11/04/2014 9:36 PM
Vay hàng nghìn tỷ đồng đầu tư khu đô thị, song 8 năm chạy lòng vòng vì làm đâu vướng đó, có đơn vị ôm dự án 12 năm chưa về đích vì "lạc" trong núi thủ tục.

Chủ tịch Công ty Quốc Cường Gia Lai, Nguyễn Thị Như Loan cho biết, bà đầu tư dự án Phước Kiểng (huyện Nhà Bè), triển khai 8 năm vẫn chạy lòng vòng vì vấp phải vô vàn vướng mắc.

Bà Loan kể đã đổ nhiều tiền của, thậm chí bán cả nhà riêng và vay nợ ngân hàng để có vốn hàng nghìn tỷ đồng đền bù dự án 90 hecta từ năm 2005. Doanh nghiệp xin bắc cầu từ dự án Tân Kiểng sang Phước Kiểng, được Sở Giao thông Vận tải duyệt nhưng buộc phải thực hiện trong vòng 1 năm. Để được xây cầu, làm bờ kè thì phải có quyết định giao đất (đồng nghĩa với việc đền bù 100% đất sạch).

Tuy nhiên, vấn đề của Quốc Cường là 8 năm qua dự án giải phóng mặt bằng được 82%, nếu chờ đền bù xong thì hết hạn xây cầu, lại phải xin gia hạn, cấp phép mới thành một vòng lẩn quẩn. “Mới đây Sở Xây dựng yêu cầu nếu không thể đền bù 100% thì phải đấu thầu. Vậy hàng nghìn tỷ đồng của doanh nghiệp bỏ vào dự án phải làm sao?", bà Loan than.

Tình cảnh của ông Nguyễn Khoa Di, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển SACA cũng không khá hơn là bao. Ông Di kể bắt đầu tham gia đầu tư dự án Khu dân cư Bắc Rạch Chiếc cách đây 12 năm nhưng đến nay vẫn giẫm chân tại chỗ. Đây là một trong bảy dự án tại TP HCM thí điểm mô hình nhà đầu tư chính và các nhà đầu tư thứ cấp cùng thực hiện một dự án khu đô thị.

Các doanh nghiệp địa ốc phản ánh có nhiều trường hợp họ mất cả chục năm để giải quyết thủ tục từ khâu chấp thuận đầu tư đến khi khởi công dự án. Ảnh: Vũ Lê

Dự án của ông Di vướng vì nhà đầu tư chính chưa hoàn thành xong nghĩa vụ làm 100% hạ tầng. Vì là nhà đầu tư thứ cấp của khu dân cư này nên dự án thành phần của ông cũng không được cấp phép để triển khai. "Chúng tôi được Sở Xây dựng TP HCM khuyên phải thực hiện các thủ tục lại từ đầu. Làm dự án từ năm 52 tuổi, nay tôi đã 65, không biết bao giờ xong?", ông Di chia sẻ.

Trường hợp của ông Lê Ngọc Tú, Giám đốc Công ty địa ốc Bình Dân lại bị vướng thủ tục "mua treo" của quận Thủ Đức. Ông Tú trần tình có một dự án 14.000m2 đã bỏ ra 50 tỷ đồng đầu tư hoàn chỉnh. Khi doanh nghiệp chuẩn bị bán ra thị trường thì được UBND Thủ Đức ngỏ ý có nhu cầu mua lại phục vụ người dân bị giải tỏa dự án Tân Sơn Nhất – Bình Lợi. Tuy nhiên, sau khi đạt thỏa thuận bán phục vụ tái định cư xong thì quận Thủ Đức treo luôn gần 5 năm. Dự án vô tình vướng "gông cùm" là sản phẩm phục vụ tái định cư, không được phép bán ra thị trường nữa.

"Tôi đã nhiều lần có công văn đề nghị UBND quận Thủ Đức nếu không mua dự án thì trả về cho doanh nghiệp bằng văn bản cụ thể để chúng tôi bán hàng thu hồi vốn. Thế nhưng đến thời điểm này vẫn án binh bất động", ông Tú trình bày.

Đại diện Công ty Bến Thành Land nêu trường hợp 2 dự án của doanh nghiệp mất hàng chục năm chuẩn bị chưa xong thủ tục. Cụ thể, dự án trên đường Ký Con doanh nghiệp bắt tay vào làm từ năm 1993, còn dự án số 5 Mê Linh đền bù năm 1994 đến nay chưa về đích. "Một dự án muốn chuyển đổi hay điều chỉnh phải mất vài ba năm lo thủ tục là bình thường", ông nói.

Vị đại diện này so sánh, tại Manila (Philipines), thủ tục cấp phép xây dựng được ra quy trình trong 12 ngày, doanh nghiệp chỉ phải trình bày trước một hội đồng có đầy đủ các ban ngành. Tại Việt Nam, thủ tục cứ phải bổ sung nhiều lần, hồ sơ phải qua nhiều sở phê duyệt, thiếu sự phối hợp. "Đề nghị thành phố xem xét có bước đột phá cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực bất động sản để giảm bớt chi phí tài chính và chi phí cơ hội cho doanh nghiệp", đại diện Công ty Bến Thành Land đề xuất.

Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, Trần Trọng Tuấn cho biết: "Tôi chia sẻ với doanh nghiệp những khó khăn hiện nay chủ yếu là thủ tục. Vì vậy, sở đang rà soát lại quy trình 8 bước từ lúc chấp thuận đầu tư cho đến khi khởi công dự án".

Ông Tuấn giải thích, trường hợp nhà đầu tư chấp thuận được các yêu cầu về tài chính, đất sạch, tuân thủ quy hoạch thì dự án sẽ thực hiện đúng quy trình, mất tối đa 27,5 tháng. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư không đáp ứng được các quy định về pháp lý thì không thể đảm bảo thời gian này.

Phó chủ tịch UBND TP HCM, Nguyễn Hữu Tín nhìn nhận: "Dù thành phố đã cải cách thủ tục hành chính nhiều lần nhưng đi đâu cũng nghe kêu ca. Dân kêu, doanh nghiệp cũng kêu, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng và đầu tư kinh doanh bất động sản".

Ông Tín đề nghị trong quá trình cải cách rút ngắn quy trình 8 bước, Sở Xây dựng cần công khai thủ tục và quy rõ trách nhiệm để hỗ trợ doanh nghiệp. Các sở ngành liên quan cũng cần công khai quy trình làm việc này mới mong chuyển biến tình hình.

Phó chủ tịch UBND TP HCM đề nghị lãnh đạo các sở trả lời văn bản cho doanh nghiệp về các thủ tục cần bổ sung, sửa chữa. Nếu sau đó vẫn yêu cầu bổ sung thêm thì sẽ kỷ luật lãnh đạo sở đó.

"Những quy định nào còn chồng chéo nằm trong thẩm quyền của thành phố, Ủy ban sẽ sửa ngay. Ngược lại, các quy định không thuộc thẩm quyền thành phố sẽ kiến nghị ra trung ương", ông Tín nhấn mạnh.

Vũ Lê (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.