16/11/2013 11:53 PM
Năm 2013, TP.HCM dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng 11 dự án với quy mô 3.000 căn hộ nhà ở xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai đang gặp phải không ít vướng mắc.
Chương trình nhà ở xã hội còn vướng mắc cả từ phía cung và cầu. Ảnh minh họa- Nguyễn Huế.

Vướng từ chính sách

Theo ông Trần Đình Cường, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại TP.HCM cho biết, việc xét duyệt thủ tục vay tiền cho các đối tượng mua nhà ở xã hội còn vướng mắc trong quy định về thế chấp tài sản hình thành trong tương lai, do các phòng công chứng không chấp nhận công chứng các hợp đồng này.

Để tháo gỡ vướng mắc trên một số ngân hàng thương mại đã kí kết hợp đồng 3 bên giữa Ngân hàng – khách hàng- chủ đầu tư. Theo đó khi có giấy chứng nhận nhà ở, chủ đầu tư sẽ giao cho ngân hàng, và khi ngân hàng nhận được giấy này sẽ cùng với người vay đi làm thủ tục công chứng và các thủ tục pháp lí khác. Tuy nhiên, đối với các dự án bắt đầu xây dựng, phải mất vài năm dự án mới hoàn thiện và mới có giấy chứng nhận nhà ở. Trong thời gian này nếu người vay vi phạm hợp đồng bị xử lí tại tòa thì tòa có thể tuyên hợp đồng thế chấp chưa công chứng là hợp đồng vô giá trị.

Liên quan đến vướng mắc nêu trên, ông Trần Văn Bảy, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM cho biết, Nghị định về nhà ở xã hội cho phép các nhà ở hình thành trong tương lai được thế chấp nhưng Luật Nhà ở, Bộ luật Dân sự thì lại quy định một trong những điều kiện để nhà ở được tham gia giao dịch là phải có giấy chứng nhận sở hữu.

Do có sự xung đột về chính sách như trên dẫn đến tình trạng các phòng công chứng không chấp nhận công chứng cho các hợp đồng nhà ở hình thành trong tương lai. Để giải quyết vấn đề này Sở Tư pháp đã có văn bản trình ủy ban để UBND TP.HCM có ý kiến với Bộ Tư pháp, Cục Đăng kí quốc gia về bảo đảm đã có hướng dẫn thay vì công chứng hợp đồng đăng kí trong tương lai thì chuyển công chức hợp đồng thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng và hiện đã có một số ngân hàng đã thực hiện theo hướng này.

Người mua nhà khó tiếp cận

Ông Nguyễn Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, các chương trình nhà ở xã hội còn vướng mắc cả về cung và cầu. Cụ thể, về nguồn cung, nhà ở xã hội chưa có sức hút đối với các doanh nghiệp vì doanh nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi trong khi nguồn vốn đầu tư cho một dự án phát triển nhà ở xã hội là rất lớn, thời gian thu hồi vốn lâu, doanh nghiệp phải chấp nhận lợi nhuận thấp do chi phí đầu tư vào đất chưa được bù đắp thỏa đáng.

Về cầu, trong thực tế, thu nhập của đối tượng thuê mua nhà ở xã hội không đồng đều giữa các địa phương. Bên cạnh đó thu nhập của các đối tượng được thụ hưởng nhà ở xã hội còn thấp. Theo thống kê phần lớn các đối tượng được xét duyệt thuê mua nhà ở xã hội tại TP.HCM chưa có khả năng chi trả trước 20% giá trị căn hộ theo quy định do phần lớn người mua nhà chưa tiếp cận được các nguồn tài chính cho vay dài hạn với lãi suất thấp hơn.

Từ góc độ các đối tượng được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội,bà Nguyễn Trần Phượng Trân, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM cho biết, tuy nhu cầu về nhà ở của công nhân, viên chức, người lao động tại TP.HCM rất lớn, nhưng thu nhập của người lao động hiện nay khó có thể sử dụng khoản tích lũy để mua nhà. Đặc biệt, với 20% giá trị nhà phải trả trước khi thuê, mua nhà ở xã hội người mua nhà cũng khó đáp ứng vì thu nhập bình quân của người lao đông chỉ khoảng 8-9 triệu /tháng mà phải trả tiền mua nhà từ 5-6 triệu đồng/ tháng là rất khó khăn.

Theo chị Phạm Thị Lệ Thủy, giáo viên trường PTTH Nguyễn Trung Trực, Gò Vấp, với mức lương trung bình từ 3,5 đến 4 triệu đồng/tháng của giáo viên hiện nay thì giá và chi phí tại các chung cư thuộc các dự án nhà ở xã hội vẫn rất cao, không phù hợp với người thu nhập thấp. Bên cạnh đó, lãi suất và thời gian ưu đãi của gói 30.000 tỉ đồng cũng như chất lượng công trình và sự đồng bộ về dịch vụ hạ tầng của các dự án nhà ở xã hội cũng còn là những vấn đề mà người mua nhà ở xã hội phải băn khoăn, lo lắng.

Nguyễn Huế (Báo Hải quan)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.