Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tiết kiệm, lãng phí, UB Tài chính - Ngân sách cho rằng, tình trạng lãng phí còn tồn tại trong mọi lĩnh vực. Nhiều nơi vẫn triển khai quá nhiều dự án, công trình với tổng mức đầu tư lớn trong điều kiện nguồn ngân sách có hạn.

Chiều nay (14/10), Thường vụ Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo tình hình thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2011 và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính Ngân sách.


Bố trí vốn dàn trải


Theo Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển, công tác quản lý, sử dụng kinh phí thường xuyên của các cơ quan tuy có chuyển biến, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, ước thực hiện chi thường xuyên đã tăng 17.800 tỷ đồng (tăng 3,8% so với dự toán).


Vẫn còn tình trạng sử dụng ngân sách sai mục đích, cho vay, tạm ứng sai chế độ chậm thu hồi. Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho hay, thành phố Cần Thơ cho các đơn vị tạm ứng từ năm 1992 -1996 chưa thu hồi khoảng 7,828 tỷ đồng.


Tình trạng chi vượt định mức, tiêu chuẩn, dự toán vẫn khá phổ biến và chậm được khắc phục. Hệ thống Kho bạc Nhà nước từ chối thanh toán hơn 200 tỷ đồng đối với 28.900 khoản chi của 15.000 lượt đơn vị; qua công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán NSNN, đã cắt giảm các khoản chi sai tiêu chuẩn, chế độ, định mức 465,2 tỷ đồng của hơn 18.000 dự án.


Trong mua sắm tài sản công còn có hiện tượng chưa thực hiện theo đúng chủ trương mua sắm tập trung của Thủ tướng; mua sắm vượt tiêu chuẩn, trang bị thiếu đồng bộ dẫn đến mua về không sử dụng được hoặc chưa sử dụng đến, có sử dụng thì tần suất thấp.


Trong đầu tư phát triển, việc đình hoãn, giãn tiến độ, cắt giảm, điều chuyển và ngừng khởi công mới các dự án không đúng đối tượng còn thực hiện chưa đầy đủ. Sau cắt giảm, việc phân bổ cho số dự án khởi công mới còn lớn và bố trí vốn còn dàn trải, tỷ lệ vốn bố trí trên tổng mức đầu tư thấp.


Vẫn quyết nhiều dự án ‘ngốn’ tiền

Năm 2011, vẫn còn tình trạng bố trí vốn lớn trong khi tiền có hạn, dẫn đến nhiều công trình dở dang. Ảnh minh họa: Lê Nhung


Vẫn thất thoát, lãng phí


Thường trực UB Tài chính - Ngân sách cũng nhìn nhận, vấn đề quản lý, sử dụng vốn đầu tư phát triển vẫn còn nhức nhối, tình trạng thất thoát, lãng phí chậm được khắc phục.


Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ cho thấy, hiện tượng vi phạm pháp luật, lãng phí tồn tại ở tất cả các khâu trong quá trình đầu tư từ lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư… đến quyết toán công trình.


Việc tập trung vốn đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án còn hạn chế. Số công trình hoàn thành trong năm còn thấp. Nhiều nơi vẫn triển khai quá nhiều dự án, công trình với tổng mức đầu tư lớn trong điều kiện nguồn ngân sách có hạn, dẫn đến phải chuyển nguồn tiếp, kéo dài thời gian thi công không chỉ gây lãng phí lớn mà còn gây áp lực đối với cân đối ngân sách trong những năm tới.


Ở một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn tình trạng quyết định phân bổ kế hoạch vốn chậm, phân bổ cho cả dự án chưa đủ thủ tục đầu tư. Chẳng hạn, Gia Lai có 5 dự án, bố trí vốn 14 tỷ đồng; Cần Thơ 29 danh mục công trình được ghi kế hoạch nhưng đến cuối năm 2010 chưa có quyết định đầu tư.


Bên cạnh đó, chất lượng quy hoạch thấp, hoặc bố trí dự án khi chưa có quy hoạch chung nên phải điều chỉnh nhiều lần; công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, kỹ thuật và dự toán còn nhiều sai sót làm tăng tổng mức đầu tư, hoặc phải phá đi làm lại. Như dự án mở rộng quốc lộ 8A đoạn qua khu vực cổng B khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo, dự án xây trụ sở quận ủy Hoàng Mai (Hà Nội)…


Bộ máy cồng kềnh


Việc quản lý khoáng sản, sử dụng tài sản công và tổ chức bộ máy nhà nước vẫn chưa thực sự hiệu quả.


Ông Phùng Quốc Hiển đánh giá, tiến độ cổ phần hóa vẫn chậm. Việc tích tụ, tập trung vốn nhà nước để đầu tư cho các ngành, các lĩnh vực quan trọng đến nay triển khai còn chậm, kết quả hạn chế. Số doanh nghiệp bàn giao sang Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ với tổng số vốn nhà nước do SCIC tiếp nhận và quản lý mới chiếm khoảng 2% tổng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.


Biên chế trong khu vực nhà nước tiếp tục tăng nhanh, bộ máy hiện nay còn cồng kềnh, chất lượng phục vụ chưa tương xứng, lãng phí về sử dụng lao động và thời gian lao động. Một số bộ, ngành, địa phương cải cách hành chính chưa triệt để, còn mang tính hình thức.


Thống kê cuối tháng 9 của Bộ Nội vụ cho thấy, biên chế công chức giai đoạn 2005 -2010 tăng bình quân hàng năm đến hơn 15.000 người. Chính sách tiền lương và thu nhập có sự bất bình đẳng giữa các khu vực và ngay trong cùng một ngành nghề. Việc sử dụng nguồn nhân lực chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao hoặc người lao động chưa làm hết trách nhiệm, dẫn đến việc sử dụng lao động còn lãng phí không nhỏ.


UB Tài chính - Ngân sách đề nghị các cơ quan Quốc hội phải tăng cường hơn nữa giám sát thực hiện tiết kiệm trong các lĩnh vực đầu tư phát triển, quản lý tài nguyên đất đai, khoáng sản và quản lý nhà nước để tạo chuyển biến cho giai đoạn tới.

Theo Lê Nhung (Vietnamnet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.