Cả ngàn người dân ấp Doi thuộc khu phố 8, phường 15, quận Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh sắp bị đẩy ra đường trong cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất vì khoảng 300 căn nhà bị đập bỏ vì xây nhà không phép.
Hơn một tuần qua cả ấp Doi ở khu phố 8, phường 15, quận Gò Vấp (TP.HCM) náo loạn lên vì hàng trăm căn nhà được dân nghèo xây lên bằng tiền dành dụm tiền sau hàng chục năm trời tích cóp đã và đang thành bêtông vụn. Tại tổ 61, có 90 căn nhà xây dựng trái phép với hơn 300 người cuống cuồng tìm nhà trọ khi nhà bị chính quyền địa phương dỡ bỏ theo lệnh cưỡng chế và bị buộc tự tháo dỡ. Trong đó, 3 chị em chị Dư Thị Khố "mất” gần 400 triệu đồng là tiền vay mượn khắp nơi để cất 3 căn nhà. "Nhà bị đập nát, chị em tôi với các con, cháu không còn nơi ở, nợ nần chồng chất. Giờ chưa biết làm thế nào. Gần đó, 4 người con của ông Vũ Văn Nhã cũng mất hết nhà với tổng chi phí xây dựng gần nửa tỷ đồng. Theo ông Nhã, gần 15 năm mua đất sống tạm bợ trong khu quy hoạch "treo” ở ấp Doi, đầu năm nay thấy hàng xóm xung quanh xây nhà kiên cố mà không bị chính quyền địa phương nhắc nhở nên ông kêu các con xây nhà bằng tiền chắt chiu sau bao năm lao động vất vả và một phần vay mượn bên ngoài.
Lúc xây cất không thấy cán bộ nào đến lập biên bản, tưởng Nhà nước xóa quy hoạch, cho dân cất nhà nhưng không ngờ vừa dọn vô ở mấy ngày thì nhận quyết định cưỡng chế”, ông Nhã nói trong nước mắt.
Cách đó một con hẻm, ông Phan Văn Tám (77 tuổi) suốt ngày ngồi co ro trong góc nhà ôm đầu, bứt tóc vì gần 300 triệu đồng vỡ vụn cùng bê tông. Theo cụ Tám, năm 2006 gia đình dành dụm vài chục triệu đồng mua thửa đất ngang 4m, dài 12,4m của bà Dương Thị Bàn ở tổ 61. Vài năm trước thửa đất giáp ranh được chính quyền địa phương dựng lên công trình bia liệt sĩ ấp Doi, nhiều hàng xóm xung quanh được nhà chức trách cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo. Thấy vậy, đầu năm 2012 ông Tám kêu con trai mua vật tư, thuê thợ xây nhà ở để tuổi già có nơi tá túc ổn định. "Dọn vô ở chưa đầy một năm mà phải ra đường ở vì sáng 22-8 chính quyền dán giấy trước nhà thông báo cưỡng chế”.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND phường 15 Lê Minh Liêm cho biết đang tạm ngưng tháo dỡ nhà dân để xem xét đơn của người dân ấp Doi. Tuần trước hàng chục người dân đến UBND phường kêu cứu, mong chính quyền có những xem xét thấu đáo, giải quyết vụ việc hợp lý vì nếu đập hết nhà xây dựng trái phép ở ấp Doi thì hàng trăm hộ dân sẽ bị mất nhà. Theo ông Liêm, tại ấp Doi có hơn 300 căn nhà thuộc diện cưỡng chế, tháo dỡ. Địa phương đang rà soát những căn nhà nào xây trước tháng 6-2012 để trình UBND quận Gò Vấp cho phép tồn tại. Cũng theo ông Liêm, hiện đã có người lập thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất để khi nào có đầy đủ giấy tờ thì xin giấy phép xây dựng nhà ở.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp cho biết ấp Doi tách biệt với những nơi khác của phường nên việc tuần tra, theo dõi về trật tự xây dựng tại đây có khó khăn. Đây là nguyên nhân tồn tại việc nhiều gia đình xây nhà không phép. Theo quy định, những căn nhà xây dựng trái phép thì bị lập biên bản, buộc tháo dỡ nhưng phải xử lý từ lúc hộ dân mới đặt những viên gạch đầu tiên chứ phá bỏ khi đã xây thành nhà hoàn chỉnh thì thiệt hại rất lớn. Theo lãnh đạo phường, cưỡng chế để giữ kỷ cương phép nước nhưng cần có một giải pháp lưỡng toàn để đảm bảo lợi ích và nhu cầu chính đáng của người dân. Cũng theo ông Tuấn, UBND TPHCM đã có chủ trương cấp phép xây dựng tạm trên đất quy hoạch. Vì vậy, tại sao phường 15 không yêu cầu người dân ký cam kết tự nguyện tháo dỡ khi triển khai quy hoạch rồi cho phép căn nhà tồn tại tạm thời để giải quyết nhu cầu trước mắt của người dân về chỗ ở. "Đập xong, đất không làm gì, trong khi người dân phải mất nhà và tốn tiền thuê nơi ở mới”, ông Tuấn nêu quan điểm.
Ái Nam (Đại Đoàn Kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.