22/11/2016 11:31 PM
Để thực hiện một trong bảy chương trình đột phá đến 2020 là chỉnh trang và phát triển đô thị, thành phố Hồ Chí Minh phải di dời hơn 20 ngàn căn nhà trên và ven kênh rạch. Đây là nhiệm vụ khó khăn đối với chính quyền và người dân thành phố, khi thời gian chỉ còn hơn ba năm nữa. Đến thời điểm này, công tác giải tỏa, di dời các căn nhà và hộ dân này vẫn đang ở giai đoạn rà soát, thống kê, lập kế hoạch.

Một đoạn kênh Tàu Hủ - Bến Nghé.

Những ngày này, những người dân đang sinh sống dọc các tuyến kênh, rạch tại quận 8, thành phố Hồ Chí Minh đang nửa mừng, nửa lo vì chưa biết cuộc sống của mình sẽ ra sao khi thành phố thực hiện giải tỏa, di dời họ đi nơi khác. Tại quận có tới hơn 9.500 căn nhà trong tổng số 22 nghìn căn thuộc diện lấn chiếm hoặc xây dựng không phép ven các kênh, rạch ở thành phố Hồ Chí Minh.

Những căn nhà nói trên tập trung tại các kênh Tàu Hủ, Lò Gốm, kênh Đôi, kênh Tẻ, kênh Ông Bé, Xóm Củi, Ruột Ngựa. Riêng kênh Đôi - kênh Tẻ đã có đến 5.300 căn nhà lụp xụp với 32 nghìn nhân khẩu. Hầu hết người dân nơi đây đều là dân nghèo, làm nghề tự do. Để di dời, tái định cư, tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn người là rất khó khăn. Trong khi đó, hầu hết nhà, đất họ đang sử dụng không có giấy tờ hợp pháp nên việc áp giá đền bù giải tỏa sẽ thấp, không đủ để mua một căn nhà mới. Theo dự toán của UBND quận 8, kinh phí để di dời, giải tỏa toàn bộ các hộ dân này tốn khoảng gần 14 nghìn tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai quận 8 cho biết: "UBND quận 8 cũng đã có kế hoạch giải tỏa và chỉnh trang đô thị. Việc này phụ thuộc vào các dự án đầu tư. Khi tiến hành giải tỏa thì chúng ta sẽ bồi thường một lượt luôn. Đối với các hộ dân sống ven và trên kênh rạch này thì rất ít hộ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất".

Theo Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, số lượng nhà “ổ chuột” trên và ven kênh, rạch trên địa bàn thành phố hiện nay là hơn 17 nghìn căn. Theo kế hoạch, việc di dời sẽ được tiến hành trong hai giai đoạn. Từ nay đến 2020, thành phố tập trung giải tỏa di dời 9.800 căn. Giai đoạn 2 từ năm 2020 – 2025, sẽ hoàn thành mục tiêu di dời hơn 19.500 căn nhà và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh, rạch. Tuy nhiên, khó khăn rất lớn trong việc giải tỏa các căn nhà ven kênh rạch là người dân không đồng thuận với chính sách đền bù, tái định cư của thành phố. Việc bố trí địa điểm tái định cư cho các hộ dân này cũng gặp khó khăn bởi quỹ đất của thành phố còn hạn chế, trong khi hầu hết người dân muốn sinh sống gần nơi họ đã gắn bó bấy lâu nay. Cũng vì vậy, khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh được thành phố Hồ Chí Minh đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng nhưng không thu hút người dân đến ở, gây lãng phí tiền của Nhà nước. Bà Huỳnh Thị Minh Châu, Phó Chủ tịch thường trực HĐND phường 6, quận 3 cho rằng: "Chúng ta cần tính đến việc bố trí cho họ cuộc sống như thế nào, nơi ở như thế nào cho phù hợp. Tránh trường hợp khi mình giải tỏa, có những gia đình người ta quá khó khăn khi họ cần có cái nhà để ở. Chúng ta cũng cần làm tốt việc này để tránh những trường hợp khiếu kiện kéo dài".

Để công tác di dời nhà trên và ven các kênh rạch đạt hiệu quả cao, cần có sự chủ động của cả chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể và người dân thành phố Hồ Chí Minh. Ở mỗi quận, huyện của thành phố nên có những phương án khác nhau, phù hợp với điều kiện thực tế. Việc di dời phải được thực hiện minh bạch, công khai từ khi xây dựng kế hoạch đến khi triển khai thực hiện. Trong đó, nên chú trọng phương án tái định cư tại chỗ để người dân sớm ổn định cuộc sống. Ông Nguyễn Văn Lưu, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho biết: "Chúng tôi đã xác định được ba khu đất, trong đó có hai lô đất ở xã Hiệp Phước và một khu đất ở xã Phước Lộc. Chúng tôi đang làm thủ tục để thu hồi đất và tiến hành lập dự án. Việc đó vừa kết hợp tái định cư, di dời các hộ dân, chống sạt lở đồng thời khai thông dòng chảy, theo chương trình của thành phố".

Các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng và phát triển đô thị thì cho rằng, công tác giải tỏa, di dời nhà trên và ven các kênh, rạch để chỉnh trang đô thị của thành phố Hồ Chí Minh cần thiết phải huy động nguồn lực từ phía doanh nghiệp. Trong khi đó, một số doanh nghiệp lớn cũng ngỏ ý muốn tham gia vào công tác này. Vấn đề đặt ra đối với chính quyền thành phố là cần lắng nghe nguyện vọng chính đáng của người dân, đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền và hài hòa lợi ích giữa các bên.

Đăng Quận (Nhân Dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.