Nhiều dự án nhà ở tại TPHCM người dân mua đất làm nhà cả chục năm, các nghĩa vụ tài chính đối với chủ đầu tư cũng đã hoàn tất nhưng vẫn chưa được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất (sổ hồng). Nguyên nhân do các quy định cứng nhắc cũng như sự chây ì của không ít chủ đầu tư.

Ở trọ nhà mình

Cách đây hơn 10 năm, anh Trần Đình Hải (quận Bình Thạnh) mua một nền đất của Công ty Phát triển nhà Bình Thạnh trên đường Bùi Đình Túy bằng hình thức hợp đồng góp vốn. Sau đó anh Hải tiến hành xây dựng nhà và chuyển về ở.

Trong suốt thời gian đó, anh và những người dân mua đất tại đây rất nhiều lần liên hệ với chủ đầu tư để làm giấy tờ, nhưng liên tục nhận những cái hẹn. Và cách đây vài năm công ty này… giải thể, sáp nhập vào Công ty TNHH MTV Đầu tư Xây dựng Tân Thuận.

Đến nay việc cấp giấy cho các hộ dân mua đất làm nhà tại dự án vẫn còn ách tắc. Những hộ dân tại đây bức xúc vì đã đóng đủ tiền nhưng cả chục năm vẫn không được cấp giấy, nay muốn cầm cố vay tiền ngân hàng không được.

Các hộ dân mua đất xây nhà tại dự án Bắc Rạch Chiếc (quận 9) của CTCP Xây dựng hơn 10 năm nay cũng ở trong tình cảnh tương tự. Một số hộ dân mua đất bằng hình thức hợp đồng góp vốn tại dự án khu dân cư Lê Minh (phường Tân Thới Nhất, quận 12) cũng “dở mếu dở khóc” khi đã thực hiện nghĩa vụ tài chính đầy đủ nhưng vẫn chưa được chủ đầu tư làm sổ hồng.

Lý giải việc chậm trễ làm sổ hồng cho các hộ dân trên đường Bùi Đình Túy, ông Hoàng Đình Phi, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư Xây dựng Tân Thuận, cho biết hạ tầng ở đây đã hoàn thiện, nhưng do ranh giới dự án của công ty và phần đất của CTCP Đất Phương Nam đang tranh chấp nên phải chờ cơ quan chức năng xem xét, khi phân định rõ ràng sẽ tiến hành làm thủ tục cấp giấy cho người dân.

Trong khi đó, sự chậm trễ tại dự án khu dân cư Lê Minh do chủ đầu tư đã dùng các sổ đỏ thế chấp tại ngân hàng, đến nay vẫn chưa giải chấp lấy ra để làm thủ tục hoàn công và sổ hồng cho người dân.

Hiện nay huyện Bình Chánh có 35.000 trường hợp chưa được cấp sổ hồng; Bình Tân 34.000 trường hợp, Bình Thạnh 25.00 và Thủ Đức 20.000 trường hợp. Sự chậm trễ trong thủ tục cấp sổ hồng khiến những người mua đất dự án, xây xong nhà nhưng vẫn giống như đang ở trọ trong chính căn nhà của mình, bởi chẳng có quyền thế chấp, sang nhượng...

Lỗ hổng pháp luật

Theo quy định hiện hành, với các dự án nhà ở, chủ đầu tư phải xây dựng căn nhà sau đó hoàn công ra sổ hồng mới được chuyển nhượng cho khách hàng. Tuy nhiên, do phần lớn doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính nên phải huy động từ khách hàng bằng hình thức hợp đồng góp vốn cho phần đất (sổ đỏ chủ đầu tư đứng tên), còn phần nhà khách hàng tự xây theo quy hoạch được duyệt.

Nhiều sổ đỏ tại dự án KDC Lê Minh (quận 12) đã bị chủ đầu tư thế chấp
tại ngân hàng, gây khó khăn cho việc làm sổ hồng cho khách hàng. Ảnh: TRÀ GIANG

Trong giai đoạn này mọi giấy tờ liên quan do chủ đầu tư nắm giữ. Do đó không ít chủ đầu tư đã sử dụng những sổ đỏ thế chấp ngân hàng để vay vốn.

Để đủ điều kiện được cơ quan chức năng chấp thuận cấp sổ hồng, ngoài nghĩa vụ tài chính của khách hàng, chủ đầu tư phải thực hiện xây dựng hạ tầng theo quy hoạch. Ông Lê Hùng Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Gia Hòa, cho rằng đây là kẽ hở của pháp luật.

ởi khách hàng góp vốn hoàn toàn trông chờ vào sự “tử tế” của chủ đầu tư trong quá trình triển khai dự án. Ngoài việc dùng sổ đỏ của khách hàng đem cầm cố, nhiều chủ đầu tư sau khi thu đủ tiền của khách hàng nhưng không triển khai xây dựng hạ tầng, hậu quả khách hàng lãnh đủ.

Ông Lê Chí Hiếu, Tổng giám đốc Thuduc House, cho rằng đầu tư dự án BĐS là một quá trình với nhiều công đoạn, do đó cần phải thừa nhận từng giai đoạn để việc “chuyển nhượng” hay “góp vốn” này được pháp luật công nhận. Quy định dự án hoàn chỉnh mới bán cũng cần phải sửa để phù hợp với thực tiễn. Bởi thực tế nhiều doanh nghiệp không đủ năng lực nên phải huy động từ nhiều nguồn.

Trước sự chậm trễ trong việc cấp giấy chứng nhận cho người dân, mới đây Bộ Tài nguyên - Môi trường đã ban hành công văn hướng dẫn nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận các dự án nhà ở tại Hà Nội và TPHCM.

Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM cũng có văn bản đề nghị Hiệp hội BĐS TP thông báo cho các thành viên là chủ đầu tư các dự án nhà ở có trách nhiệm lập thủ tục cấp giấy chứng nhận cho khách hàng; báo cáo từng dự án để sở theo dõi, đôn đốc và kịp thời xử lý.

Theo Đỗ Trà Giang (SGĐTTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.