Những vết nứt sâu hàng mét cắt đôi tòa nhà
Ớn lạnh nhà tái định cư
Để phục vụ tái định cư (TĐC) cho các hộ bị ảnh hưởng bởi DA cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) Q.Bình Tân đã mua tổng cộng 845 căn hộ tại khu TĐC Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) bố trí cho người dân. Thế nhưng, khi chứng kiến những căn chung cư vừa khánh thành nhưng nền móng sụt lún sâu như tầng hầm, tường nứt loang lổ... thì hàng trăm hộ dân đã khiếu nại, từ chối nhận nhà.
Dẫn chúng tôi xuống xem những căn hộ TĐC này, chị Nguyễn Thị Lanh (ngụ P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân) cho biết, nhìn từ xa thì tưởng rất hoành tráng, đẹp đẽ, nhưng lại gần mới thấy rõ sự xuống cấp của chúng. Tại lô B chung cư Vĩnh Lộc B có 4 block nhà với trên 160 căn hộ đang bị sụt lún nghiêm trọng. Có những vết nứt vừa mới sửa đã toác trở lại với bề rộng có thể luồn cả cánh tay.
Chị Huỳnh Thị Thanh Lan (SN 1982, ở lô B1.2) cho biết, căn hộ của chị mua theo diện giải tỏa của DA trên với số tiền 247 triệu đồng, trong khi tổng số đền bù giải tỏa nhận được chỉ 128 triệu. Về đây cuối năm 2012 nhưng thấy chất lượng chung cư xuống cấp từng ngày, chị rất hoang mang. Vừa nói, chị Lan vừa chỉ vào vết nứt dài hàng chục mét xẻ dọc từ dưới lên cắt đôi tòa nhà, cho biết: “Vết nứt này mới được sửa chữa nhưng nay lại nứt tiếp khiến chúng tôi rất lo sợ về độ an toàn”. Ông Trần Quang Long (SN 1949, ngụ phòng 01-B1.1) cho biết khu căn hộ nhà ông nền móng còn bị lún như một tầng hầm. Để chứng minh, ông Long lấy cây sào dài hơn 2m thọc xuống các vết nứt và cây sào mất hút. Nhìn vào sâu trong các vết nứt, một khoảng không rộng lớn chẳng khác tầng hầm trông rất đáng sợ.
Chính vì chung cư xuống cấp quá nhiều nên các hộ TĐC đến xem nhà xong rồi lại bỏ đi. Cả khu với hơn 160 căn hộ nhưng chỉ lèo tèo vài hộ đến ở, nhiều nhất là block B.1.1 cũng chỉ có 11/43 hộ sinh sống. Nhiều đêm nằm ngủ nghe tiếng bước chân người khác đi mạnh là tôi lại giật thót người vì tưởng chung cư sập”, ông Long lo lắng.
Mua được căn hộ, trở thành con nợ
Gửi đơn đến Báo CATP, chị Trần Xuân Thi (SN 1972, ngụ đường số 11, P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân) cho biết, gia đình chị có căn nhà diện tích 40m2 tạo lập từ năm 2001. Năm 2004, nghe nói phần đất này có thể nằm trong diện giải tỏa để phục vụ DA cải tạo kênh, tuy nhiên mãi đến ngày 31-12-2008 UBND Q.Bình Tân không thèm ra quyết định (QĐ) thu hồi đất mà ban hành luôn QĐ 20016/QĐ-UBND chi trả bồi thường để giải tỏa toàn bộ diện tích căn nhà trên với số tiền tổng cộng 147 triệu đồng. Điều khôi hài là người đứng tên trong QĐ lại là người chồng đã mất của chị! Chính vì điều này nên dù không đồng tình với chính sách đền bù nhưng chị Thi cũng chẳng thể khiếu kiện. Mãi đến giữa năm 2013, sai lầm trên mới được UBND Q. Bình Tân sửa chữa.
Ngày 23-7-2013, UBND Q.Bình Tân ban hành tiếp QĐ 6424/QĐ-UBND bố trí cho gia đình chị Thi căn hộ 48m2 ở lầu 5 chung cư Vĩnh Lộc B giá 214,255 triệu đồng. Trong đó, số tiền thanh toán lần đầu là 147,524 triệu, còn lại gần 68 triệu chị phải trả góp trong 9 năm. Như vậy, từ chỗ có nhà cửa đàng hoàng, bỗng dưng có DA chị phải dời đến ở trong căn hộ chung cư cách xa nơi làm việc hàng chục cây số và phải mang món nợ hàng chục triệu lơ lửng trên đầu.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Thỏa (cũng ngụ đường số 11) có nhà, đất diện tích 45,8m2 nằm trong ranh giải tỏa. Thế nhưng mãi đến ngày 10-4-2010 UBND Q.Bình Tân mới ban hành QĐ 4642/QĐ-UBND bồi thường cho ông theo đơn giá chỉ 2,5 triệu đồng/m2. Tính chung các khoản hỗ trợ khác, ông nhận được tổng cộng trên 159 triệu đồng và được mua một căn hộ TĐC tại chung cư Vĩnh Lộc B. Không đồng tình với chính sách đền bù trên, gia đình ông Thỏa khiếu kiện nhiều nơi và từ chối làm việc với Ban BTGPMB bởi số tiền ấy không đủ để gia đình ông tìm được nơi ở mới.
Đây cũng là tình cảnh chung của hàng trăm hộ dân nơi đây. Điều đáng nói, khoản 1 điều 19 Nghị định 69/2009/ NĐ-CP quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 13-8-2009 nêu rõ: “Đối với hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất ở mà không có chỗ ở nào khác thì được giao đất ở hoặc nhà ở TĐC. Hộ gia đình, cá nhân nhận đất ở, nhà ở TĐC mà số tiền được bồi thường, hỗ trợ ít hơn giá trị một suất TĐC tối thiểu thì được hỗ trợ khoản chênh lệch đó; trường hợp không nhận đất ở, nhà ở tại khu tái định cư thì được nhận tiền tương đương với khoản chênh lệch ấý”. Thế nhưng không hiểu vì sao người dân bị giải tỏa bởi DA kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên lại không được hưởng những quyền lợi chính đáng này?
Ngày 27-2-2014, tại buổi làm việc với UBND Q.Bình Tân về việc đền bù cho các hộ dân bị giải tỏa phục vụ DA cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên, ông Phạm Văn Đông, Trưởng ban Kinh tế Ngân sách - HĐND TPHCM, đã phải thốt lên: “Trong một dự án có nhiều chính sách, sao không áp dụng chính sách có lợi nhất cho dân mà đợi đến khi khiếu kiện rầm trời mới làm, gây khổ cho người dân?”. Đồng thời, ông Đông cũng kiến nghị UBNDTP sớm duyệt mức bồi thường, hỗ trợ theo hướng có lợi nhất cho dân.