UBND Thành phố cũng nói rỏ, khi Thành phố triển khai thực hiện quy hoạch bến Bạch Đằng, các doanh nghiệp sẽ phải tự thực hiện di dời và không được bồi thường.
UBND Thành phố cũng lưu ý việc neo đậu của tàu nhà hàng Elisa tại bến Nguyễn Kiệu, quận 1 vào các dịp lễ, tết phải có sự chấp thuận của UBND UBND Thành phố.
Ngoài ra, UBND Thành phố cũng yêu cầu các doanh nghiệp giữ gìn mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông đường bộ và đường thủy trong quá trình hoạt động. UBND Thành phố sẽ chấm dứt hoạt động khai thác tại các bến này nếu không đảm bảo về an toàn giao thông đường thủy và đường bộ.
Dự án Công viên Cảng Bạch Đằng có vị trí rất đắc địa tại Quận 1, TP.HCM trải dài ven sông Sài Gòn phía cuối tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ, và đối diện với sang bên kia sông là Thủ Thiêm.
Hồi cuối tháng 9 vừa qua, UBND Thành phố đã duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu công viên Bến Bạch Đằng, thuộc một phần phường Bến Nghé và phường Nguyễn Thái Bình, quận 1 với quy mô khoảng 18ha.
Đồ án nhiệm vụ quy hoạch do Tổng công ty Du lịch Sài Gòn - Công ty Cổ phần đầu tư Sài Gòn An Phát lập hồi giữa năm 2017.
Theo yêu cầu của UBND Thành phố vào lúc giao 2 công ty trên lập quy hoạch, dự án Công viên Cảng Bạch Đằng phải tuân thủ các nội dung của đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 khu trung tâm hiện hữu TP (930 ha) và quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của khu đô thị Thủ Thiêm; bảo tồn di tích lịch sử tượng Trần Hưng Đạo, cột cờ Thủ Ngữ.
Theo quy hoạch khu trung tâm hiện hữu TP.HCM (930ha), khu vực công viên Bến Bạch Đằng là một trong những khu vực đặc biệt.
Đường Tôn Đức Thắng đi qua đoạn này sẽ được ngầm hóa và có hai làn xe mỗi hướng. Bãi đậu xe ngầm Tôn Đức Thắng cách Công trường Mê Linh khoảng 100m, về phía nam của đường Ngô Văn Năm.
Toàn bộ mặt đường Tôn Đức Thắng hiện tại sẽ là công viên, đường đi bộ. Ở giữa Công trường Mê Linh sẽ có một vườn trũng bố trí các cửa hàng bán lẻ, quán cà phê, nhà hàng xung quanh.
Ở tầng trệt của quảng trường có hơn 50% diện tích cây xanh che phủ, xây đài phun nước. Giữa Công trường Mê Linh và sông Sài Gòn có 3 trạm xe buýt, trạm LRT và trạm taxi thủy.