Ngân hàng Nhà nước tái khẳng định, việc hỗ trợ lãi suất không áp dụng đối với vay để mua nhà ở xã hội.
Trong văn bản công bố ngày 25/3, cơ quan này tiếp tục khẳng định việc cho vay có hỗ trợ lãi suất chỉ áp dụng đối với người thu nhập thấp, cán bộ, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Việc vay để mua nhà ở xã hội, theo cơ quan này là không được quy định trong nghị quyết 02 của Chính phủ, đồng thời Luật Nhà ở 2005 về phát triển nhà ở xã hội cũng chỉ quy định 2 hình thức là thuê và thuê mua.
Do đó “ngoài việc đảm bảo đúng nghị quyết và luật, đến thời điểm này chưa có đủ cơ sở pháp lý để mua bán nhà ở xã hội, nên việc cho vay cũng chưa đủ cơ sở để quy định tại Thông tư”, Ngân hàng Nhà nước khẳng định.
Tuy nhiên, cũng như lần giải trình trước, Ngân hàng Nhà nước cho biết hoàn toàn ủng hộ bổ sung thêm đối tượng vay mua nhà ở xã hội vào chương trình này, trong trường hợp pháp luật cho phép.
Liên quan đến đề xuất về tài sản thế chấp khi vay vốn, trong đó có kiến nghị cá nhân và doanh nghiệp dùng chính căn nhà mua/dự án đang xây để dùng làm tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước, hiện nay các quy định về giao dịch bảo đảm đã đầy đủ các hình thức và tài sản bảo đảm. Vì vậy, nếu chỉ quy định bảo đảm bằng chính căn nhà/dự án đang xây là không đầy đủ và có thể hạn chế việc tiếp cận vốn của khách hàng. Người dân và doanh nghiệp có thể sử dụng chính căn nhà mua/dự án đang xây để thế chấp theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Xây dựng.
Về việc quy định tỷ lệ cho vay giữa doanh nghiệp xây dự án và cá nhân thuê, thuê mua nhà, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, nếu quy định cụ thể tỷ lệ là không khả thi, vì dư nợ cho vay khách hàng tại các ngân hàng thương mại thường xuyên biến động, chưa kể thời hạn cho vay doanh nghiệp chỉ tối đa 5 năm, cá nhân hộ gia đình tối thiểu 10 năm, do đó không thể duy trì tỷ lệ này trong suốt thời gian thực hiện chương trình.
Tuy nhiên, thay vào đó, ngân hàng chỉ cho vay đối với các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, dự án chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội nằm trong danh mục của Bộ Xây dựng. Do đó, Bộ Xây dựng có thể linh hoạt điều tiết số tiền dành cho doanh nghiệp vay theo mức độ cung cầu về nhà ở xã hội trên thị trường.
Với đề xuất tăng lượng vốn thực hiện chương trình lên hơn 30.000 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, con số 30.000 tỷ đồng đã được Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ tính toán rất kỹ, trong đó có tính tới việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. “Ngân hàng Nhà nước hy vọng với gói hỗ trợ lãi suất này sẽ tạo ra niềm tin cho thị trường và cùng với các thành phần kinh tế khác, thị trường bất động sản sẽ sớm hồi phục”.
Riêng chuyện lãi suất, trước một số ý kiến đề nghị phải quy định rõ mức lãi suất sau ngày 15/4/2016, Ngân hàng Nhà nước cho biết, sau thời gian đó, cơ quan này sẽ công bố mức lãi suất mới (có ưu đãi) để phù hợp hơn với tình hình thực tế.
Liên quan đến đề nghị mở rộng đối tượng cho vay so với Nghị quyết 02 của Chính phủ, chẳng hạn như nhà dưới 80 m2 (thay vì 70 m2), thời hạn vay 20 năm (thay vì 10 năm), mua đất nền, mua nhà riêng lẻ…, Ngân hàng Nhà nước cho biết, ghi nhận và sẽ chuyển cho Bộ Xây dựng, cơ quan liên quan xem xét, nghiên cứu để tham mưu cho Chính phủ quyết định.