“Việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất sẽ tạo điều kiện phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị, kể cả đất dành cho an ninh quốc phòng”. Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND TP HCM tại Hội nghị công bố Nghị quyết 80 của Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối tại TP HCM từ 2016 đến 2020 diễn ra sáng 11/7 tại TP HCM.
Một góc TP HCM
Hiện nay, diện tích đất nông nghiệp ở thành phố chiếm khoảng 25%, còn lại là đất phi nông nghiệp và các loại đất khác, trong khi đó ngành nông nghiệp chỉ chiếm 0,06% tổng sản phẩm dịch vụ trên địa bàn, còn lại 99% là các ngành công nghiệp và dịch vụ. Do đó, kế hoạch này được ban hành nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai của TP, nhất là đất canh tác, nâng cao hiệu suất lao động, tái cơ cấu xây dựng nông thôn mới.
Theo kế hoạch này, nhóm đất nông nghiệp quy hoạch đến năm 2020 là 88.005 ha, bằng với chỉ tiêu quốc gia phân bổ. Cụ thể, đất trồng lúa là 3.000 ha, bằng chỉ tiêu quốc gia phân bổ; đất rừng phòng hộ là 33.901 ha, cao hơn 609 ha so với chỉ tiêu quốc gia phân bổ, đất rừng sản xuất là 1.558ha, thấp hơn 591 ha so với chỉ tiêu, đất phi nông nghiệp là 188.890 ha, cao hơn 1.080 ha so với chỉ tiêu quốc gia phân bổ…
Chỉ tiêu sử dụng đất theo khu chức năng được UBND TP xác định theo quy định của Luật Đất đai, gồm; khu lâm nghiệp quy hoạch đến năm 2020 là 48.905 ha; khu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học là 37.353 ha, khu phát triển công nghiệp là 35.000 ha, khu đô thị 6.246ha, khu thương mại dịch vụ 41.912ha, khu dân cư nông thôn điều chỉnh theo quy hoạch đến 2020 là 14.625 ha.
Theo UBND TP, việc công bố công khai điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất sẽ được triển khai theo từng năm nhằm có cơ sở để người dân giám sát trong phân khai chỉ tiêu sử dụng ở các địa phương.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, việc thực hiện Nghị quyết 80 của Chính phủ sẽ giúp thành phố cơ cấu lại quỹ đất để phát triển những nhiệm vụ chiến lược của địa phương như khu công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao, logistic và thương mại dịch vụ.
“Hiện nay, cơ cấu quỹ đất nông nghiệp trên cơ sở đặc thù của TP HCM không phải là nơi phát triển mạnh về nông nghiệp và giá trị đóng góp của nông nghiệp cho thành phố không cao. Do đó, cần phải điều chỉnh thích hợp, vẫn đảm bảo đất cho nông nghiệp nhưng phải tái cơ cấu lại để phát triển những hoạt động chiến lược của TP. Như vậy vừa không lãng phí vừa tránh để kéo dài dẫn đến tình trạng lấn chiếm và khi triển khai dự án phải giải quyết cho những trường hợp này”, ông Tĩnh Tuyễn nói./.