Vị trí Cụm cảng trung chuyển ICD Long Bình
Theo quy hoạch được duyệt, Cụm cảng trung chuyển ICD Long Bình có tổng diện tích 670.871 m2, trong đó: Diện tích đất là 542.090 m2 (phần diện tích đất phù hợp quy hoạch 468.719 m2); Diện tích mặt nước bờ sông ngoài phạm vi ranh đất là 128.781 m2 (quy hoạch khu nước của ICD).
Cụm cảng trung chuyển ICD Long Bình có tính chất là trung tâm tiếp nhận, lưu trữ, sơ chế nguyên liệu, đóng gói, dán nhãn, phân phối hàng hóa,... phục vụ cho các cảng biển Nhóm 5 và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Cụm cảng trung chuyển ICD Long Bình bao gồm các chức năng chính:
Khu kho tàng, bến bãi và kho: có chức năng tiếp nhận, phân phối, tháo dỡ container, thực hiện các công đoạn xử lý hàng hóa và lưu trữ hàng hóa.
Các tiểu khu vực trong khu bến, bãi và kho gồm bến cập tàu, khu kho - bãi hàng (bãi container nhập, xuất; bãi container rỗng, bãi container hàng lạnh; kho CFS;…) khu sửa chữa và vệ sinh container,…
Khu công trình hành chính, dịch vụ: có chức năng phục vụ cho hoạt động của ICD, phục vụ các hoạt động điều hành sản xuất, kiểm tra hải quan, kiểm dịch.
Đất giao thông + bãi đậu xe: bao gồm giao thông đối ngoại, đối nội và giao thông tĩnh (bãi đậu xe, phương tiện, thiết bị).
Khu đầu mối hạ tầng kỹ thuật: bao gồm trạm cấp điện, cấp nước, thu gom nước thải, rác thải.
Khu cây xanh - mặt nước: tận dụng điều kiện địa hình và cảnh quan tự nhiên sẵn có để hình thành các không gian xanh; đồng thời quy hoạch phạm vi mặt nước phía sông Đồng Nai làm khu nước hoạt động của bến.
Dự án do liên danh 3 công ty gồm: Công ty Cổ phần Đức Khải - Công ty Cổ phần Địa ốc Tân Hoàng - Công ty Cổ phần Địa ốc Tam Bình đầu tư.
Cụm cảng trung chuyển ICD Long Bình có phía Đông giáp sông Đồng Nai, phía Tây giáp đường Nguyễn Xiển và khu dân cư hiện hữu, phía Nam giáp Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc, phía Bắc giáp rạch Cây Quý.
Được biết, việc đầu tư xây dựng Cụm cảng trung chuyển ICD Long Bình là để di dời cụm cảng Trường Thọ hiện hữu tại phường Trường Thọ, Q. Thủ Đức theo hình thức đầu tư đối tác công tư, đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương tại Công văn số 211 hồi đầu năm 2016.
Vào tháng 1/2017, UBND Thành phố đã duyệt đề xuất dự án Xây dựng cụm cảng trung chuyển - ICD mới tại phường Long Bình, quận 9 theo hình thức PPP (hợp đồng BT). Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 5.800 tỷ đồng, được thực hiện từ năm 2016 đến năm 2019.
Trước đó, vào tháng 11/2016, UBND Thành phố đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở ngành liên quan hướng dẫn liên danh Công ty Cổ phần Đức Khải - Công ty Cổ phần Địa ốc Tân Hoàng - Công ty Cổ phần Địa ốc Tam Bình hoàn chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xây dựng cảng trung chuyển - ICD tại phường Long Bình, quận 9.
Trong đó có tiêu chí nhà đầu tư được chọn phải đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Xiển theo lộ giới quy hoạch được duyệt (30 m). Nhà đầu tư được chọn một trong ba phương án:
Thứ nhất là nhà đầu tư chịu trách nhiệm toàn bộ kinh phí kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng và xây lắp để phục vụ cho dự án.
Thứ hai là nhà đầu tư chịu trách nhiệm phần kinh phí xây lắp, TP.HCM chịu trách nhiệm đền bù giải phóng mặt bằng.
Cuối là nhà đầu tư đóng góp cho ngân sách thành phố từ 20 – 40% tổng mức kinh phí đầu tư xây dựng.
Tuy nhiên, UBND Thành phố yêu cầu Sở Kế hoạch Đầu tư cùng các sở ngành phải lựa chọn phương án có lợi nhất cho TP.HCM.
Nguyên nhân của việc cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Xiển theo lộ giới quy hoạch được duyệt (30 m) là đường Nguyễn Xiển hiện chỉ rộng khoảng 10m và cách đường Xa lộ Hà Nội hơn 1km, chưa đảm bảo cho việc tổ chức giao thông cho dự án và kết nối đồng bộ với hệ thống giao thông chính tại khu vực. Do vậy, để dự án khi đưa vào sử dụng, hoạt động được hiệu quả và không gây áp lực lên cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại khu vực thì phải đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Xiển theo lộ giới quy hoạch 30m.