- Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, trục đường Hồ Tây - Ba Vì không nên tồn tại vì không có Trung tâm hành chính tại Ba Vì, quan điểm của ông thế nào?
- Theo tôi, với thực tế giao thông hiện nay, trục Ba Vì - Hồ Tây sẽ giúp Hà Nội có một trục cảnh quan mà chúng ta chưa hề có. Trục giao thông này có vai trò kết nối giữa đô thị dịch vụ du lịch sinh thái xanh Ba Vì với trung tâm Hà Nội bằng các công trình kiến trúc hiện đại, sinh thái.
Trục nối Ba Vì với nội thành sẽ tạo một quần thể thống nhất cho các đô thị vệ tinh, trong đó có đoạn bố trí tượng đài Độc lập, các công trình văn hóa thế kỷ, trung tâm mua sắm, khu đi bộ... Vậy nên, nếu cho rằng trục đường này không giúp ích cho sự phát triển kinh tế xã hội là chưa chính xác. Giao thông ở đây có thể là giao thông đô thị với xe bus, xe con phục vụ hoàn toàn cho dân sinh.
Nếu xác định rõ điều đó, tôi tin rằng trục Ba Vì - Hồ Tây sẽ là trục nối kết, đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch sinh thái cho Hà Nội. Nó sẽ có vai trò đặc biệt trong việc tạo thành chuỗi môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, để thủ đô Hà Nội thực sự là một thành phố xanh.
Trước đây, trục này đã được chọn là Thăng Long, nay tên này đã chuyển sang cho Láng - Hòa Lạc. Vậy chúng ta hãy đặt cho nó cái tên Độc Lập bởi ở đó sẽ đặt tượng đài Độc Lập, có đền thờ Bác Hồ trên núi Ba Vì…
Trục Hồ Tây - Ba Vì sẽ có tượng đài Độc Lập. Ảnh phối cảnh: Hoàng Hà. |
- Nhiều ý kiến lo ngại trục Hồ Tây - Ba Vì dễ biến thành quy hoạch treo, ông nghĩ sao?
- Tôi không đồng tình với lo ngại tuyến đường là quy hoạch treo. Nói quy hoạch treo ở đây là lạm dụng. Chúng ta cần hoạch định cho đến năm 2050, còn tới thời điểm đó, có thể xây to hơn, hoặc nhỏ hơn. Còn nếu đã duyệt dự án rồi, giải phóng mặt bằng rồi để đấy, để đất hoang hóa thì mới gọi là quy hoạch treo.
Nếu lo ngại không có tiền để làm đường thì rất vô lý. Nếu nói nghĩ cho thế hệ con cháu thì phải mạnh dạn. Tầm nhìn cho 2050 là phải lớn, phải dành cho lớp trẻ. Tôi tin là sẽ làm được nếu chúng ta thực sự xác định kế hoạch cụ thể, có chính sách tốt trong việc chuyển hóa tài nguyên đất đai thành vốn, vận động xã hội hóa từ các doanh nghiệp. Nó cũng giống như việc bắn pháo hoa, cải tạo các hồ tại Hà Nội, nếu kêu gọi doanh nghiệp thì công việc trở nên dễ dàng. Điều mà tôi lo nhất chính là vấn đề tổ chức thực hiện. Có thực hiện được hay không mới là cái quan trọng nhất.
- Đồ án có quy hoạch quỹ đất dự trữ tại Ba Vì, theo ông, khu vực này nên có chức năng gì?
- Cần quy hoạch Ba Vì thành đô thị dịch vụ du lịch sinh thái xanh, kiên quyết không cho xây nhà cao tầng. Bali (Indonesia) là một điển hình về thành phố biển xanh. Ở đó có quy định rất đơn giản là các công trình không được xây cao quá cây dừa. Ba Vì cũng nên thế. Ba Vì đang xanh, lại có rừng nguyên sinh cần được đặc biệt bảo vệ, phải tránh không gian xanh này bị phá vỡ bởi các công trình xây dựng.
Chúng ta cần bảo tồn các khu văn hóa, khu di tích lịch sử và lõi là đền thờ Bác Hồ trên đỉnh núi Ba Vì. Bên cạnh đó là khu du lịch sinh thái phù hợp với không gian tự nhiên Ba Vì. Chúng ta sẽ phát triển được nền kinh tế dịch vụ du lịch xanh bảo tồn được không gian xanh và là đặc trưng đô thị xanh Hà Nội.
Thực tế, Hà Nội đang thiếu lá phổi xanh, nhìn sang các nước có rừng trong thành phố mà mơ ước. Nhiều người cho rằng khi mở rộng thành phố là cơ hội để chúng ta có đất trồng rừng, tạo nên chỗ vui chơi, nghỉ ngơi cho người dân, đặc biệt là cho thanh thiếu niên. Vậy hà cớ gì mà chúng ta không tận dụng tiềm năng sinh thái vốn có của vùng núi Ba Vì.
Theo Đoàn Loan(VNE)