Điều kiện năng lực tài chính của chủ đầu tư xây dựng khu sân golf và dịch vụ Tân Sơn Nhất (Tân Bình, TP HCM) cần được kiểm tra lại nhằm bảo đảm tuân thủ theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về dự án đầu tư xây dựng khu sân golf và dịch vụ Tân Sơn Nhất (Tân Bình, TP HCM). Cơ quan này cho rằng, thông tin về tài chính trong hồ sơ dự án chưa đủ cơ sở phản ánh khả năng đáp ứng mức vốn pháp định đối với ngành nghề kinh doanh bất động sản và vốn sở hữu của chủ đầu tư.


Bên cạnh đó, danh mục các công trình đang thực hiện đầu tư chưa có trong báo cáo năng lực tài chính. Ngoài ra, hồ sơ dự án chưa có thiết kế cơ sở. Do đó, điều kiện năng lực tài chính của chủ đầu tư cần được kiểm tra lại nhằm bảo đảm tuân thủ theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.


Yêu cầu kiểm tra sân golf Tân Sơn Nhất
đến năm 2020, cả nước sẽ có 89 sân golf. Ảnh: Hoàng Lan

Ngoài ra, theo ý kiến Bộ, năng lực kinh nghiệm của chủ đầu tư trong lĩnh vực sân golf cũng cần kiểm tra lại. Bộ Xây dựng giải thích, Công ty cổ phần đầu tư Long Biên là nhà đầu tư của dự án có giấy chứng nhận kinh doanh có nghề kinh doanh bất động sản phù hợp với nội dung xin đầu tư. Tuy nhiên, thành viên sáng lập của công ty là Công ty cổ phần Thương mại Him Lam có năng lực kinh nghiệm thực hiện đầu tư trong lĩnh vực sân golf nhưng đã chuyển nhượng vốn cổ phần.


Độ cao tĩnh không tối đa các hạng mục công trình theo thỏa thuận của Bộ Tổng tham mưu cao hơn so với yêu cầu của Cụm cảng Hàng không Miền Nam, do vậy, Bộ đề nghị cần kiểm tra, làm rõ chỉ tiêu này.


Dự án có diện tích hơn 150 ha, nằm trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, do Công ty cổ phần đầu tư Long Biên làm chủ đầu tư. Ngày 10/5/2007, Thủ tướng có văn bản cho phép đầu tư và xây dựng sân golf và dịch vụ Tân Sơn Nhất. Năm 2008, Bộ Xây dựng đề nghị xây các công trình phụ trợ phải phù hợp với quy hoạch, đã được phê duyệt và bảo đảm khi có yêu cầu mở rộng sân bay hoặc có nhu cầu sử dụng đất phục vụ quốc phòng thì chủ đầu tư các công trình phụ trợ phải hoàn toàn trả lại mặt bằng vô điều kiện và không được yêu cầu bồi hoàn giải phóng mặt bằng.


Theo quy hoạch đã được duyệt, đến năm 2020, cả nước sẽ có 89 sân golf, chủ yếu ở vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ. Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên Môi trường từng rà soát cho thấy, cả nước có 117 dự án sân golf, trong đó có 90 dự án nằm trong quy hoạch. 27 dự án sân golf ngoài quy hoạch nằm rải rác trên địa bàn 13 tỉnh.


Bộ Tài nguyên Môi trường đề nghị các tỉnh dừng xây dựng đối với 27 dự án nằm ngoài quy hoạch, đồng thời xử lý nghiêm các doanh nghiệp giữ đất để đầu cơ trục lợi, gây tác động không tốt cho thị trường bất động sản.

Theo Hoàng Lan (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.