàn thì mua dự án của Sở văn hóa bên cạnh, với giá 37 triệu đồng mét vuông. Tiền nào của nấy.”
Ông Nguyễn Văn Thư, một cựu chiến binh sống tại quận 9, Đại biểu Hội đồng nhân dân phường Phước Bình, trăn trở: “Địa điểm dự án nằm ngay trung tâm quận, khu vực có nhiều dự án đô thị văn minh phát triển như Nam Long, Gia Hòa, … đặc biệt, ở đây cách nhà Bí thư quận 9 chưa tới 1000m, vậy tại sao nó vẫn tồn tại được 15 năm qua, thật không hiểu nổi?”
Nhà xây dựng phần lớn là không phép.
Tìm hiểu thông tin chúng tôi được biết, đây là dự án xây dựng nhà ở liền kề được UBND TP. HCM phê duyệt năm 2003 cho Công ty cổ phần Đông Dương làm chủ đầu tư. Đến nay, sau 15 năm, dù đang thuộc diện “3 không” (không nước, không điện, không đường vào) và đặc biệt việc đền bù, giải phóng mặt bằng chưa hoàn tất, nhưng chủ đầu tư đã bán cho người dân.
Riêng nhiều hộ gia đình nằm trong diện quy hoạch để lấy đất cho dự án thì rơi vào cảnh khốn đốn, hàng ngàn m2 đất bị bỏ hoang, lãng phí trong khi người dân không có đất để canh tác, ổn định cuộc sống.
Được biết, việc mua, bán thực hiện bằng hình thức ký kết “Hợp đồng góp vốn đầu tư xây dựng khu nhà ở” (giai đoạn 2002) và “Hợp đồng hợp tác đầu tư” (giai đoạn 2009). Ngay khi ký hợp đồng, khách hàng đã nộp cho Công ty Đông Dương 70% giá trị nền đất.
Khách sẽ thanh toán tiếp cho chủ đầu tư 20% giá trị hợp đồng khi có quyết định giao đất của UBND TP HCM và tất toán 10% giá trị còn lại của hợp đồng khi nhận nền. Đơn giá đất do Công ty cổ phần Đông Dương bán từ năm 2002 đến năm 2009 là từ 1,8 triệu đồng đến 2,9 triệu đồng một m2 (tuỳ thuộc vào vị trí và diện tích).
Một số khách hàng đã mua lại từ nhà đầu tư khác với giá chênh lệch cao hơn từ 3,5 đến 4,5 triệu đồng mỗi m2, nay, tiếp tục được chào giá 19 – 20 triệu đồng mỗi mét vuông.
Trong hợp đồng ký với tất cả các khách hàng, Công ty Đông Dương cam kết sẽ hoàn tất thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khách mua trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày ký.
Song đến hẹn, khách không được nhận nền, chủ đầu tư luôn viện dẫn cùng một lý do là đang hoàn thiện thủ tục pháp lý dự án, san lấp mặt bằng để bước sang khâu thi công hạ tầng.
Theo luật sư Thái Văn Chung, Giám đốc hãng Luật Nguyên Giáp: Trên cơ sở quy định của luật đất đai và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai thì tất cả đều sai phạm: từ quận xuống phường, từ chủ đầu tư đến những người dân làm chủ đất và cả những cá nhân ký hợp đồng, thỏa thuận góp vốn đầu tư kinh doanh. Tất cả các chủ thể trên đều không tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về kinh doanh nên đã dẫn đến hệ quả là đất bỏ hoang hóa, lãng phí, hạ tầng nhếch nhác. Nhà đầu tư thì mắc kẹt với hợp đồng còn chủ đầu tư thì đã thu tới 70% giá trị tiền góp vốn trước đây. Với 30% còn lại theo hợp đồng thì không đủ để thực hiện bất cứ việc gì khi giá đất đã lên cao như hiện nay. |