Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 154/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch vùng trong giai đoạn mới sẽ có nhiệm vụ tổ chức thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch vùng theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

Chất lượng đồ án quy hoạch hạn chế

Số liệu thống kê từ Bộ Xây dựng, trong năm 2019 tỷ lệ đô thị hóa trên phạm vi cả nước đạt 39,2%, tăng 0,8% so với năm 2018. Các hoạt động xây dựng, phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng kỹ thuật cũng đạt mức tăng trưởng ổn định trên 9% so với cùng kỳ.

Trong năm 2019, Bộ cũng đã trình Chính phủ phê duyệt 8 nhiệm vụ quy hoạch, 6 đồ án quy hoạch, tổ chức thẩm định 4 nhiệm vụ quy hoạch và 2 đồ án. Tỷ lệ lập quy hoạch chung đô thị đạt 100%; quy hoạch phân khu đạt khoảng 78%; quy hoạch chi tiết đạt khoảng 39% diện tích xây dựng đô thị. Có khoảng 26% đô thị đã ban hành quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc...

KTS Nguyễn Văn Thanh - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, các đồ án quy hoạch phát triển đô thị đã giúp cho diện mạo đô thị ngày càng khang trang, sạch đẹp, chi phối tất cả các chỉ tiêu nền kinh tế quốc dân, giúp cho đời sống của người dân được cải thiện, nâng cao. Nhưng quá trình phát triển đô thị và các đồ án quy hoạch vẫn còn nhiều hạn chế, trong đó hạn chế nhất đó là chất lượng các đồ án còn thấp, chưa sát với thực tế nên khi đưa vào thực hiện thì không đủ điều kiện về nguồn lực, thiếu sự đồng thuận của đông đảo người dân.

Công tác quy hoạch cần phải đi trước một bước và phải phù hợp với tình hình phát triển của từng khu vực (Ảnh: Doãn Thành).

“Nhiều đồ án quy hoạch còn nặng tính hình thức, chưa sát với thực tế, chưa dự báo đúng tốc độ, tình hình phát triển của nền kinh tế, chưa dự báo được khả năng tăng trưởng về dân số... nên đã dấn đến những tính toán sai về cấu trúc, không gian thực hiện cũng như thiếu các tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ sự phát triển của kinh tế và gia tăng dân số. Đây chính là những hạn chế lớn nhất của nhiều đồ án quy hoạch trong thời gian gần đây” – ông Thanh nhìn nhận.

Đánh giá chung của các chuyên gia và nhà quản lý, chất lượng quy hoạch còn thấp là do hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của chúng ta, hệ thống định mức đơn giá về kinh tế kỹ thuật cũng có những lạc hậu cho nên những tính toán về quy hoạch cũng có những sai sót. Khâu tổ chức thực hiện quy hoạch còn chậm hoặc xây dựng kế hoạch thực hiện các quy hoạch còn sơ sài, tổ chức cắm mốc trên thực địa, công khai quy hoạch và quản lý thực hiện quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc sau đồ án quy hoạch còn thiếu và yếu.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, trong thời gian qua công tác quản lý quy hoạch tại các địa phương có cố gắng nhưng cũng vẫn xảy ra những hạn chế trong việc kiểm soát. Đối với vấn đề liên quan đến trật tự xây dựng, như: nhà cao tầng trong nội đô thiêu quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; Xuất hiện nhà siêu mỏng, siêu méo tại các đô thị. Việc theo dõi tình hình thực hiện pháp luật trên thực tiễn đã có nhưng chưa kịp thời phát hiện để cập nhật, bổ sung các quy định...

“Chúng tôi chịu trách nhiệm trong việc chậm thực hiện hoặc một số nội dung thực hiện chưa hiệu quả trong việc theo nhiệm vụ quy định pháp luật giao cho Bộ Xây dựng. Ví dụ, thẩm định một số dự án, như xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá...” – Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói.

Tăng cường xử lý vi phạm

Cũng theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch và đảm bảo tính khả thi của quy hoạch, như: Tăng cường kiểm soát việc thực hiện dự án đầu tư theo đúng quy hoạch; Tăng cường công tác quản lý, tuyên truyền, công bố, công khai quy định pháp luật về quy hoạch để nhân dân biết, thực hiện và giám sát; Tăng cường việc thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong vấn đề này...

Trong thời gian qua xảy ra tình trạng chất lượng nhiều đồ án quy hoạch còn hạn chế, không phù hợp với thực tiễn, một phần không nhỏ là do tinh thần, trách nhiệm của một bộ phận những người làm quy hoạch.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có nhiệm vụ tổ chức thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Có hiệu lực thi hành từ ngày 22/1/2020.

Theo KTS Nguyễn Văn Thanh, trong thời gian qua công tác quy hoạch nảy sinh tình trạng tiêu cực, tham ô - tham nhũng trong quy hoạch. “Việc thành lập Hội đồng thẩm định do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng làm Chủ tịch, thành viên gồm đẩy đủ đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, sẽ tham gia trực tiếp vào công tác thẩm định các đồ án quy hoạch vùng, từ đó sẽ xem xét, lựa chọn những đồ án quy hoạch chất lượng cao, đáp ứng được với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, từng khu vực” – ông Thanh cho biết thêm.

Với tốc độ đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh, bùng phát vấn đề liên quan đến ô nhiễm, suy thoái môi trường, do vậy công tác quy hoạch luôn đòi hỏi phải đi trước một bước. Các đồ án quy hoạch cần phải có sự sàng lọc, phân loại dựa trên tình hình thực tế tại những nơi thực hiện dự án; đồng thời phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong quá trình lập quy hoạch.

Chuyên gia quy hoạch đô thị Nguyễn Tuấn Anh

Doãn Thành (KTĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.