Mặc dù, những bức xúc của người dân TP. Hồ Chí Minh đối với công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư trên địa bàn không còn gay gắt, nhưng những vướng mắc trong việc bồi thường, thu hồi đất tái định cư vẫn còn nhiều.
Khu tái định cư Thạnh Mỹ Lợi (quận 2) dành tái định cư cho người dân bị thu hồi đất trong DA xây khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: Q.Mai
Nhiều điểm nóng tái định cư

Một trong những điểm nóng tái định cư trên địa bàn thành phố hiện nay là dự án (DA) Trung tâm thương mại Bình Điền (người dân hay gọi là chợ đầu mối Bình Điền). DA Trung tâm thương mại Bình Điền do Tổng Cty Thương mại Sài Gòn làm chủ đầu tư, riêng DA tái định cư gồm 400 nền nhà, được giao cho Cty Fimexco thực hiện. Sau đó, Fimexco giao lại cho Cty Phú Mỹ Lợi thực hiện. Tổng Cty Thương mại Sai Gòn đã rót vào DA tái định cư này 80 tỉ đồng. Kể từ khi bắt đầu thu hồi đất, đến nay đã 8 năm trôi qua, người dân có đất bị thu hồi trong DA này vẫn chưa được bố trí tái định cư, mà vẫn phải nhận tiền tạm cư. Nguyên nhân được cho có khúc mắc trong vấn đề xác định giá đất. Giá đất trong khu tái định cư được UBND quận 8 phê duyệt là 18 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá đất khu vực xung quanh giao dịch trên thị trường chỉ khoảng 12 triệu đồng/m2. Sự chênh lệch quá lớn khiến cho Tổng Cty Thương mại Sài Gòn và đối tác không tìm được tiếng nói chung. Trong khi các bên liên quan đang “vênh” nhau thì người dân có đất bị thu hồi vẫn chưa được an cư. Mỗi tháng, người dân được cấp 300.000 đồng/người để thuê nhà trọ. Điều đáng nói, 8 năm trôi qua, vật giá thay đổi không biết bao nhiêu lần, nhưng số tiền tạm cư chi co mỗi nhân khẩu vẫn chỉ 300.000 đồng.

Một trong những điểm nóng khác về tái định cư là khu đô thị mới Thủ Thiêm. Để đáp ứng quỹ nhà tái định cư cho các hộ dân có đất bị thu hồi trong DA này, thành phố phải chuẩn bị một quỹ nhà là 12.500 căn hộ. Đến nay, công tác thu hồi đất trong DA khu đô thị mới Thủ Thiêm đã sắp hoàn thành, trong khi quỹ nhà tái định cư đã có chỉ mới đáp ứng được một phần nhỏ trong tổng nhu cầu.

Thu hồi đất phương thức nào cũng vướng

Một nội dung quan trọng trong đợt giám sát vừa qua của HĐND TP là công tác đền bù giải phóng mặt bằng thu hồi đất để thực hiện các DA. Hiện TP đang áp dụng song song 2 cơ chế thu hồi đất là tự thỏa thuận bồi thường và Nhà nước bồi thường thu hồi đất. Thường đối với các DA sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách thì áp dụng cơ chế tự thỏa thuận bồi thường giữa người dân và chủ đầu tư. Đối với các DA sử dụng vốn ngân sách, DA xây dựng cơ sở hạ tầng, Nhà nước áp dụng cơ chế bồi thường và thu hồi đất. Cùng một lúc song song tồn tại 2 cơ chế đã làm nảy sinh nhiều vướng mắc. Việc áp dụng cơ chế tự thỏa thuận bồi thường giữa người có quyền sử dụng đất và nhà đầu tư đã đẩy việc bồi thường giải tỏa trở thành một trò đuổi bắt không có điểm dừng. Trong khi đó, đối với các DA Nhà nước áp dụng cơ chế thu hồi đất, mặc dù giá bồi thường, hỗ trợ được xác định là tiệm cận giá thị trường, tuy nhiên vẫn có một sự cách biệt lớn giữa giá bồi thường theo phương thức thỏa thuận và giá bồi thường theo phương án giá của Nhà nước phê duyệt. Điều này đã tạo ra những vướng mắc, khó có thể lý giải một cách thỏa đáng, khó cho người bị thu hồi đất và khó cả cho cơ quan thu hồi đất. 2 khu đất giáp ranh nhau, nhưng giá bồi thường có khi chênh nhau đến vài lần, đặc biệt là đất nông nghiệp. Nếu không có những giải pháp mang tính căn cơ, giải quyết các vướng mắc trong bồi thường, giải tỏa, tái định cư thì những bức xúc của người bị thu hồi đất vẫn sẽ mãi còn đó.
Theo Ngọc Huân (Lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.