Báo Pháp Luật TP.HCM số trước có phản ánh trường hợp của ông Châu Văn Cảnh bị Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất quận Thủ Đức (TP.HCM) từ chối cấp giấy chứng nhận căn nhà 75/22/2A đường 48, phường Hiệp Bình Chánh.
Lý do: Ông Cảnh xây ít hơn giấy phép gần 14 m2. Mặc dù trước đó UBND quận có công văn khẳng định nhà ông không vi phạm các quy định về xây dựng nên không bị xử lý nhưng văn phòng trên vẫn cho rằng ông đã xây sai phép sau ngày 1-5-2009 (thời điểm Nghị định 23/2009 có hiệu lực).

Tiếp tục tìm hiểu, PV được biết nhiều quận khác không hành xử như Thủ Đức. Tại quận 7, ngày 19-4 vừa qua, ông Phạm Văn Đức (935/20/32/3C Huỳnh Văn Phát, phường Phú Thuận) đã được UBND quận 7 cấp giấy chủ quyền căn nhà xây ít hơn giấy phép. Cụ thể, theo giấy phép xây dựng thì nhà ông Đức có tổng diện tích xây dựng hơn 240 m2, với tầng trệt, tầng lửng, hai lầu, trong đó tầng trệt dài hơn 12 m. Đến khi thi công, ông không làm tầng lửng và cũng không xây hết chiều dài miếng đất. Vì thế, tổng diện tích xây dựng trên thực tế của ông Đức chỉ còn hơn 161 m2, giảm hơn 79 m2 so với giấy phép.

Sau khi xác định ông không vi phạm các quy định về xây dựng (chỉ giới xây dựng, mật độ xây dựng, chiều cao tầng, ranh chủ quyền), quận 7 đã không lập biên bản vi phạm. Thay vào đó, quận hướng dẫn ông lập bản vẽ sơ đồ nhà ở đất ở để xét cấp giấy chứng nhận theo Nghị định 88/2009 và đúng hẹn thì giao cho ông giấy hồng.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận 7, cho biết: Đối với những trường hợp như ông Đức, để tạo thuận lợi cho người dân trong việc cấp giấy chủ quyền nhà, khi nhận hồ sơ thì phòng sẽ chuyển cho bộ phận quản lý đô thị thẩm định lại tình trạng xây dựng xem có theo quy chuẩn chung không. Trong vòng hai ngày, nếu bộ phận đó có văn bản xác nhận căn nhà không vi phạm các quy định về xây dựng, không có yêu cầu khắc phục hậu quả… thì phòng sẽ xem xét cấp giấy chứng nhận.

Theo bà Ung Thị Xuân Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, từ vụ ông Cảnh ở quận Thủ Đức, Sở Xây dựng cần có ý kiến chỉ đạo cụ thể để tránh tình trạng không vi phạm xây dựng nhưng lại không được xem xét cấp giấy chủ quyền. Việc tính gộp tất cả trường hợp xây sai phép (có vi phạm xây dựng và không vi phạm xây dựng) để xử lý là không đúng. Nếu người dân xây sai phép nhưng không bị xem là vi phạm xây dựng theo khoản 3a Điều 4 Thông tư 24/2009 của Bộ Xây dựng thì các quận, huyện vẫn có thể xét cấp giấy chứng nhận bình thường, không phân biệt thời điểm xây dựng trước hay sau ngày 1-5-2009.

Không xử lý thì phải cấp giấy

Là một cán bộ về hưu, tiền bạc có hạn nên tôi phải cố gắng xoay xở mới đủ vốn xây dựng một căn nhà cấp bốn để dưỡng già. Chính vì thế, việc giảm diện tích gác lửng để khỏi mang nợ là giải pháp tối ưu mà tôi đã lựa chọn. Trong khi xây dựng, tôi đã cố gắng chấp hành tốt các quy định về xây dựng để không làm ảnh hưởng không gian, cảnh quan. Nếu quận đã xét tôi không sai phạm, không xử phạt tôi, không bắt tôi khắc phục thì đề nghị quận sớm cấp giấy chủ quyền cho tôi.

Ông CHÂU VĂN CẢNH,
chủ nhà 75/22/2A đường 48, quận Thủ Đức

Đối với trường hợp xây dựng không đúng theo giấy phép nhưng chỉ ở bên trong nhà như phòng tắm rộng hơn, bếp nhỏ hơn…, nếu không ảnh hưởng tới kết cấu, không vi phạm các quy chuẩn xây dựng và không có văn bản yêu cầu phải tháo dỡ thì công trình đó được phép tồn tại. Chúng tôi sẽ căn cứ vào các quy định về việc cấp giấy chứng nhận để công nhận chủ quyền cho những trường hợp này.

Ông NGUYỄN TIẾN ĐẠT,
Phó phòng Tài nguyên và Môi trường quận 12

Đủ điều kiện thì không thể từ chối

Tuy xây dựng sai phép nhưng nếu không thuộc trường hợp bị chế tài theo quy định của Thông tư 24/2009 thì phòng chúng tôi sẽ đề nghị quận cấp giấy chủ quyền như những trường hợp đủ điều kiện khác.

Ông ĐẶNG MINH NGUYÊN,
Phó phòng Tài nguyên và Môi trường quận Bình Thạnh

Hiện TP.HCM vẫn chưa thu hồi, bãi bỏ Quyết định 54/2007 về việc cấp giấy chủ quyền nhà đất. Theo quyết định này, những trường hợp như ông Cảnh đủ điều kiện được chứng nhận quyền sử dụng đất và cả quyền sở hữu nhà. Cụ thể, nhà đất của ông không thuộc trường hợp không được cấp giấy chứng nhận (toàn bộ diện tích phù hợp quy hoạch, không bị tranh chấp, không có quyết định phá dỡ…). Ngoài ra, đối chiếu với Nghị định 88/2009 thì ông Cảnh có giấy tờ đất và giấy tờ chứng minh việc tạo lập hợp pháp nhà ở (giấy phép xây dựng) nên ông phải được chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà. Chính vì thế, quận Thủ Đức không có quyền từ chối cấp giấy chủ quyền nhà đất cho ông.

Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO, Đoàn Luật sư TP.HCM

Cafeland.vn - Theo Pháp Luật TP
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland