PGS. TS Nguyễn Văn Huy. Ảnh: Thành Nguyễn.
Chào ông, đô thị ven sông đã được nhiều thành phố trên thế giới triển khai và mang lại nhiều hiệu quả lớn. Từ góc nhìn văn hóa, theo ông chúng ta có nên phát triển theo hướng này?
Thành phố ven sông rất quan trọng, từ xưa đến nay, việc hình thành các điểm cư dân ở Việt Nam và thế giới đều bám vào các dòng sông. Các thế hệ cư dân chúng ta từ trung du đi xuống đồng bằng cũng đều bám theo các dòng sông: sông Hồng, sông Đà, sông Gâm….
Như vậy, có thể nói việc phát triển đô thị ven sông cũng thuận theo lịch sử, văn hóa?
Đúng vậy, có điều xưa nay cha ông ta không có tâm thế quay lưng vào dòng sông như một số đề xuất hiện tại. Hình thức đô thị bên sông xưa nay là trên bến dưới thuyền, Thăng Long, phố Hiến, Hội An đều vậy. Sự sầm uất của các đô thị thời xưa là ở các bến cảng. Nhìn chung, trong lịch sử phát triển, dòng sông giữ một vai trò rất quan trọng.
Dường như ở thời điểm hiện tại, các dòng sông không còn được coi trọng như xưa?
Chúng ta đã quay lưng lại với các dòng sông khiến vai trò của chúng bị giảm sút. Đây thực sự là một điều tệ hại. Có thời kỳ dường như chúng ta rất coi nhẹ dòng sông, chỉ tập trung phát triển mạnh cho đường bộ mà không phát triển đường thủy. Điều này ngược với kinh nghiệm lịch sử của cha ông.
Công tác quản lý dòng sông của ta rất kém, nhất là trong 50 – 70 năm trở lại đây. Các dòng sông hiện bị ô nhiễm do nước thải vô tội vạ, bị lấp, không được nạo vét nên ứ lại. Chỉ riêng Hà Nội, thực tế này có thể thấy ở sông Nhuệ, sông Đáy, sông Cà Lồ…
Quay lại chuyện quy hoạch, phải chăng, trước khi tính đến chuyện làm các đô thị ven sông, chúng ta cần làm chúng sống trở lại?
Đúng vậy, xây dựng các đô thị ven sông là quan trọng, nhưng trước tiên nên dành kinh phí để cải tạo, làm sống lại các dòng sông, trước mắt là các dòng sông phía Tây như sông Đáy, sông Nhuệ, hay các dòng sông phía Đông như: sông Hoàng Giang, sông Cà Lồ. Với Thủ đô, thì việc làm sống lại các sông trong hệ thống sông Hồng là rất quan trọng. Quan điểm của tôi là phát triển đô thị có thể chậm, cấp cứu dòng sông là cấp bách hơn.
Và nếu chúng ta làm cho dòng sông sống, gắn với phát triển đường thủy, mở rộng các cảng vận tải thủy sẽ phát triển.
Sông Hồng luôn giữ vai trò quan trọng trong câu chuyện phát triển đô thị ở Hà Nội. Ảnh: Thành Nguyễn.
Theo ông, có điều gì cần lưu ý khi phát triển đô thị ven sông?
Sông Hồng rất hung dữ, mùa lũ thì ghê gớm nên cùng với việc phát triển đô thị ven sông, cần lưu ý cả về “tính cách” của nó, nhất là câu chuyện quản lý lưu lượng nước trong các diễn biến khí hậu, thời tiết, thiên tai, nhân tai, lũ nhân tạo (xả lũ).
Hà Nội xưa nay luôn có những điểm xả lũ, ví dụ như khu vực Phùng, nên giờ chúng ta vẫn phải tính đến điều này trong công tác quy hoạch.
Một điểm chung nữa mà tôi nhận thấy khi tham quan các thành phố bên sông, như: sông Danube (chảy qua nhiều nước Trung và Đông Âu), sông Potomac (ở miền đông Hoa Kỳ, chảy qua thủ đô Washington, D.C), sông Seine (Paris, Pháp) là các quốc gia phát triển đô thị bên sông không phải để khai thác trực diện dòng sông, khai thác tối đa dòng sông (kiểu dựng lên thật nhiều nhà hàng, quán ăn) mà các thành phố hai bên bờ lấy dòng sông để tạo ra một môi trường tốt.
Sông Seine là một ví dụ, hai bên bờ sông là hai con đường, là không gian công cộng, nhà cửa phải ở phía trong, không được tiếp cận vào dòng sông.
