Quá trình đô thị hóa nhanh chóng trên địa bàn Thủ đô đã thu hút người dân nhập cư vào thành phố làm ăn, sinh sống, các khu đô thị mọc lên như nấm sau mưa. Cùng với đó là tốc độ gia tăng như "vũ bão" của phương tiện giao thông cá nhân xe máy, ôtô.
Lượng phương tiện tăng đột biến khiến cho giao thông của Hà Nội ở nhiều tuyến phố gần như bị 'tê liệt,' nhất là vào giờ cao điểm. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Trong khi đó, hạ tầng giao thông và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân vẫn còn yếu kém khiến tình trạng ùn tắc giao thông tiếp diễn.
Và khi ùn tắc giao thông trở thành nỗi ám ảnh hàng ngày của người dân thì nỗi khao khát về những đại lộ rộng thênh thang, những chiếc cầu vươn trên cao, những chiếc xe buýt nhanh thay thế cho cả "khối kiến lửa" phương tiện cá nhân... càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.
Phát triển giao thông "tốc độ rùa"
Dù đi làm bằng ôtô nhưng anh Phạm Lương, sinh sống tại Linh Đàm, thường xuyên phải ra khỏi nhà từ 6 giờ sáng để đến cơ quan ở phố Đội Cấn trước 8 giờ, dù khoảng cách từ nhà cách cơ quan chỉ gần chục cây số.
Anh Lương chia sẻ dù đi sớm nhưng nhiều khi vẫn chưa yên tâm, vì tình trạng tắc đường xảy ra rất bất thường. “Với đà người nhập cư về Hà Nội ngày càng đông, nếu không phát triển mạnh giao thông công cộng, hay đẩy nhanh tốc độ xây dựng các con đường, cây cầu thì Hà Nội vẫn là 'hành phố chậm' nhất mỗi khi phải di chuyển," anh Lương nhìn nhận.
Kẹt xe đang là vấn nạn ở Hà Nội. Theo thống kê mới nhất của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, mặc dù ùn tắc giao thông giảm nhưng hiện nay trên địa bàn thành phố vẫn còn tới 31 "điểm đen" ùn tắc giao thông như: tuyến đường Phạm Ngọc Thạch-Chùa Bộc, nút giao thông Ô Đống Mác-Nguyễn Khoái; đường Lê Văn Lương đoạn từ cầu vượt giao cắt đường Láng đến ngã tư Khuất Duy Tiến; đường Bưởi mới (ven sông Tô Lịch); đường Cầu Giấy, Xuân Thủy (cửa ngõ phía Tây thủ đô); đường Trường Chinh; phố Đào Duy Anh, Xã Đàn kết nối với Phạm Ngọc Thạch…
Ùn tắc giao thông diễn ra hàng ngày ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho biết: "Nhiều công trình giao thông trọng điểm của Hà Nội được đầu tư rất lớn, nhằm góp phần hiện đại hóa, giảm thiểu ùn tắc giao thông khu đô thị. Nhưng sự ì ạch, chậm tiến độ của các dự án đang là nỗi lo ám ảnh người tham gia giao thông.”
Có thể dễ dàng nhận thấy ở các công trình giao thông chậm tiến độ, các rào chắn công trường chính là nguyên do làm gia tăng ùn tắc giao thông. Một nguyên nhân dễ nhận thấy dẫn đến tắc đường là việc thi công các công trình giao thông trên địa bàn Thủ đô diễn ra chậm.
Có thể điểm tên một số công trình giao thông có tiến độ thi công ì ạch là công trình tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, tuyến Nhổn-Ga Hà Nội chạy qua nhiều tuyến đường huyết mạch của Thủ đô như Nguyễn Trãi, Trần Phú (Hà Đông), Hoàng Cầu, Cầu Giấy, Xuân Thủy, Hồ Tùng Mậu… Đây vốn là những tuyến đường đau khổ về tắc nghẽn, tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, từ khi có công trường, hàng vạn hộ dân sinh sống bên những tuyến đường trên cũng như người tham gia giao thông lại khốn khổ hơn trăm bề bởi ùn tắc, khói bụi, ô nhiễm môi trường.
(Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)
Một dự án giao thông trọng điểm khác của Hà Nội là đường vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở-Ngã Tư Vọng cũng trong tình trạng chậm tiến độ. Tuyến đường chạy qua hai quận Đống Đa, Thanh Xuân, được khởi công từ năm 2012, dự kiến hoàn thành năm 2016.
Thế nhưng đến nay, sau 5 năm triển khai, dự án vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng và chủ đầu tư khất lần tiến độ hoàn thành giải phóng mặt bằng thay vì hoàn thành dự án vào cuối năm nay.
Khởi công từ năm 2013, dự án hợp phần xe buýt nhanh Hà Nội BRT có mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng hứa hẹn góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông trên tuyến.
Nhưng đến thời điểm này, 21/12 nhà chờ xe buýt nhanh đã hoàn thành lại đang bị hoen gỉ, xuống cấp, thậm chí gây ùn tắc nghiêm trọng hơn. Những công trình giao thông chậm tiến độ, thi công ì ạch đang là nỗi ám ảnh của người tham gia giao thông.
Cấp bách giảm ùn tắc
Là chuyên gia nghiên cứu về chiến lược phát triển đô thị, tiến sỹ Nguyễn Trúc Anh, Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, đưa ra những con số cho thấy sự bất cập giữa sự phát triển của kết cấu hạ tầng giao thông với tốc độ gia tăng phương tiện giao thông cá nhân đã đẩy Hà Nội đứng trước thảm họa ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường do khí thải của các phương tiện giao thông cơ giới.
"Với mức tăng trung bình khoảng 7,66%/năm đối với xe máy và khoảng 8.000 xe ôtô con đăng ký mỗi tháng, trong khi tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của thành phố chỉ đạt khoảng 4%/năm, còn quá thấp so với yêu cầu đặt ra," tiến sỹ Nguyễn Trúc Anh phân tích.
Để giải quyết vấn đề giao thông cho Thủ đô, Hà Nội đã có Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Quy hoạch này xuyên suốt, phù hợp với quy hoạch tổng thể không gian thành phố Hà Nội đã được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt.
Theo Tổng Giám đốc Tổng công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) Phạm Hữu Sơn, quy hoạch giao thông vận tải đi theo và hòa nhập vào quy hoạch tổng thể không gian của thành phố, quá trình thực hiện thì giao thông phải đi trước một bước. Giao thông còn có trách nhiệm kết nối các hạ tầng khác trong mục tiêu của quy hoạch này.
Cảnh ùn tắc kinh hoàng tại khu vực đường Phan Trọng Tuệ (huyện Thanh Trì, Hà Nội) và quanh Khu Đô Thị Đại Thanh. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)
Trong khi chờ những giải pháp tổng thể nhằm giải quyết căn cơ tình trạng ùn tắc giao thông ở Thủ đô vẫn đang còn nằm trên giấy thì tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên địa bàn thành phố Hà Nội đòi hỏi phải có ngay những giải pháp mang tính cấp bách từ các cấp, các ngành, đặc biệt từ mỗi người dân trong việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.
Vietnam+
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.