Đây là điều rất đáng lưu ý, và khi quy hoạch các khu đô thị ven sông, chúng ta cũng cần tránh tình trạng nhà sát sông (không có đường đi), làm biến mất không gian chung hai bên bờ.
Vậy có nên luật hóa điều này?
Nên có luật quy định sử dụng không gian dọc dòng sông thế nào, tạo ra không gian công cộng hai bên dòng sông ra sao. Trong đó, cần cương quyết dành không gian hai bên sông cho các hạng mục phục vụ cộng đồng.
Ở góc độ văn hóa, nên ứng xử với dòng sông như thế nào?
Hai bên bờ sông Hồng vốn có rất nhiều các lễ hội văn hóa gắn với dòng sông. Chúng ta hoàn toàn có thể khôi phục lại và có được các lễ hội truyền thống đúng nghĩa. Tuy nhiên, để làm được điều này, trước mắt vẫn phải làm sống lại các dòng sông.
Có thể làm sống lại các dòng sông cùng với việc khôi phục các lễ hội, văn hóa đặc trưng. Ảnh: Thành Nguyễn.
Vậy với đô thị ven sông, nên thiết kế theo hướng nào?
Với thành phố ven sông, nhà cửa nên xây thấp tầng, và tạo ra các công trình công cộng, hệ thống công viên, cây xanh. Điều khó hiểu với quy hoạch Hà Nội bây giờ là bao lâu rồi, chúng ta không có thêm nổi một vườn bách thảo như người Pháp đã làm ngày trước.
Thành phố của chúng ta cần có thêm các lá phổi như thế. Nên lúc này đây, khi tính đến chuyện xây dựng các đô thị ven sông, cần tạo nên các công viên, thảm cây xanh, gắn nó với dòng sông.
Tôi mới đi Maroc, nước họ là sa mạc mà tạo ra được các rừng cây xanh trong Thủ đô của họ. Không phải một mà nhiều rừng cây. Tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta tính đến chuyện trồng rừng ở đô thị, thay vì chỉ biết xây nhà.
Dường như vai trò của các rừng cây không chỉ có vậy?
Đúng là như thế. Dọc sông nên phát triển các công viên, cây xanh, vừa tạo nên các lá phổi, các khoảng nghỉ, nhưng quan trọng hơn là để dành cho thế hệ tương lai, tránh khai thác quá đà.
Là công dân Thủ đô, tôi mong mỏi có thêm các rừng cây. Thực tế đáng buồn hiện nay là dân Thủ đô không biết đi đâu tìm bóng mát. Đã đến lúc, những Đông Anh, Đan Phượng, Long Biên, phải tính đến chuyện trồng rừng, thậm chí là các khu rừng hàng chục, hàng trăm ha.
Vậy với câu chuyện nhà cao tầng ở các đô thị ven sông thì sao thưa ông?
Đô thị ven sông phải làm nhà thấp tầng, muốn tạo cơ chế có lãi cho nhà đầu tư thì có thể dành quỹ đất chỗ khác, chứ không được lấy đất ven sông để xây nhà cao tầng tại chỗ.
Thế còn với bãi giữa, có nên phát triển đô thị ở đó?
Với bãi giữa, chúng ta càng không nên đụng đến. Cần phải dũng cảm thừa nhận là mình còn kém, chưa đủ trình độ, năng lực, tài chính để giải bài toán này. Do đó, hãy để phần việc đó cho các thế hệ sau.
Ven sông Hồng, hiện có khá nhiều làng quê, làng cổ, chúng ta nên ứng xử với các địa danh này ra sao?
Theo tôi, những làng quê đó nếu được nên giữ lại. Làng Chèm, làng Vẽ là ví dụ. Cố gắng chỉ di dời các phần đất lấn chiếm. Bởi theo thời gian, những làng đó lại là thành khu phố cổ của các đô thị mới ven sông. Cần nhìn nhận rằng bản thân Hà Nội xưa cũng là một làng cổ, với đầy đủ chùa, đình làng, có thành hoàng làng. Trong ít nhất 2 thế hệ, thế hệ này và thế hệ sau, theo tôi chưa nên tính chuyện di dời dân.
-
Đô thị ven sông: Cần cả sự tự trọng của người làm quy hoạch
Hà Nội từng có các ý tưởng về đô thị ven sông, chỉ tiếc sau bao năm khát vọng này vẫn chỉ là chuyện thai nghén.